Trung Quốc tung chiến dịch trấn áp ‘quan liêu kỹ thuật số’

Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc mới đây đã phát động một chiến dịch dài hạn nhằm cắt giảm tình trạng quan liêu và các thủ tục rườm rà trên các ứng dụng của chính phủ và mạng xã hội.

Chỉ thị này được ban hành đầu tuần bởi Ủy ban các vấn đề không gian mạng trung ương (CCAC). Đây là cơ quan giám sát, quản lý các vấn đề liên quan đến không gian mạng internet của Trung Quốc.

Chỉ thị nêu rõ các ứng dụng của chính phủ, tài khoản mạng xã hội và nhóm WeChat cần phải được quản lý để làm cho các công cụ trở nên thân thiện hơn với người dùng, thay vì được các quan chức sử dụng chỉ để đối phó và để các bộ ngành thể hiện mức độ số hóa của họ.

Chiến dịch này có thể kéo dài tới 5 năm, diễn ra ngay sau những nhận xét của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc ngăn chặn chủ nghĩa hình thức và quan liêu tuần trước. Ông cảnh báo rằng “các phiên bản mới của chủ nghĩa hình thức và quan liêu” đang gia tăng.

Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, các cán bộ cơ sở phải đăng nhập vào tất cả các loại phần mềm và tài khoản, đồng thời có quá nhiều diễn đàn chính phủ là lãng phí tiền bạc và thời gian. CCAC khẳng định đây là chủ nghĩa hình thức trong thời đại kỹ thuật số mới và là một cách khác để tăng gánh nặng ở cấp cơ sở.

Chỉ thị kêu gọi giảm bớt “lao động vô nghĩa” cho cán bộ địa phương để họ có thể tập trung nhiều thời gian và sức lực hơn vào thực hiện công việc thực tế nhằm tăng sự thuận tiện và hiệu quả cho người dân.

Theo chỉ thị, một cơ chế phải được xây dựng trong vòng hai năm để đánh giá các công cụ kỹ thuật số, thu thập phản hồi và cho phép hủy bỏ. Trong vòng 5 năm, phải có các biện pháp “ngăn chặn chủ nghĩa hình thức phục hồi hoặc biến đổi”.

Chỉ thị cho biết phần mềm quản lý hệ thống phải được thiết kế để nâng cao sự tiện lợi và các ứng dụng không được có chức năng trùng lặp, đồng thời cho biết thêm rằng những ứng dụng không được sử dụng thường xuyên hoặc không thực tế nên bị loại bỏ.

Cũng theo chỉ thị, các ứng dụng và mạng xã hội của chính phủ nên được sử dụng vì chúng cần thiết trong thực tiễn chứ không phải vì cấp trên yêu cầu và việc sử dụng các công cụ trực tuyến không nên được đưa vào đánh giá hàng ngày, chẳng hạn như số lượt chia sẻ hoặc thời lượng sử dụng.

Trước đó cũng đã xuất hiện nhiều báo trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc về các công cụ truyền thông xã hội và trực tuyến không đạt hiệu quả, tạo thêm việc làm cho cán bộ địa phương.

Trả lời phỏng vấn People's Daily, một quan chức địa phương của Trung Quốc cho hay có hàng chục nhóm WeChat cho các dự án công việc và cần kiểm tra hàng ngày. Một quan chức khác cho biết lãnh đạo cấp trên đã yêu cầu họ thúc giục người dân cài đặt phần mềm của chính phủ trên điện thoại để có thể đáp ứng hạn ngạch tải xuống cho các bộ phận cụ thể.

Nhiều thành phố cũng đã kêu gọi loại bỏ các tiêu chí như bỏ phiếu trực tuyến hoặc theo dõi tài khoản WeChat để đánh giá cán bộ, thay vào đó đánh giá họ bằng công việc thực tế mà họ đã làm.

Lượt xem: 4
Tác giả: Hải Đăng
Tin liên quan