Thế giới tài chính thời Trump 2.0 khác gì với năm 2016?

Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng đã tạo ra làn sóng chấn động trên thị trường tài chính toàn cầu, khiến nhiều nhà đầu tư phải tái cân bằng danh mục đầu tư trước bối cảnh chính sách dự kiến sẽ thay đổi mạnh mẽ.

Chiến thắng toàn diện của Đảng Cộng hòa ở cương vị Tổng thống và khả năng kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện đã kích hoạt điều mà các nhà phân tích gọi là sự trở lại của "những canh bạc Trump" - nhưng với những khác biệt quan trọng so với năm 2016 có thể định hình lại triển vọng đầu tư.

Phản ứng tức thời của thị trường đối với tài sản Mỹ là tích cực, với cổ phiếu vốn hóa nhỏ và các ngành như ngân hàng và công nghệ ghi nhận mức tăng ổn định. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 đã tăng hơn 8% kể từ ngày bầu cử, trong khi Nasdaq Composite tăng khoảng 6% và các cổ phiếu ngân hàng cùng tổ chức tài chính đã tăng hơn 10%.

"Câu hỏi đặt ra là về tính bền vững của đà tăng này, và điều đó sẽ phụ thuộc vào diễn biến của lợi suất trái phiếu", Mislav Matejka, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu toàn cầu và châu Âu của JPMorgan, viết trong báo cáo nghiên cứu.

Lợi suất trái phiếu Mỹ cao gấp đôi năm 2016

Khác với năm 2016, khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm thường ở mức khoảng 2%, hiện nay con số này đã vượt 4%.

Nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng, thị trường cổ phiếu sẽ lập tức chịu áp lực. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cao hơn đồng nghĩa với lãi suất cao hơn cho các doanh nghiệp đi vay. Nhà đầu tư cũng có thể rút tiền khỏi cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn từ trái phiếu Chính phủ Mỹ (khi xét trên mối tương quan giữa lợi nhuận và rủi ro), điều này có thể đẩy giá cổ phiếu xuống.

Thuế quan của Trump và lãi suất của Fed

Có lẽ mối quan ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư toàn cầu là cam kết tranh cử của Trump về việc áp dụng thuế quan mới quyết liệt, bao gồm khả năng áp thuế phổ quát 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Các nhà kinh tế tại Nomura, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Nhật Bản, kỳ vọng những chính sách này sẽ là trọng tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ hai của Trump.

Họ cảnh báo rằng "thuế quan có khả năng gây lạm phát và tác động tiêu cực đến tăng trưởng tại Mỹ”. Điều này có thể dẫn tới Fed chỉ giảm lãi suất 1 lần trong năm tới, theo Chuyên gia kinh tế trưởng David Seif của Nomura.

Các đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục giảm?

Capital Economics dự báo hầu hết các đồng tiền châu Á sẽ giảm giá tới 5% so với đồng USD trong năm tới do môi trường lãi suất cao hơn dự báo tại Mỹ. Lãi suất cao thường thu hút dòng vốn vào Mỹ, khiến các nền kinh tế mới nổi thiếu hụt nguồn vốn vay rẻ và tăng trưởng đi kèm.

Tác động của điều này có thể thấy qua đồng Rupee Ấn Độ, vốn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD sau cuộc bầu cử Mỹ. Theo Goldman Sachs, Hàn Quốc, Đài Loan và một số quốc gia khác cũng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ, do khối lượng xuất khẩu lớn vào quốc gia này.

Tuy nhiên, một số quốc gia châu Á có thể hưởng lợi nếu thuế quan cao hơn đối với Trung Quốc khiến các nhà sản xuất phải di dời. "Việt Nam, với chi phí lao động thấp và vị trí địa lý chiến lược, cho đến nay là nước hưởng lợi lớn nhất từ mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi", Gareth Leather, Chuyên gia kinh tế cao cấp về châu Á tại Capital Economics, cho biết trong một báo cáo.

Trong quá khứ, Ấn Độ cũng đã hưởng lợi từ thuế quan và rủi ro liên quan đến quan hệ thương mại Mỹ-Trung. "Các rào cản thuế quan hoặc phi thuế quan tiềm năng đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ và chương trình sản xuất nội địa ‘Make in India’ có thể mang lại lợi ích cho các công ty dịch vụ sản xuất điện tử Ấn Độ trong các lĩnh vực như mạch điện, chất bán dẫn, điện thoại di động, cáp và dây điện", Aditya Suresh, Trưởng bộ phận nghiên cứu Ấn Độ của Macquarie Capital nói.

Châu Âu

Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng thuế quan thương mại của Mỹ có khả năng gây tổn hại cho châu Âu, với một số công ty có thể đối phó với thách thức tốt hơn những công ty khác.

"Liên minh châu Âu (EU) chịu ảnh hưởng nặng nề từ thuế quan Mỹ vì họ phụ thuộc nhiều vào thương mại, và Mỹ là điểm đến lớn nhất cho xuất khẩu EU", các nhà phân tích của Morningstar cho biết trong báo cáo gửi khách hàng ngày 5/11.

Các nhà sản xuất ô tô và công ty dược phẩm châu Âu dường như đặc biệt dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, tác động khác nhau tùy theo công ty phụ thuộc vào sự hiện diện sản xuất tại Mỹ và tỷ lệ doanh thu toàn cầu có được từ Mỹ.

"Đối với các công ty có sản xuất tại Mỹ, tác động sẽ trung tính đến tích cực, trong khi các nhà sản xuất lớn không có cơ sở tại Mỹ sẽ phải thích nghi hoặc đối mặt với áp lực biên lợi nhuận nếu không thể tăng giá", Mark Diethelm, Chuyên gia phân tích cổ phiếu cao cấp của ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ Vontobel, cho biết.

Trong một báo cáo gửi khách hàng, Diethelm cho rằng công ty vật liệu xây dựng Thụy Sĩ Holcim có khả năng được "tác động tích cực" từ thuế quan vì nhiều sản phẩm của họ được sản xuất tại Mỹ. Những công ty khác, như nhà sản xuất thiết bị điện tử Logitech, có thể chịu tác động tiêu cực do có cơ sở sản xuất đáng kể tại Trung Quốc.

Theo Barclays, nhà đầu tư nên nhớ rằng các công ty có thể bắt đầu tính đến tác động của thuế quan và hành động trước khi chính sách thực sự được áp dụng.

"Lo ngại về thuế quan có thể tiếp tục ảnh hưởng đến châu Âu lần này, nhưng chúng tôi lưu ý rằng bất kỳ quyết định thực tế nào về thuế quan có thể sẽ phải đợi Chính phủ mới và các bộ trưởng nội các tuyên thệ nhậm chức, quá trình này có thể kéo dài tới 6 tháng, vì vậy đây có thể không phải là rủi ro tức thì", Emmanuel Cau, Chiến lược gia trưởng về châu Âu của ngân hàng nói trong báo cáo gửi khách hàng ngày 6/11.

Lượt xem: 0
Tác giả: Vũ Hạo (Theo CNBC)
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật