Dấu hỏi dòng vốn của Hưng Thịnh Land giữa lúc các ngân hàng 'siết' cho vay bất động sản

Vẫn còn đó nỗi lo tín dụng ngân hàng bị cuốn vào vòng xoáy của bất động sản nếu nhìn từ việc CTCP Hưng Thịnh Land (công ty con của tập đoàn Hưng Thịnh) vừa hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB). Giữa bối cảnh một số ngân hàng tạm “siết” cho vay bất động sản, dòng vốn của doanh nghiệp này đang là dấu hỏi lớn khi mà “bom nợ” trái phiếu vẫn luôn chực chờ rủi ro.

Trên công cụ tìm kiếm Google hiện vẫn còn bản lưu (thực chất là một bản chụp lại của trang web Sở Xây dựng tỉnh Bình Định) về thông tin Sở Xây dựng tỉnh Bình Định giữa tháng 3/2022 đã cảnh báo đến các tổ chức, cá nhân được biết khi tham gia góp vốn, đặt cọc, giữ chỗ đối với dự án Tổ hợp du lịch thương mại giải trí Merry Land Quy Nhơn tại thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, Tp.Quy Nhơn, thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Cảnh báo quanh dự án Merry Land Quy Nhơn?

Theo đó, thời gian qua một số tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin, rao bán sản phẩm thuộc dự án “Tổ hợp du lịch thương mại giải trí Merry Land Quy Nhơn” trên mạng xã hội (facebook, zalo, ...) với sản phẩm là “nhà ở” là sai mục tiêu của dự án là thương mại, dịch vụ (không phải là nhà ở) đã được nhà nước phê duyệt, không đúng quy định của pháp luật, nhằm trục lợi bất chính. 

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2022-03-2845-9846-

Dự án Merry Land Quy Nhơn có quy mô diện tích hơn 623 ha, tổng số vốn đầu tư giai đoạn I lên đến 57.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, cũng theo thông tin từ bản lưu của Google, chủ đầu tư dự án - CTCP dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn đã có văn bản số 70/CV-HTQN/2021 ngày 27/5/2021 về việc công khai thông tin dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land (tên cũ của dự án Merry Land Quy Nhơn) tại thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, Tp.Quy Nhơn gửi Sở Xây dựng tỉnh Bình Định để đăng tải công khai.

Để tránh thiệt hại về sau, người mua nên cẩn trọng, tìm hiểu cụ thể trên trang thông tin điện tử của CTCP Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn hoặc Website Sở Xây dựng tỉnh Bình Định. 

Dự án Tổ hợp du lịch thương mại giải trí Merry Land Quy Nhơn được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2009, điều chỉnh lần thứ 6 vào năm 2021, cho CTCP Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn (thuộc CTCP tập đoàn Hưng Thịnh). 

Dự án có quy mô diện tích hơn 623 ha, thời gian hoạt động dự án 70 năm (kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu), tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án đến quý 4/2029. Mục tiêu dự án là xây dựng khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, resort có đẳng cấp quốc tế với loại hình giải trí cao cấp, khu sân tập golf, khu dịch vụ vui chơi giải trí, khu tắm biển, khu vực tổ chức hội nghị, hội thảo và lễ hội văn hóa dân gian.

Cũng liên quan đến dự án nêu trên, cách đây gần nửa tháng, tại buổi lễ ký kết thoả thuận hợp tác toàn diện giữa CTCP Hưng Thịnh Land và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), ông Lê Trọng Khương - Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land (công ty con của CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh) cho biết, vào đầu tháng 3, Tập đoàn Hưng Thịnh đã chính thức giới thiệu quần thể nghỉ dưỡng - du lịch - thương mại, giải trí và mua sắm đẳng cấp quốc tế Merry Land Quy Nhơn ra thị trường. Đây là dự án trọng điểm của Tập đoàn Hưng Thịnh, quy hoạch 15 phân khu, quy mô gần 700 ha với tổng số vốn đầu tư giai đoạn I lên đến 57.000 tỷ đồng.

Cũng theo đại diện Hưng Thịnh Land, bên cạnh một số đối tác nước ngoài, MB là một trong những đối tác uy tín trong nước mà Tập đoàn hợp tác chặt chẽ để triển khai dự án Merry Land Quy Nhơn. Thỏa thuận hợp tác chiến lược với MB đem lại nhiều giá trị cho Tập đoàn Hưng Thịnh, giúp dự án Merry Land Quy Nhơn bổ sung thêm nguồn vốn tín dụng, đồng thời cung cấp nhiều giải pháp tài chính linh hoạt cho khách hàng.

“Quả bóng” rủi ro ai lãnh đủ?

Hơn thế nữa, theo thỏa thuận được ký kết, MB sẽ là một trong những đầu mối cung cấp tín dụng để thực hiện đầu tư các dự án bất động sản, cấp vốn lưu động và các dịch vụ tài chính khác phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Hưng Thịnh Land cùng các đơn vị thành viên.

Rõ ràng, những cảnh báo về việc kinh doanh bất động sản đối với dự án “Tổ hợp du lịch thương mại giải trí Merry Land Quy Nhơn” như bản lưu trên Google là điều rất đáng lưu tâm. Cùng với đó là việc hợp tác toàn diện của MB với Hưng Thịnh Land nhằm triển khai dự án này, đang là vấn đề mà dư luận chú ý.

Việc cảnh báo nêu trên là rất cần thiết ở thời điểm này để người mua, nhà đầu tư cẩn trọng trước khi thực hiện các giao dịch nhằm tránh “tiền mất tật mang” khi mua phải “nhà ở” ở những dự án bất động sản nghỉ dưỡng vốn “không phải là nhà ở”.

Còn việc hợp tác toàn diện giữa ngân hàng với doanh nghiệp bất động sản thì điều đọng lại là dấu hỏi về dòng vốn đầu tư khi mà một số ngân hàng thương mại cổ phần vào cuối tháng 3/2022 đã có động thái tạm dừng cấp tín dụng, giải ngân đối với mảng cho vay bất động sản sau hiệu ứng từ vụ bắt giữ Trịnh Văn Quyết - người được mệnh danh là “ông trùm” của hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Thực ra động thái mới của một số ngân hàng này là nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nhấn mạnh việc hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp. 

Cho nên, với thoả thuận toàn diện thì MB sẽ là “một trong những đầu mối cung cấp tín dụng để thực hiện đầu tư các dự án bất động sản” của Hưng Thịnh Land cùng các đơn vị thành viên, là điều mà dư luận cảm thấy trái khoáy với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. 

Và đặc biệt là mối lo khi một ngân hàng hợp tác toàn diện với một doanh nghiệp bất động sản trong thời điểm này sẽ dẫn đến việc dòng vốn tín dụng có thể bị cuốn vào vòng xoáy của những dự án bất động sản vốn không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, có vấn đề về mặt pháp lý.

Nên biết thêm, “hệ sinh thái” của tập đoàn Hưng Thịnh đang đứng hàng đầu về huy động vốn từ trái phiếu. Đơn cử như từ đầu năm 2022 đến nay, Hưng Thịnh Investment, đơn vị môi giới của tập đoàn Hưng Thịnh đã công bố huy động thành công gần 4.000 tỷ đồng từ 4 lô trái phiếu.  

Còn trong năm 2021, Hưng Thịnh Land đã huy động tổng cộng 9.150 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng. Hồi quý 3 năm rồi, doanh nghiệp này được xếp nằm trong tốp 9 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu cao nhất trên thị trường. 

Mục đích sử dụng nguồn tiền huy động trái phiếu đa phần được Hưng Thịnh Land dùng để mua bán sáp nhập (M&A), tăng cường quỹ đất… Các trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành đều có tài sản đảm bảo là cổ phần tại Hưng Thịnh Land, cổ phần tại Tập đoàn Hưng Thịnh, cổ phiếu Hưng Thịnh Incons, quyền sử dụng đất thuộc dự án.

Giới chuyên gia cho rằng, yếu tố rủi ro luôn chực chờ khi doanh nghiệp bất động sản huy động vốn qua kênh trái phiếu. Đáng lưu ý là doanh nghiệp có thể xác định giá trị các tài sản đảm bảo cao hơn nhiều so với giá trị thực để phát hành được lượng trái phiếu nhiều hơn. 

Vậy mà, vẫn có một số ngân hàng “lách” quy định siết cho vay vào lĩnh vực bất động sản bằng cách mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nhằm “bơm vốn” cho doanh nghiệp bất động sản. Để rồi, “quả bóng” rủi ro có khi ngân hàng phải lãnh đủ.

Tân Lanh

Lượt xem: 301
Tác giả: Ý kiến bạn đọc