Thâu tóm thương hiệu ngoại mở đường cho thương hiệu Việt vươn xa

Nhìn từ việc Nutifood mới nắm giữ cổ phần chi phối một thương hiệu châu Âu như Cawells sẽ thấy việc thâu tóm thương hiệu ngoại về dưới “trướng” được kỳ vọng sẽ mở đường cho thương hiệu Việt vươn xa. Điều này được ví như mở ra “sân chơi” lớn trên thị trường mua bán sáp nhập (M&A) toàn cầu cho những doanh nghiệp Việt có tiềm lực mạnh khi bành trướng ra nước ngoài.

Mới đây CTCP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã có một thương vụ M&A khá nổi bật khi sở hữu 51% cổ phần chi phối một thương hiệu châu Âu là Cawells – thương hiệu thực phẩm bổ sung uy tín đến từ Thụy Điển.

Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc mang thương hiệu Việt đi chinh phục thế giới và và “thâu tóm” thương hiệu ngoại về dưới “trướng”. 

Con đường nhanh lan toả thương hiệu Việt

Nên biết, Cawells đang sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng, tôn trọng giá trị tự nhiên với 120 sản phẩm khác nhau, đã có mặt tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Thụy Điển, Na Uy, Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia Trung Đông như: UAE, Kuwait, Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập…Với sự tham gia điều hành của Nutifood, dự kiến trong thời gian sớm nhất, Cawells sẽ nhanh chóng xâm nhập vào những thị trường tiềm năng mới.

-5148-1663579832.jpg

Đầu tư ra nước ngoài (bao gồm M&A các thương hiệu ngoại) đang rất cần những DN Việt có tiềm lực mạnh nhằm đưa thương hiệu Việt vươn xa.

Chia sẻ lý do đầu tư vào Cawells, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood, cho rằng đó là bước tiến trong hành trình khát khao mong muốn làm giàu cho đất nước bằng chính thương hiệu và sản phẩm do công ty Việt Nam làm chủ, hiện diện không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế.

Theo ông Minh, đó còn là sự kết hợp hoàn hảo của những ứng dụng công nghệ thực phẩm tiên tiến từ phương Tây cùng với dược liệu quý của các nước Á Châu như sâm ngọc linh, đông trùng hạ thảo… để tạo nên sức cạnh tranh độc đáo trên thị trường quốc tế.

Trước việc một DN thuần Việt nắm quyền chi phối một DN châu Âu như vậy, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, khi DN Việt bành trướng ra nước ngoài và mua được các thương hiệu nước ngoài ngay ở nước sở tại của họ rõ ràng là quá tốt. Điều này giúp lan toả thương hiệu của Việt Nam ra thế giới theo một con đường rất nhanh.

Mặt khác, theo ông Dũng, việc thâu tóm các thương hiệu ngoại trên thị trường quốc tế sẽ là “sân chơi” lớn cho các DN Việt có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nhất là với những DN Việt có tiềm lực muốn “bung” ra thị trường quốc tế thì việc tìm kiếm những đối tác phù hợp và tương thích để M&A là rất đáng khuyến khích.

Trên thực tế, vị chuyên gia này cho rằng chỉ có những thương hiệu Việt thuộc dạng mạnh, tương đối tự tin mới có thể M&A với những thương hiệu ngoại có tên tuổi như thế. Điều này cũng đòi hỏi phía DN Việt phải am hiểu thị phần ở nước ngoài, có nguồn tài chính đủ lớn để đầu tư và phải có thương hiệu.

Bên cạnh việc thâu tóm thương hiệu ngoại, xét về đầu tư của DN Việt ra nước, theo ước tính trong 8 tháng đầu năm 2022 tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh của Việt Nam ra nước ngoài đạt gần 395,8 triệu USD, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Và tính lũy kế đến tháng 8/2022, Việt Nam đã có 1.579 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 21,6 tỷ USD.

“Sân chơi” lớn cho doanh nghiệp có tiềm lực mạnh

Giới chuyên gia nhận định, để đưa thương hiệu Việt vươn xa trên “sân chơi” quốc tế thì không thể thiếu việc đầu tư ra nước ngoài (bao gồm cả M&A) từ những DN Việt có tiềm lực mạnh. Điều này cũng góp phần tạo chuỗi cung ứng trong – ngoài nước liền mạch khi DN Việt bắt tay M&A với thương hiệu ngoại.

Tất nhiên, khi rót vốn đầu tư ra nước ngoài hay M&A với thương hiệu ngoại ở nước sở tại thì các DN Việt cần đảm bảo sản phẩm của mình có thể tiếp cận được với người tiêu dùng quốc tế, chọn cách tiếp cận phù hợp khi cạnh tranh.

Chẳng hạn trong ngành hàng tiêu dùng, khi hành vi tiêu dùng thay đổi sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho giao dịch M&A trên toàn cầu nói chung và cho các DN Việt nói riêng khi muốn M&A với thương hiệu ngoại ở nước sở tại. Nhất là với những DN Việt đang muốn chuyển đổi mô hình kinh doanh và định vị lại chính mình để tăng trưởng trong tương lai. 

Xét về M&A trên phạm vi toàn cầu, theo đánh giá trong tháng 9/2022 từ Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, bất chấp những khó khăn về địa chính trị và tài chính, hoạt động này phục hồi tích cực trong nửa đầu năm 2022. Thị trường toàn cầu ghi nhận 2.274 thương vụ M&A, với tổng giá trị 2,02 nghìn tỷ USD. 

Bất chấp sự bất ổn lan rộng, phía Ernst & Young (EY) cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn dễ đổ gãy, và sự gia tăng của các quy định pháp lý, hoạt động M&A vẫn đang tiếp tục diễn ra, được thúc đẩy bởi dòng chảy đặc biệt mạnh mẽ của nguồn vốn tư nhân.

Ông Andrea Guerzoni, Phó Chủ tịch EY Toàn cầu – Lãnh đạo bộ phận Chiến lược và Giao dịch Tài chính, nói rằng trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu thực hiện các giao dịch M&A xuyên quốc gia vẫn rất lớn, nhưng các nhà lãnh đạo DN ngày càng thận trọng hơn khi lựa chọn đối tác cho các thương vụ. 

Riêng với hoạt động M&A mà các DN Việt có thể nhắm đến những thương hiệu ngoại ở nước sở tại, giới phân tích lưu ý mức lạm phát ở nhiều quốc gia đạt mức cao nhất trong 40 năm, cho nên trong hoạt động M&A các nhà giao dịch thương vụ cần thẩm định DN bằng cách tiếp cận mới - dự báo các kịch bản lạm phát khác nhau và xem xét các tác động đối với thị phần, độ co giãn của giá cả, mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp, lương thưởng và duy trì nguồn nhân lực.

Còn theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, để có nhiều hơn nữa những DN Việt “mang chuông đi đánh xứ người” thông qua M&A thì Chính phủ nên có những chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho họ, đặc biệt là với các ngành hàng là thế mạnh của DN Việt. Song song đó, khi M&A thì các DN cũng cần nắm rõ pháp lý, thị hiếu tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh…

Thế Vinh

Lượt xem: 26
Tác giả: Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan