Góc nhìn đầu tư 2025: Ngành nước - Lựa chọn vững chắc trong dài hạn
Ngành nước phát triển ổn định với nhu cầu tăng trưởng liên tục, được thúc đẩy bởi đô thị hóa và gia tăng dân số. Tỷ lệ thất thoát nước đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong những năm qua, phản ánh nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành.
Tổng quan ngành nước Việt Nam
Nước là nguồn tài nguyên vô giá, không chỉ là trụ cột của sự sống mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của mọi quốc gia. Tổng lượng nước trung bình trên phạm vi toàn quốc đạt khoảng 935.9 tỷ m3/năm, trong đó nguồn nước mặt là nguồn cấp nước chính cho nhu cầu của các ngành và cho phát triển kinh tế - xã hội trên hầu hết các vùng và lưu vực sông.
Chuỗi giá trị ngành nước
Theo Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA), hiện nay cả nước có khoảng 1,000 nhà máy cấp nước với tổng công suất khoảng 13.2 triệu m3/ngày đêm, cùng với 82 nhà máy xử lý nước thải đô thị với tổng công suất thiết kế khoảng 1.79 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ đạt 94% với tiêu chuẩn cấp nước 120 lít/người/ngày.
Nhìn chung, các doanh nghiệp ngành nước niêm yết tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào hai mảng lớn là khai thác, xử lý và phân phối nước sạch cho sinh hoạt đô thị và công nghiệp.
Dòng chảy tăng trưởng trong kỷ nguyên đô thị hóa
Dân số Việt Nam tăng lên cùng với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ kéo theo sự tăng trưởng đáng kể trong nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất. Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc năm 2024 ước đạt 44.3%, vượt 0.6% so với kế hoạch đặt ra. Dự kiến đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ vượt 50%, với khoảng 1,000 – 1,200 đô thị trên cả nước, đóng góp 85% GDP cho nền kinh tế.
Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc giai đoạn 2020-2030F
(Đvt: Phần trăm)
Nguồn: Bộ Xây dựng
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đặt ra không ít thách thức cho ngành nước, từ việc đảm bảo nguồn cung ổn định đến nâng cấp hạ tầng và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Theo Quy hoạch tài nguyên nước, nhu cầu sử dụng nước đến năm 2030 ước đạt 122.5 tỷ m3/năm và tăng lên 131.7 tỷ m3/năm vào năm 2050.
Nhu cầu sử dụng nước theo lưu vực sông
(Đvt: tỷ m3/năm)
Nguồn: Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tỷ lệ thất thoát nước kỳ vọng tiếp tục giảm
Tỷ lệ thất thoát nước là một chỉ số quan trọng phản ánh hiệu quả hoạt động của ngành cấp nước. Tỷ lệ thất thoát cao đồng nghĩa với việc một phần lớn lượng nước đã được xử lý và phân phối không đến được tay người tiêu dùng, dẫn đến việc lãng phí tài nguyên và làm tăng chi phí vận hành của doanh nghiệp.
Tỷ lệ này đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong những năm qua, phản ánh nỗ lực không ngừng từ các doanh nghiệp và chính sách quản lý của nhà nước. Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đã giảm từ 25% vào năm 2015 xuống còn 15.5% vào năm 2024, và mục tiêu tiếp theo là đưa tỷ lệ này xuống dưới 15% vào năm 2025.
Tỷ lệ thất thoát nước ở Việt Nam giai đoạn 2015-2025F
(Đvt: Phần trăm)
Nguồn: Bộ Xây dựng
Cổ phiếu đáng chú ý trong ngành nước
CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (HOSE: BWE) là doanh nghiệp lớn trong ngành cấp nước. Với doanh thu ổn định và các thương vụ M&A nghìn tỷ từ "ông lớn" nước sạch Bình Dương, hứa hẹn một tương lai đầy tiềm năng cho BWE.
Hai tệp khách hàng chính của BWE là khách hàng dân cư và khách hàng công nghiệp. Trong vòng 10 năm gần nhất, dân số tỉnh Bình Dương tăng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 4.59%. Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, dự kiến dân số Bình Dương đến năm 2030 sẽ đạt 4.04 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 88-90%. Sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa và dân số, kết hợp với dòng chảy mạnh mẽ của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này sẽ là động lực lớn thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nước.
Bảng so sánh các doanh nghiệp cùng ngành
Nguồn: Investing.com
Tuy nhiên, giá thị trường của cổ phiếu BWE hiện chưa hấp dẫn so với kết quả của mô hình định giá (tham khảo bảng bên dưới). Người viết cho rằng nhà đầu tư có thể mua vào cổ phiếu này khi giá thị trường điều chỉnh về vùng 40,000-42,000 đồng.
- 09:00 03/02/2025