Tranh cãi xung quanh việc tiền ảo Pi niêm yết, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng

Những ồn ào xung quanh việc đồng Pi đang chuẩn bị niêm yết khiến cộng đồng nhà đầu tư crypto dậy sóng. Nhà đầu tư cần hết sức thận trọng với đồng tiền ảo này.

Mới đây, đội ngũ của Pi Network đã công bố sẽ chính thức chuyển sang giai đoạn Open Network (mở mạng) đối với đồng tiền ảo Pi vào ngày 20/2/2025.

Một số sàn giao dịch tài sản số hóa lớn trên thế giới đều đã chấp nhận niêm yết Pi. Theo thông báo được đưa ra trên trang web chính thức của sàn giao dịch Bitget, theo yêu cầu từ đội ngũ Pi Network, đồng Pi sẽ được áp dụng chế độ niêm yết cô lập (Isolated Listing Mode). Đồng thời, người dùng tại một số quốc gia và khu vực sẽ không thể nạp tiền và giao dịch đồng Pi.

Chế độ niêm yết cô lập là hình thức niêm yết đặc biệt mà sàn giao dịch áp dụng đối với một số loại tiền điện tử (token) nhất định. Khi được niêm yết theo chế độ này, token thường có các hạn chế như về khả năng nạp rút hay không thể giao dịch với tất cả các cặp giao dịch,... Chế độ này thường chỉ được áp dụng khi xuất hiện các rủi ro liên quan đến tính pháp lý, khả năng thanh khoản thấp hoặc dự án yêu cầu giới hạn giao dịch trong giai đoạn đầu niêm yết.

Từ khi ra mắt vào năm 2019, Pi Network đã trở thành hiện tượng thu hút hàng triệu người tham gia nhờ lời hứa về việc khai thác tiền mã hóa trên điện thoại di động mà không tốn tài nguyên phần cứng. Đồng tiền ảo này thu hút nhiều sự chú ý bởi nó được quảng cáo là có thể "đào" thông qua ứng dụng Pi Network trên những chiếc smartphone.

Việc "mở mạng" đối với đồng Pi gây ra nhiều luồng ý kiến. Một nhà đầu tư sở hữu đồng Pi tại Mỹ cho rằng, khi mà ai cũng chỉ chờ đồng tiền này lên sàn để bán kiếm lời, hàng loạt các đợt bán "xả hàng" nhiều khả năng sẽ tạo ra tình trạng sập mạng.

Đồng thời, cũng có những người băn khoăn về việc trị giá của đồng Pi sẽ được tính toán như thế nào và dựa trên căn cứ gì. Nếu đồng Pi được đội ngũ phát triển in thêm ồn ạt, ai sẽ quản lý và tính pháp lý của đồng Pi khi đó sẽ như thế nào.

Chính vì vậy, nhiều nhà đầu thận trọng chờ đồng Pi lên sàn ổn định rồi người dân mới nên cân nhắc đầu tư. Một nhà đầu tư tại Australia nói: “Trong tài chính, để bảo toàn tài sản, nên tính toán đến việc làm sao để chọn lựa được tài sản có tính pháp lý cao nhất và rủi ro pháp lý được giảm thiểu".

Đồng Pi nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam từ đầu năm 2021. Tại Việt Nam, tiền mã hóa chưa được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp, các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa cũng đối mặt với rủi ro pháp lý cao và không được pháp luật bảo vệ.

Tháng 6/2023, Bộ Công an công bố đã phối hợp với công an các địa phương để điều tra hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi.

Theo đại diện Bộ, các hoạt động liên quan đến Pi tại Việt Nam có dấu hiệu của việc lôi kéo, lấy tiền của người trước trả cho người sau trong mô hình kinh doanh dạng nhị phân, đa cấp. Chính vì vậy, người dân cần thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường.

"Không có hoạt động kinh doanh nào mà có những mức lợi nhuận cao như vậy. Các dấu hiệu của hoạt động lôi kéo, đa cấp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tham gia, đề nghị người dân cần cảnh giác để tránh bị mất tài sản", đại diện A05 khuyến cáo.