Đưa nông sản Việt vào thị trường Bắc Âu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khuyến cáo doanh nghiệp lưu ý dư lượng thuốc trừ sâu được cho phép trong sản phẩm gạo để tránh rủi ro không đáng có.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Tham tán thương vụ tại Thuỵ Điển kiêm Đan Mạch, Phần Lan đã đưa ra đề nghị này tại diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cho biết, tại thị trường Bắc Âu, mặt hàng gạo của Việt Nam nằm trong phân khúc thị trường phục vụ cho người tiêu dùng Á Châu nên quy mô khá nhỏ. Chưa kể, gạo Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Thái Lan đã có chỗ đứng lâu năm và gạo của Campuchia. Trong 3 năm gần đây, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA, Thương vụ đã mở rộng thị phần trường gạo của Việt Nam, đưa mức tăng trưởng mặt hàng gạo tại Thuỵ Điển ở mức 211% và khu vực Bắc Âu đạt trung bình 73%/năm.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số lô gạo của Việt Nam bị phát hiện vượt ngưỡng quy định thuốc trừ sâu và buộc đăng tin thu hồi.

Theo Tham tán Nguyễn Thị Hoàng Thuý, từ tháng 5, EU ban hành quy định 2022/741 liên quan đến chương trình phối hợp kiểm soát nhiều năm của Liên minh trong 3 năm từ 2023 - 2025 để đảm bảo các sản phẩm nhập vào EU tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa. Theo đó, các nước thành viên EU sẽ tăng cường kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm trái cây như cam, táo, chuối, kiwi, bưởi, hành tây, cà rốt, bông cải xanh, cải bắp, ớt, gạo, một số sản phẩm gia cầm…

Không chỉ EU mà một số nước Bắc Âu không phải là thành viên của EU nhưng lại là thành viên của Cộng đồng kinh tế châu Âu như Na Uy cũng đẩy mạnh kiểm tra theo quy định này. Vì vậy, trong mấy tháng vừa qua, Na Uy đã tăng cường kiểm tra ở biên giới đồng thời lấy mẫu hậu kiểm các sản phẩm đang được bày bán ở thị trường. Trong các đợt kiểm tra, có một số lô gạo của Việt Nam vượt ngưỡng quy định thuốc trừ sâu và buộc đăng tin thu hồi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tham tán Nguyễn Thị Hoàng Thuý nhấn mạnh: việc này ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh gạo của Việt Nam nói riêng và hàng hoá thực phẩm xuất xứ từ Việt Nam nói chung. Mặt hàng gạo của Việt Nam sẽ bị tăng cường kiểm tra ngay tại cửa khẩu trong thời gian tới. Nếu tiếp tục vi phạm, bị đăng tin thu hồi rộng rãi sẽ rất bất lợi cho các doanh nghiệp trong việc giữ thị phần. Do vậy, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần  có hình thức cảnh báo để doanh nghiệp lưu ý nhằm tránh rủi ro không đáng có.

Chia sẻ thêm về thị trường Bắc Âu, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, tuy thị phần sang Bắc Âu nhỏ, tiêu chuẩn rất khắt khe nhưng hiện nay, với cơ cấu xuất khẩu nông sản sang EU nói chung đứng thứ 3 trong tổng cơ cấu xuất khẩu nông sản của Việt Nam thì đây là những thị trường còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, các nước Bắc Âu có nền kinh tế mở, hiện đại, 4/5 nước ở khu vực này nằm trong top 10 có thu nhập bình quân cao nhất thế giới nên nhu cầu nhập khẩu hàng hoá nông sản chất lượng cao của các nước Bắc Âu là rất lớn.

Cho rằng thị trường Bắc Âu vẫn có thể tìm ngách để gia tăng xuất khẩu với những sản phẩm “đường xa đi nhẹ và giá trị cao”, ông Nguyễn Quốc Toản cũng đồng tình với ý kiến của Tham tán thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển khi khuyến cáo với các doanh nghiệp về vấn đề kiểm soát dư lượng.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, trong những tháng gần đây, nhất là trong tháng 6 có 36 cảnh báo của EU về mức dư lượng. Điều đó cũng có nghĩa là thị trường Bắc Âu đưa ra yêu cầu chất lượng rất cao. Mức cảnh báo với tần suất lớn như vậy đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia sân chơi này cần phải nhận thức sâu sắc về việc đảm bảo tiêu chuẩn hàng hoá xuất khẩu để không làm tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp và cả ngành hàng.

Ông Nguyễn Quốc Toản lưu ý thêm, ngoài mặt hàng gạo, một số sản phẩm sau gạo như bún, miến cũng là những mặt hàng lợi thế của Việt Nam xuất khẩu sang Bắc Âu. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm vào thị trường khó tính, sự chăm chút của cộng đồng doanh nghiệp cho khâu đóng gói, bao bì, nhãn mác và sở hữu trí tuệ là những yếu tố rất quan trọng; các hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý Nhà nước, các tham tán thương mại cần kết nối tổng thể để hỗ trợ doanh nghiệp. 

Lượt xem: 60
Tác giả: Theo Hạnh Lê/diendandoanhnghiep.vn
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật