Bao giờ doanh nghiệp và giới đầu tư vơi đi nỗi lo gánh nặng hành chính?
Thủ tục rườm rà vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá tiếp tục là rào cản lớn với hoạt động sản xuất kinh doanh. Không riêng gì băn khoăn của hiệp hội này, đây là mối bận tâm chung của nhiều doanh nghiệp và giới đầu tư với mong mỏi phương án cắt giảm thủ tục ở các bộ ngành cần thực chất, xóa bỏ những bất cập, điểm nghẽn có tính hệ thống để vơi đi nỗi lo gánh nặng hành chính.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Bộ NN&MT) hiện đang xây dựng dự thảo phương án cắt giảm, đơn giản hoá các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ này. Đây là điều mà nhiều DN quan tâm, nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến ngành hàng nông lâm thủy sản.
Vẫn chờ cắt giảm thực chất hơn nữa
Hiện tại, tổng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính ở Bộ NN&MT là hơn 9.702 tỷ đồng. Và phương án được bộ này đưa ra sẽ có tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa đạt 52,42% (tức là chi phí sẽ còn hơn 4.615 tỷ đồng). Ngoài ra, thời gian giải quyết thủ tục trước khi cắt giảm là 16.667 ngày, sau đơn giản hóa thì tỷ lệ cắt giảm đạt 34,41% (tức là giảm còn 10.932 ngày).
Các DN trong ngành nông lâm thủy sản luôn mong mỏi việc cắt giảm thủ tục cần thực chất và nhanh chóng hơn nữa để vơi đi mối lo gánh nặng hành chính. |
Chẳng hạn ở lĩnh vực chăn nuôi và thú y, phương án được đưa ra sẽ có tỷ lệ cắt giảm về thời gian giải quyết là 31,75% (giảm từ 1.538 ngày xuống còn 1.050 ngày) và tỷ lệ cắt giảm về chi phí tuân thủ là 47,75% (giảm từ hơn 1.347 tỷ đồng xuống còn hơn 703,9 tỷ đồng).
Hay như lĩnh vực thủy sản và kiểm ngư, phương án được đưa ra sẽ có tỷ lệ cắt giảm về thời gian giải quyết là 29,43% (từ 785 ngày giảm còn 554 ngày) và tỷ lệ cắt giảm về chi phí tuân thủ là 45,16% (từ hơn 15,1 tỷ đồng giảm còn hơn 8,3 tỷ đồng).
Và trong khi các phương án được đưa ra thì phía DN vẫn đang tiếp tục có đề xuất cắt giảm những thủ tục được cho là bất cập. Như trong văn bản mới nhất vào hạ tuần tháng 6/2025 từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) đã chỉ rõ bất hợp lý trong kiểm tra ADN của cừu, dê và ngựa trong bột cá sản xuất ở Việt Nam là còn bất cập và chưa tính đến yếu tố quản lý rủi ro. Việc này thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&MT.
Theo Vasep, cơ quan thú y vùng kiểm tra ADN của gà, heo, ngựa, cừu, dê trong bột cá vì lo ngại việc trộn bột xương của gia súc hoặc gia cầm (như bột xương heo, gà, bò, cừu, ngựa) vào bột cá.
Thực ra, việc kiểm tra gà, heo, bò thì hợp lý vì sản lượng nuôi ở Việt Nam nhiều. Thế nhưng bột xương của cừu, dê và ngựa ở Việt Nam thì lại bộc lộ bất cập vì những động vật này có số lượng nuôi ở Việt Nam không nhiều. Và việc quy định kiểm tra ADN của ngựa, dê và cừu làm chi phí kiểm tra của DN tăng thêm nhiều.
Do đó, phía Vasep đề nghị trong trường hợp đây là quy định chung của nước nhập khẩu thì Bộ NN&MT có các trao đổi chính thức với các nước nhập khẩu về tình hình thực tế tại Việt Nam không nuôi phổ biến dê, cừu, ngựa để trên cơ sở đánh giá rủi ro, đề nghị giảm chỉ tiêu kiểm ADN dê, cừu và ngựa trong bột cá. Còn nếu nước nhập khẩu không quy định thì nên sửa đổi quy định không kiểm tra ADN dê, cừu và ngựa trong sản phẩm bột cá.
Ngoài vấn đề cắt giảm thủ tục ở riêng ngành hàng nông lâm thủy sản thì việc giảm chi phí và thời gian tuân thủ thủ tục hành chính là điều mong mỏi lâu nay của cộng đồng DN nói chung.
Tuy vậy, ngay trong phương án cắt giảm thủ tục ở một số bộ ngành vẫn khiến cho DN phải nơm nớp. Chẳng hạn thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, trong Dự thảo Quyết định phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất bỏ thủ tục này.
Tuy nhiên, góp ý mới đây về thủ tục nêu trên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý theo quy định tại Điều 34 Luật Du lịch thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trong trường hợp giấy phép bị hư hỏng hoặc bị mất. Nếu đề xuất bỏ thủ tục này, trong trường hợp giấy phép bị hư hỏng, bị mất, DN sẽ không thể được cấp lại.
Không để tồn tại điểm nghẽn có tính hệ thống
Trong khi đó, kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là ngành nghề kinh doanh có điều kiện yêu cầu phải có giấy phép. Tại thời điểm bị kiểm tra, nếu DN không xuất trình được giấy phép (vì bị mất, bị hư hỏng), cơ quan kiểm tra có chấp nhận việc tìm trong hệ thống thông tin quản lý về việc DN đã được cấp phép mà không cần xuất trình giấy phép vật lý ra hay không?
Rồi trong quá trình kinh doanh, DN có nhu cầu xuất trình giấy phép cho đối tác, nếu không được cấp lại thì DN làm thế nào để có lại giấy phép? Vì vậy VCCI nêu rõ trong trường hợp vẫn xác định kinh doanh dịch vụ lữ hành là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải có giấy phép kinh doanh thì việc bỏ thủ tục cấp lại giấy phép có thể sẽ gây khó khăn cho DN. Do đó, VCCI đề nghị nên giữ lại thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Bên cạnh những bất cập như trên, với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì khâu thủ tục cũng là cả vấn đề đối với họ. Hôm 30/6, khi công bố chỉ số niềm tin kinh doanh quý 2/2025, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) có cho biết thực tế vận hành hàng ngày của nhiều DN vẫn đang chịu ảnh hưởng đáng kể từ các thủ tục hành chính rườm rà. Đây tiếp tục là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh, được 63% DN tham gia khảo sát BCI xác định – một xu hướng nhất quán đã được ghi nhận suốt nhiều năm qua.
Theo EuroCham, tình trạng này phản ánh một điểm nghẽn có tính hệ thống. Qua nhiều kỳ khảo sát BCI, hiệu quả hành chính thấp luôn nổi lên như một lực cản chính trong môi trường kinh doanh. Và trong số các rào cản hành chính hiện hữu, thủ tục xin giấy phép lao động cho lao động nước ngoài tiếp tục là vấn đề nổi cộm, được 33% DN tham gia khảo sát nêu rõ.
Bên cạnh đó, qua khảo sát của EuroCham, các quy định về phòng cháy chữa cháy (28%), đăng ký đầu tư và DN (28%), hoạt động xuất nhập khẩu (28%), thuế (26%), quy định thị thực (21%) và quyền sở hữu đất đai (16%) cũng là những thủ tục hành chính đang gây khó khăn trong thực tiễn triển khai.
“Các rào cản này làm suy giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh khu vực đang chạy đua để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao”, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham, nhận định.
Chung quy, khi các DN và giới đầu tư còn bận tâm với khâu thủ tục thì các bộ ngành phải “soi” lại để việc cắt giảm thủ tục hành chính thực chất và nhanh chóng hơn nữa, không để tồn tại điểm nghẽn có tính hệ thống như vậy. Có như thế thì mối lo của DN, giới đầu tư sẽ vơi đi và niềm tin vào môi trường kinh doanh mới được tăng lên.
Thế Vinh