Kinh tế toàn cầu năm 2023: Nhiều ảm đạm nhưng vẫn có vài điểm sáng
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF, lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm nay và xu thế này sẽ tiếp tục xuống còn khoảng 4,8% năm 2024.
Xe ôtô chạy bằng năng lượng mới chờ xuất khẩu tại cảng Thái Thương, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế thế giới khi phải đối mặt với một loạt thách thức, từ sụt giảm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nợ xấu gia tăng, kim ngạch thương mại-đầu tư ảm đạm, cho tới những hệ lụy không mong muốn của bất ổn địa chính trị và các thách thức an ninh phi truyền thống…
Quá nhiều "cơn gió nghịch" đã đẩy kinh tế toàn cầu năm 2023 vào một trong những giai đoạn ảm đạm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008. Nhưng không vì thế mà bức tranh kinh tế thế giới thiếu những điểm sáng.
“Vết sẹo” COVID-19 chưa thể liền da và vẫn để lại những cơn đau nhức nhối cho nhiều nền kinh tế, tiếp theo là xung đột Nga-Ukraine leo thang, sự gián đoạn của thị trường năng lượng và lương thực do chiến sự gây ra và mới đây nhất là cuộc khủng hoảng toàn diện tại Dải Gaza liên quan tới xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine.
Nhìn chung, các điều kiện kinh tế toàn cầu trong năm 2023 luôn ở tình trạng khá mong manh, dễ bị tổn thương trước những rủi ro kinh tế hay địa chính trị.
Gánh nặng nợ công và việc nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ chưa từng thấy đã tạo thêm lực cản và làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế. Bất chấp những diễn biến khởi sắc hồi đầu năm 2023, khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới chưa thể thoát hẳn “bóng ma” COVID-19.
Hoạt động kinh tế vẫn chưa trở về mức trước đại dịch, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời có sự khác biệt và phân mảnh ngày càng lớn giữa các khu vực.
Những yếu tố khác có tính chu kỳ hơn, như việc nhiều nước giảm hỗ trợ tài chính trong bối cảnh nợ công tăng cao và bất ổn địa chính trị trên thế giới. Báo cáo mới nhất của tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín Fitch Ratings cho rằng tăng trưởng GDP chung của thế giới sẽ đạt khoảng từ 2,5-3%, thấp hơn mức dự báo 3,3-3,5% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Liên minh châu Âu (EU) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 3,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 5/2023. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu thậm chí sẽ không quá 2,1% trong năm nay dù đã điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi quý 1 năm 2023.
Các nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng GDP 0,7%, trong khi các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến tăng trưởng 4% trong năm nay.
Theo số liệu của Hội nghị về Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNTAC) có trụ sở tại Geneva (Thuỵ Sĩ), tổng giao dịch thương mại toàn cầu năm nay cũng giảm khoảng 5% so với mức 32.200 tỷ USD thiết lập năm ngoái, chủ yếu bắt nguồn từ việc nhu cầu tiêu thụ và sản xuất giảm.
Trong năm 2023, kinh tế thế giới cũng tiếp tục chật vật với cuộc chiến chống lạm phát. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng đã trải qua đợt tăng giá mạnh, nhất là từ khi nguồn nhập khẩu dầu khí từ Nga đứt gãy.
Theo IMF, việc giá năng lượng cao và nguồn cung giảm đóng vai trò lớn vào việc đẩy lạm phát lõi tăng lên ở nhiều nước. Số liệu của chuyên trang tài chính Finance Times cho thấy giá dầu đã tăng khoảng 25% do việc cắt giảm nguồn cung kéo dài từ các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+).
Giá lương thực cũng ở mức cao và thường xuyên đối mặt với nguy cơ gián đoạn nguồn cung gây khó khăn cho nhiều quốc gia thu nhập thấp và các nền kinh tế đang phát triển. Thực tế này khiến nhiều nước phải oằn mình trước áp lực chống lạm phát và tiến trình phục hồi kinh tế luôn gặp trở ngại.
Tuy nhiên, vẫn có không ít điểm sáng trong bức tranh chủ đạo của kinh tế thế giới 2023. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF, lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm nay và xu thế này sẽ tiếp tục xuống còn khoảng 4,8% năm 2024.
Lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng vốn đầy biến động, cũng dự kiến giảm xuống 4,5%. Goldman Sachs Research bày tỏ lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 khi cho rằng kết quả đã vượt quá cả kỳ vọng của hầu hết chuyên gia kinh tế.
Tăng trưởng GDP dù chậm nhưng vững chắc, thị trường lao động khởi sắc, chi tiêu toàn cầu bắt đầu tăng sau giai đoạn trì trệ hậu đại dịch COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp tại phần lớn các nền kinh tế hàng đầu đều ở mức thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch.
Đây là những chỉ dấu thuyết phục để giới chuyên gia tin tưởng kinh tế toàn cầu sẽ "hạ cánh mềm" trong năm nay và năm sau.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế khu vực châu Á đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn và tăng trưởng của khu vực năm nay dự kiến đạt mức 4,9% (tăng nhẹ so mức dự báo 4,7% hồi tháng 9), chủ yếu nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.
Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á, ADB ghi nhận tăng trưởng kinh tế của khu vực gồm 46 nền kinh tế - không bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand - là nhờ "đòn bẩy" của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, sự phục hồi của ngành du lịch và nguồn kiều hồi chuyển về tăng mạnh.
ADB cũng nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc - từ mức 4,9% lên 5,2% trong năm nay. Theo đánh giá, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng cao hơn dự kiến trong quý 2 năm 2023.
Các hoạt động sản xuất công nghiệp và tiêu dùng nội địa trong tháng 9 vừa qua đều đảo chiều tăng mạnh, nhờ chính phủ nước này áp dụng các chính sách khôi phục và phát triển kinh tế thời kỳ hậu đại dịch.
Mỹ cũng là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới năm 2023. Từng có thời điểm nền kinh tế đầu tàu đứng bên bờ vực suy thoái khi sự sụp đổ của các siêu ngân hàng như Signature Bank (SB) hay Silicon Valley Bank (SVB) kéo theo một cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng làm choáng váng nền kinh tế.
Chưa hết, chính sách tăng lãi suất để triệt để chống lạm phát của Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã bóp nghẹt dòng tiền, tạo thêm thách thức cho nền kinh tế, khiến nhiều chuyên gia dự đoán về một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
Tuy nhiên, kinh tế Mỹ đã thể hiện sức mạnh cao hơn kỳ vọng. Không chỉ thoát khỏi vòng xoáy suy thoái, kinh tế Mỹ còn tăng trưởng ổn định trong năm 2023. Chi tiêu tiêu dùng mạnh, đầu tư tăng trưởng ổn định, với sự hỗ trợ hiệu quả của thị trường việc làm vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục (khoảng 3,9%) trong nhiều năm.
Báo cáo tháng 11 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng cao hơn dự báo trong quý 3 năm 2023, đạt mức 5,2%, cao nhất kể từ quý IV/2021. Theo bà Rubeela Farooqi, kinh tế gia trưởng của High Frequency Economics, xu hướng gia tăng tiêu dùng là yếu tố then chốt giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định trong năm 2023.
Hàng loạt nền kinh tế thị trường mới nổi cũng cho thấy sức bền và khả năng phục hồi mạnh mẽ trước tình hình ảm đạm của kinh tế toàn cầu năm 2023.
Theo IMF, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 4%. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, thách thức và đầy biến động, Việt Nam cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam 3 quý đầu năm đạt 4,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,0% bình quân toàn cầu (theo dự báo của IMF).
Tháng 9/2023, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab đánh giá Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản trị kinh tế vĩ mô, giúp đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức của bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay.
Về tổng thể, kinh tế thế giới đã trải qua một năm 2023 đầy biến động và thách thức. Dư âm COVID-19 vẫn còn nặng nề, lạm phát cao, nhiều nền kinh tế lớn đua nhau siết chặt dòng tiền kèm theo hàng loạt bất ổn về địa chính trị ở nhiều điểm nóng…
Dù vậy, kinh tế toàn cầu đã tránh được một vòng xoáy suy thoái mới, cùng với đó là những tín hiệu khởi sắc như chi tiêu tiêu dùng tăng, sản xuất phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đi xuống và lạm phát đang trên đà hạ nhiệt. Đó là cơ sở để tin tưởng và hy vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn trong năm 2024./.