Tổng thống Putin: Chính sách năng lượng của EU là đòn tự sát kinh tế
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17/5 cho biết lạm phát năng lượng ở các nước phương Tây nên được đổ lỗi cho sai lầm của chính họ chứ không phải do Nga. Theo ông Putin, EU đang tự sát về kinh tế bằng cách cố gắng cắt đứt các nguồn năng lượng của Nga.
Tại một hội nghị truyền hình về lĩnh vực dầu mỏ được tổ chức hôm 17/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết lĩnh vực dầu mỏ đang trải qua một "sự thay đổi mang tính kiến tạo", nhưng tuyên bố châu Âu sẽ tự sát "kinh tế" với các lệnh trừng phạt đối với Moscow đối với Ukraine.
Ông Putin nói, bằng cách tìm cách loại bỏ dần nguồn cung cấp năng lượng của Nga, châu Âu sẽ chỉ tự làm hại mình, đồng thời kêu gọi các quan chức nhà nước sử dụng các động thái “thiếu suy nghĩ” của phương Tây để có lợi cho đất nước.
“Một đòn tự sát kinh tế như vậy đương nhiên là chuyện nội bộ của các nước châu Âu. Chúng ta phải hành động một cách thực dụng, tiến hành chủ yếu từ lợi ích kinh tế của chúng ta”, Tổng thống Putin phát biểu.
Theo ông Putin, châu Âu thừa nhận rằng họ chưa thể từ bỏ hoàn toàn các nguồn năng lượng của Nga. Tuy nhiên, họ đã đặt ra nhiệm vụ từ bỏ "mà không cần quan tâm đến những thiệt hại đã gây ra cho nền kinh tế của chính họ".
“Các biện pháp trừng phạt và tuyên bố về mong muốn từ bỏ năng lượng của Nga đã góp phần vào sự gia tăng của giá dầu trên toàn thế giới”, ông Putin nhấn mạnh.
Theo ông Putin, “vì tham vọng cá nhân và áp lực từ phía Mỹ”, các quốc gia châu Âu đang áp đặt ngày càng nhiều biện pháp trừng phạt với thị trường dầu khí, và đây mới là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát năng lượng.
Tuy nhiên, “thay vì thừa nhận sai lầm của mình”, các quốc gia này đang cố gắng đổ lỗi mọi thứ cho Nga để “che đậy những sai lầm mang tính hệ thống của họ”, ông Putin phát biểu.
Cùng ngày, hãng tin RT của Nga đưa tin một nền kinh tế lớn của EU đang bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng cao, trong đó trích dữ liệu từ Viện Thống kê Quốc gia (ISTAT) cho biết giá năng lượng nhập khẩu ở Italia trong tháng 3 đã tăng 72,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu cho thấy việc tăng giá năng lượng đã tăng 5,6% so với tháng 2.
Italia, quốc gia phụ thuộc nhiều vào Nga về nhu cầu năng lượng, đã chứng kiến nền kinh tế diễn biến xấu đi đáng kể kể từ khi áp dụng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.
Nền kinh tế nước này giảm 0,2% trong quý đầu tiên so với ba tháng trước. Chính phủ dự kiến tăng trưởng thấp hơn nhiều trong năm nay trong bối cảnh lạm phát gia tăng và tắc nghẽn nguồn cung.
Đầu tháng này, nước này đã công bố một gói biện pháp khổng lồ nhằm bảo vệ các công ty và gia đình khỏi chi phí năng lượng tăng cao, bao gồm các biện pháp nhằm khắc phục sự phụ thuộc của Italia vào khí đốt của Nga vào giữa năm 2024 và kéo dài tuổi thọ của 4 nhà máy nhiệt điện than lên đến hai năm và đẩy nhanh việc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo.
Mặc dù nhiều quốc gia trong khối vẫn đang phụ thuộc nhiều vào năng lượng từ Nga, nhưng Liên minh châu Âu, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn kiên quyết theo đuổi một lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Moscow và quyết tâm “cai nghiện” khí đốt trong tương lai gần.
Xem thêm >> EU thất bại trong việc cấm dầu Nga, đưa ra dự báo kinh tế ‘ảm đạm’