Thuế đối ứng của Mỹ: Tác động và giải pháp tháo gỡ?
Mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ công bố áp dụng đối với Việt Nam, khi thực hiện sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những cách thức hóa giải để kinh tế tiếp tục tăng trưởng như kỳ vọng trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Cụ thể, ngành dệt may, tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm 43,6% (16,1 tỷ USD); máy tính linh kiện điện tử chiếm 32% (23,2 tỷ USD); máy móc thiết bị dụng cụ chiếm tỷ trọng 42,3% (22 tỷ USD); gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm tỷ trọng 56% (9,1 tỷ USD; giày dép tỷ trọng 36,2% (8,3 tỷ USD); thủy sản 18,2% (1,5 tỷ USD)3. Việc áp thuế đối ứng ảnh hưởng khá tiêu cực đến các doanh nghiệp trong các ngành kể trên. Các nhóm ngành cao su, giấy, dây cáp điện,… chịu tác động ở mức trung bình.
Việc áp thuế 46% của Mỹ có tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam, tác động đến thâm hụt thương mại, vì Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu (từ Trung Quốc, Hàn Quốc) để sản xuất hàng xuất khẩu; đồng thời cũng tạo áp lực lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối; thất nghiệp có thể gia tăng ở các ngành dệt may, da giày…
Theo thông tin mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump dã quyết định hoãn áp dụng thuế đối ứng trong 90 ngày và Việt Nam, Mỹ đã thống nhất khởi động đàm phán về một thoả thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thoả thuận về thuế.
Các giải pháp hóa giải thách thức
Một là, cần phân tích thật kỹ lưỡng tác động từ lệnh áp thuế của Mỹ một cách đa chiều, từ kinh tế, thương mại đến chính trị và quan hệ song phương giữa hai nước. Đánh giá một cách chính xác mức độ ảnh hưởng của mức thuế suất đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, điện tử, nông thủy sản. Dự đoán mức độ suy giảm lợi thế cạnh tranh, thu hẹp thị phần và những rủi ro đối với chuỗi cung ứng sau khi áp thuế. Tính toán chính xác mức độ suy giảm tăng trưởng GDP, thâm hụt thương mại, áp lực tỷ giá cũng như nguy cơ thất nghiệp đối với ngành nghề cụ thể từ mức thuế này.
Cũng cần nhận thấy cả những cơ hội xuất hiện từ chính những thách thức, như tác động thúc đẩy cải cách nội tại, tự sản xuất nguyên liệu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng. Đây cũng là lúc Việt Nam thực hiện đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua các FTA (EVFTA, CPTPP).
Hai là, trong đàm phán với Mỹ cần tập trung vào việc minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ, cung cấp bằng chứng rõ ràng về chuỗi cung ứng, chứng nhận xuất xứ (C/O Form A, EVFTA, CPTPP) và dữ liệu minh bạch về giá thành sản xuất.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp FDI để đảm bảo không có gian lận thương mại. Cam kết chống trợ cấp và bán phá giá để Mỹ không nghi ngờ Việt Nam trợ cấp ngành công nghiệp (như thép, nông sản). Điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đề xuất với Mỹ về cơ chế giám sát chung để xác minh việc tuân thủ quy tắc xuất xứ.
Ba là, tiếp tục tăng cường nhập khẩu thêm các mặt hàng mà Mỹ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu, kể cả các mặt hàng liên quan an ninh quốc phòng. Tiếp tục giải quyết vấn đề liên quan yêu cầu của phía các doanh nghiệp Mỹ; rà soát lại và tiếp tục giải quyết dứt điểm, hiệu quả mà các nội dung phía Mỹ quan tâm. Xử lý tốt các vấn đề liên quan chính sách tiền tệ theo luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế để ổn định lãi suất, tỷ giá cân bằng, phù hợp nền kinh tế Việt Nam như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp với các bộ, ngành ngày 7/43.
Bốn là, xây dựng các kịch bản để tìm ra giải pháp ứng phó. Theo đó, nếu đàm phán thành công, Mỹ chỉ áp thuế một phần (thép, nhôm) hoặc miễn trừ cho một số mặt hàng. Tác động sẽ chỉ giới hạn trong một số ngành, GDP giảm nhẹ. Khi đó, Việt Nam đẩy mạnh đàm phán để mở rộng diện miễn trừ, tận dụng cơ hội từ các mặt hàng được miễn trừ, tập trung hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng; giảm thiểu rủi ro và củng cố quan hệ thương mại với Mỹ (cam kết minh bạch hóa thương mại, đề xuất tiếp tục hợp tác công nghệ).
Nếu thuế Mỹ áp rộng, xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh, GDP giảm. Khi đó, Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Nhật Bản thông qua EVFTA, CPTPP; kích cầu nội địa để bù đắp sụt giảm xuất khẩu. Trường hợp khó khăn nhất là Mỹ áp thuế và hạn chế đầu tư, FDI vào Việt Nam giảm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Lúc này, Việt Nam cần thu hút FDI chất lượng cao (công nghệ, dịch vụ) để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa giá rẻ và chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng cũng như xây dựng kịch bản ứng phó nếu Mỹ mở rộng thuế sau này.
Năm là, thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Tận dụng triệt để Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) như EVFTA (EU-Việt Nam) và CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) để giảm rủi ro khi tập trung vào một thị trường; mở rộng cơ hội, tận dụng ưu đãi thuế quan, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam và thu hút FDI chất lượng cao.
Xuất khẩu sang thị trường khác cần tập trung vào các mặt hàng có lợi thế như dệt may, giày dép, thủy sản (tôm, cá tra), điện tử, linh kiện. Đáp ứng quy tắc xuất xứ (ROO). Sử dụng nguyên liệu nội địa hoặc từ các nước thành viên FTA để được hưởng ưu đãi. Hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội (nắm chắc quy tắc xuất xứ), xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, gián tiếp xuất khẩu sang Mỹ thông qua CPTPP.
Sáu là, kích cầu nội địa và chuỗi cung ứng để bù đắp sụt giảm xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, cung cấp gói hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc ưu đãi cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn để tránh bị áp thuế phòng vệ thương mại. Phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, từ đó giảm nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá. Thu hút FDI chất lượng cao (công nghệ, dịch vụ) để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu hàng giá rẻ.
Bảy là, chủ động cập nhật chính sách thương mại của Mỹ để có biện pháp ứng phó kịp thời. Duy trì thái độ hợp tác, tránh xung đột trực tiếp, đồng thời bảo vệ lợi ích kinh tế một cách khéo léo để không làm ảnh hưởng đến Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Mỹ.
Như vậy, chính sách thuế quan mới có thể gây khó khăn, thách thức cho kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, song đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
- Thanh Huyền, Mỹ công bố thuế 46%, ngành hàng tỷ USD của Việt Nam “bẻ lái” thế nào? https://tienphong.vn, ngày 08/4/2025.
- Hà Thu (theo Reuters), Mỹ bắt đầu áp thuế đối ứng lên tới 84% với các nước, https://vnexpress.net, ngày 09/4/2025.
- Thanh Giang, Nỗ lực thực hiện quan hệ thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ cân bằng, bền vững, https://nhandan.vn, ngày 7/4/2025.