Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện quy trình bổ sung vốn điều lệ theo quy định pháp luật

Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh liên quan đến vướng mắc về lập phương án bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn đang hoạt động.

Gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ xem xét, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ bản, hoàn thành và tăng tài sản, ghi tăng nguồn vốn chủ sở hữu theo hướng bổ sung vốn điều lệ mà không phải lập phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động.

Cử tri tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ, đối với doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp này.

Thực tế, tại tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp do Nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ được UBND Tỉnh (cơ quan đại diện chủ sở hữu) cấp kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản từ nhiều năm trước hoặc được cấp có thầm quyền bàn giao các công trình xây dựng cơ bản hoàn thành.

Sau khi hoàn thành, bàn giao công trình, đã hạch toán tăng tài sản, đồng thời ghi tăng nguồn vốn chủ sở hữu theo chế độ kế toán, tuy nhiên các doanh nghiệp không lập phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật để trình UBND Tỉnh phê duyệt trước khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp kinh phí triển khai thực hiện đầu tư xây dựng. Do vậy, đến nay, các doanh nghiệp gặp vướng mắc về thủ tục bổ sung vốn điều lệ theo quy định.

Trả lời kiến nghị của cử tri Quảng Ninh về vấn đề này, Bộ Tài chính nhấn mạnh, pháp luật qua các thời kỳ đã quy định rõ về việc bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ đang hoạt động. Trong đó, quy định cụ thể việc lập phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ, hồ sơ, phạm vi, đối tượng, điều kiện, thẩm quyền đầu tư bổ sung vồn cho các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đang hoạt động.

Do đó, việc các doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh không lập phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật để trình UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương bổ sung vốn điều lệ là vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật qua các thời kỳ, không phải vướng mắc về cơ chế chính sách như kiến nghị của cử tri nêu.

Bộ Tài chính đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các cơ quan có liên quan của Tỉnh thực hiện quy trình bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Lượt xem: 4
Tin liên quan