VEPR: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt từ 5,7 – 6,2%

Ngày 20/5, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ”.

Hình minh họa

3 kịch bản tăng trưởng năm 2022

Đánh giá về kinh tế Việt Nam năm 2021, VEPR cho rằng, kinh tế vĩ mô diễn tiến tương đối tích cực trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, sự sụt giảm nghiêm trọng của tăng trưởng kinh tế trong quý III/2021 đã làm chệch hướng phục hồi kinh tế năm 2021. Trong năm qua, chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn kéo dài, quy mô các gói hỗ trợ tăng lên đáng kể so với năm 2020, được đánh giá là phù hợp và cần thiết.

Mặc dù đã có nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực từ các con số và dự báo của Tổng cục thống kê trong gần nửa đầu năm 2022 nhưng VEPR cho rằng, quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam phần nào đã chậm nhịp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các chính sách hỗ trợ và giải pháp phục hồi quyết liệt cũng đã được Đảng và Chính phủ ban hành và đòi hỏi các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, dân doanh phát huy mọi động lực để duy trì nhịp tăng trưởng về mức trước đại dịch.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại, có thể kể đến như: các rủi ro từ đại dịch, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới mặc dù những diễn biến gần đây cho thấy sự cải thiện trong kiểm soát dịch bệnh toàn cầu; áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh; rủi ro từ xung đột Nga – Ukraine; sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách “Zero COVID”; sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng.

Với các nhận định như trên, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô 2021 và quý I/2022, nhóm nghiên cứu đã tính toán và đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay. Cụ thể: kịch bản cơ sở là tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ đạt 5,7%; kịch bản bích cực là 6,2%; tuy nhiên, nếu bối cảnh tiêu cực, mức tăng trưởng GDP mà VEPR dự báo sẽ giảm còn 5,2%.

TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, bài toán Trung Quốc trong phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta rất quan trọng, trong khi Trung Quốc vẫn đang kiên trì với chính sách "Zero COVID".

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kinh tế trưởng BIDV, rủi ro lớn nhất của cả thế giới hiện nay là lạm phát, 60% doanh nghiệp Mỹ được khảo sát bày tỏ lo ngại rủi ro lạm phát. Theo đó, chỉ số lạm phát bình quân toàn cầu năm nay dự báo khoảng 6,2%, so với năm ngoái chỉ 4,2%, là mức tăng kinh khủng, vì vậy hầu hết ngân hàng trung ương các nước buộc phải tăng lãi suất.

Còn với Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực nhận định lạm phát năm nay phải gấp đôi năm ngoái trở lên, khoảng trên 4%. Thế khó chính sách hiện nay là tăng lãi suất hay không tăng. Tăng lãi suất để siết dòng tiền sẽ kiểm soát được lạm phát nhưng tăng lãi suất lại kiềm chế tăng trưởng chung của nền kinh tế do vốn cho doanh nghiệp bị siết.

Ngoài những lo ngại trên, TS. Cấn Văn Lực cũng bày tỏ băn khoăn và lo ngại đến chất lượng tăng trưởng hai năm vừa qua bị thay đổi, năng suất lao động rất thấp, chỉ tăng khoảng 4-4,5%, thấp hơn nhiều năm trước đó. Trong khi thị trường tài chính, thị trường bất động sản lại đang phát sinh quá nhiều vấn đề.

Động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, để phục hồi và phát triển kinh tế, nhóm chuyên gia của VEPR khuyến nghị, đại dịch còn có thể diễn biến phức tạp, việc chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tác động tiêu cực, bảo vệ và hỗ trợ phục hồi kinh tế cần phải được ưu tiên. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ, có đánh giá đầy đủ và có các biện pháp ứng phó kịp thời với vấn đề nhập khẩu lạm phát, ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc với chính sách “Zero COVID”, xung đột Nga - Ukraine leo thang và các rủi ro khác có thể xảy ra.

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ thực thi các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, tiếp tục triển khai các giải pháp an sinh xã hội, các chính sách miễn, giảm thuế, phí,... đã đề xuất tại Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022- 2023. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện điều hòa hiệu quả nguồn vốn đầu tư công từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và nguồn vốn từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Cũng theo VEPR, một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các biện pháp giảm lãi suất và hỗ trợ lãi suất song cần gắn chặt với việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ tình hình nợ xấu... VEPR cũng khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và nâng cao nền tảng kinh tế số.

“Trong số các chính sách và giải pháp, thì chuyển đổi số trong nền kinh tế nói chung và cho ngành dịch vụ, được đánh giá sẽ tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong trung và dài hạn”, các chuyên gia của VEPR nhấn mạnh.

Mặt khác, nền tảng dịch vụ số hiệu quả và sáng tạo sẽ tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực trong nền kinh tế thông qua cung cấp đầu vào chất lượng cao và đảm bảo đầu ra và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho các ngành công - nông nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đã ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Lượt xem: 60
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật