Tháo gỡ những “rào cản”, giải ngân vốn đầu tư công tăng cao

Việt Nam đang triển khai cải cách toàn diện trong khu vực công và tư. Mục tiêu hướng đến là nhằm nâng cao tiềm năng tăng trưởng GDP thông qua đẩy mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế, tinh gọn bộ máy Chính phủ, đồng thời xử lý các điểm nghẽn làm giảm hiệu quả kinh tế. Những tín hiệu tích cực đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện khi giải ngân đầu tư công đã có mức tăng ấn tượng 40% trong nửa đầu năm nay, phản ánh sự cải thiện trong thủ tục hành chính – một rào cản từng gây đình trệ giải ngân trong những năm trước.

Trong báo cáo về đầu tư công vừa công bố, hai chuyên gia của Công ty Quản lý quỹ VinaCapital (VinaCapital) là: Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường - Thái Thị Việt Trinh, Chuyên viên phân tích kinh tế, chỉ ra 2 yếu tố chính thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong nửa đầu năm 2025, đó là: nhận thức cao hơn về việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương nhằm rút ngắn quy trình và trực tiếp thực thi các dự án trọng điểm.

Đặc biệt, giải ngân đầu tư công đang tăng mạnh ở cấp tỉnh, với mức tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh/thành tại Việt Nam hiện đang tiến hành sáp nhập hành chính – một phần của làn sóng cải cách sâu rộng trong khối nhà nước và khối tư nhân.

vinac.jpg

Theo các chuyên gia của VinaCapital, các bước đi này, cùng với những sáng kiến khác của Chính phủ, đã giúp bộ máy hành chính cả ở trung ương lẫn địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt - đặc biệt với các dự án đã “sẵn sàng triển khai”, chẳng hạn như mở rộng và nâng cấp hệ thống đường và cao tốc hiện hữu.

Bên cạnh tính cấp bách gia tăng, các cải cách pháp lý trao quyền nhiều hơn cho cấp địa phương trong việc triển khai các dự án công. Quốc hội đã thông qua một loạt biện pháp cho phép chính quyền địa phương phê duyệt các dự án quy mô lớn, mà trước đây phải trình Thủ tướng xem xét. Đồng thời, quy trình phê duyệt cho các dự án công cả ở cấp trung ương lẫn địa phương đang được tinh giản và Chính phủ đang tích cực thúc đẩy mô hình đối tác công tư (PPP), bao gồm cả việc khôi phục lại các dự án xây dựng - chuyển giao (BT) vốn đã bị đình trệ trong nhiều năm qua, cũng như khả năng mở rộng phạm vi định nghĩa dự án PPP vượt ra ngoài hạ tầng truyền thống như đường, cầu, hầm… để bao gồm cả trung tâm dữ liệu và các thành phần khác của “hạ tầng công nghệ cao”.

Một ví dụ khác cho thấy hiệu quả của việc tinh giản bộ máy là việc sáp nhập 63 Kho bạc Nhà nước (KBNN) cấp tỉnh thành 20 KBNN cấp khu vực và bỏ KBNN cấp huyện, đã giúp giảm đầu mối của hệ thống Kho bạc với doanh nghiệp. Các nhà thầu giờ đây có thể nộp hồ sơ trực tuyến tới Kho bạc khu vực, giúp thời gian giải ngân vốn rút ngắn đáng kể – chỉ còn 1 đến 3 ngày – thay vì quy trình trước đây phải đến trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện đến Kho bạc nơi giao dịch.

“Sự kết hợp giữa sáp nhập hành chính, nới lỏng quy định và trọng tâm phát triển kinh tế toàn diện đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư hạ tầng – được xem là động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP”, các chuyên gia của VinaCapital nhận định.

Ngoài ra, các dự án quy mô quốc gia cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Thời gian khởi công và hoàn thành một số công trình lớn như Sân bay Long Thành (13 tỷ USD), đường vành đai Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (13 tỷ USD), và tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (8,4 tỷ USD) đã được rút ngắn tới 3 năm.

Khung pháp lý cũng đang được điều chỉnh, đặc biệt đối với một số luật liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng, với mục tiêu tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án phù hợp với định hướng phát triển hạ tầng quốc gia, đồng thời đơn giản hóa quy trình giải ngân vốn công.

Những thay đổi mạnh mẽ trên đã có những tác động tích cực đến giải ngân vốn đầu tư công và VinaCapital cho rằng, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để duy trì đà giải ngân mạnh mẽ cho đầu tư hạ tầng. Trở ngại chính cho việc giải ngân chậm trong quá khứ phần lớn là do các vướng mắc pháp lý và thủ tục hành chính – điều mà các cải cách pháp lý ở phần trên đang từng bước tháo gỡ.

Mặc dù giải ngân đầu tư công tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, tuy nhiên các chuyên gia của VinaCapital cho rằng, cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết liên quan đến đầu tư công vẫn còn hạn chế. Các nhà đầu tư có thể tiếp cận gián tiếp làn sóng này thông qua các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng, trong khi đó, một số doanh nghiệp hạ tầng niêm yết lại gặp hạn chế về quản trị doanh nghiệp và năng lực tài chính.

Tuy vậy, vẫn có những doanh nghiệp nổi bật như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) – nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam – với quản trị doanh nghiệp minh bạch, đội ngũ điều hành lớn mạnh và dòng tiền ổn định. HPG sở hữu năng lực sản xuất lớn và tăng trưởng của doanh nghiệp gắn liền với làn sóng phát triển hạ tầng trong nước. Ngoài ra, Hòa Phát cũng đang mở rộng sang sản xuất thép chuyên dụng phục vụ đường sắt cao tốc – phù hợp với định hướng tại Nghị quyết 172/NQ-CP của Chính phủ.

Với những kết quả đạt được, cùng với việc Chính phủ đang cải tổ nhiều luật liên quan đến đầu tư nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân, nới lỏng các điều kiện PPP và BOT, tăng tỷ lệ vốn góp nhà nước, đồng thời mở rộng phạm vi các loại dự án đủ điều kiện đầu tư, VinaCapital tin rằng, giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

 
Lượt xem: 2
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết