Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành, nhằm đảm bảo công tác xét xử tại Tòa án được thống nhất
Từ những vướng mắc thực tiễn trong việc áp dụng pháp luật tại Tòa án đối với các vụ việc liên quan đến TCTD, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng, tập trung vào việc hoàn thiện hướng dẫn pháp luật, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ Thẩm phán và tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành, nhằm đảm bảo công tác xét xử được thống nhất, kịp thời và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các TCTD.
Trong khuôn khổ Hội thảo “Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức sáng ngày 18/7, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đã có bài tham luận chuyên sâu về "Những điểm mới của Luật Các Tổ chức Tín dụng và những vướng mắc về áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến Tổ chức Tín dụng tại Tòa án".
Bài trình bày đã làm rõ những thay đổi then chốt của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024, cùng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2024 (Luật số 96/2025/QH15) và chỉ ra những thách thức pháp lý phát sinh trong quá trình xét xử các vụ án có liên quan đến các TCTD. Đồng thời, thể hiện rõ những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoàn thiện khung pháp lý và giải quyết các vướng mắc thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống TCTD và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)
Những điểm mới của Luật Các TCTD liên quan đến giải quyết vụ việc tại Tòa án
Luật Các TCTD 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, cùng với Luật số 96/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này, đã mang lại nhiều điểm mới đáng chú ý, tác động trực tiếp đến việc giải quyết các vụ việc tại Tòa án:
Nguyên tắc áp dụng Luật: Luật Các TCTD 2024 đã bỏ quy định nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật, thay vào đó tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp cần ưu tiên áp dụng Luật chuyên ngành sẽ có quy định tại từng điều khoản cụ thể, đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của TCTD.
Quy định cấp Giấy phép: Nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, Luật đã hợp nhất các thủ tục cấp phép, giúp TCTD giảm bớt quy trình đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Quy định về hoạt động của TCTD:
Lãi suất: Khoản 2 Điều 100 Luật Các TCTD 2024 sửa đổi, bổ sung cụm từ "theo quy định của pháp luật" thành "theo quy định của pháp luật về các TCTD," làm rõ lãi suất trong hoạt động của TCTD do các bên thỏa thuận phù hợp với pháp luật chuyên ngành. Điều này cũng nhất quán với Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Cấp tín dụng: Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến xét duyệt, kiểm tra sử dụng vốn vay và tài sản bảo đảm, đặc biệt giảm bớt thủ tục đối với các khoản cấp tín dụng giá trị nhỏ.
Thư tín dụng: Để phù hợp với thực tiễn hoạt động của các TCTD thời gian qua, Luật các TCTD 2024 sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng vốn vay, tài sản bảo đảm. Riêng các khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ theo quy định của Thống đốc NHNN giảm bớt một số thủ tục, yêu cầu về hồ sơ. Bên cạnh đó, để phù hợp với đặc thù của các khoản vay có mức giá trị nhỏ, việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính và trả nợ của khách hàng đối với các khoản vay này, Luật các TCTD 2024 giao Thống đốc NHNN quy định nội dung này.
Luật Các TCTD 2024 khẳng định thư tín dụng là một trong các nghiệp vụ cấp tín dụng và bổ sung quy định về dịch vụ khác liên quan đến thư tín dụng, giải quyết những vướng mắc về bản chất nghiệp vụ này trong thực tiễn.
Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm: Luật Các TCTD 2024 đã luật hóa nhiều quy định từ Nghị quyết 42/2017/QH14 về bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm. Đặc biệt, Luật bổ sung quy định về chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để thu hồi nợ.
Bà Vũ Ngọc Lan cho biết thêm, Luật số 96/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2024: Luật này ra đời nhằm luật hóa 3 nội dung còn lại của Nghị quyết số 42/2017/QH14, bao gồm: quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu, và hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự. Những quy định này sẽ tác động trực tiếp đến quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến TCTD tại Tòa án.
Ngoài ra, Luật còn quy định rõ nội dung áp dụng việc xử lý tài sản bảo đảm sau khi được hoàn trả sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, quy định điều khoản chuyển tiếp đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã bị kê biên, xử lý.
Một số vướng mắc cần tiếp tục xử lý
Bên cạnh những điểm mới tích cực, tuy nhiên, bà Vũ Ngọc Lan cho biết, việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử tại Tòa án thời gian qua vẫn còn phát sinh một số vướng mắc, gây khó khăn cho hoạt động của các TCTD, có thể kể đến, như:
Một số vướng mắc liên quan đến lãi suất như: Việc xác định lãi suất cho vay khi xử lý tài sản cầm cố là các sổ tiết kiệm trong hoạt động cho vay, cầm cố của TCTD đối với khách hàng; áp dụng cách tính lãi suất theo thỏa thuận cho vay của TCTD; việc TAND không ghi nhận việc tính lãi, lãi suất cho ngân hàng sau thời điểm khởi tố vụ án hình sự.
Ví như, việc xác định lãi suất khi xử lý tài sản cầm cố là sổ tiết kiệm. Trong một số vụ án, Tòa án chấp nhận tính lãi trên sổ tiết kiệm của nguyên đơn nhưng lại bác yêu cầu tính lãi của TCTD trên số tiền dư nợ vay mà nguyên đơn còn thiếu, chưa hoàn trả. Điều này chưa đảm bảo đầy đủ quyền lợi của TCTD theo thỏa thuận hợp đồng tín dụng và các văn bản hướng dẫn của NHNN và Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP. NHNN cho biết, TAND Tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ việc này, chỉ đạo xét xử lại để đảm bảo đúng quy định.
Hay cách tính lãi suất theo thỏa thuận cho vay, cũng gặp những vướng mắc, bởi Tòa án đôi khi chưa xem xét đầy đủ các yếu tố thị trường và thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng khi xác định lãi suất, mà có xu hướng áp dụng giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự, gây bất lợi cho TCTD. Việc tính lãi suất phải tuân thủ Luật Các TCTD và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành.
Áp dụng quy định "Người thứ ba ngay tình". Bà Vũ Ngọc Lan cho biết, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy việc xác định là người thứ ba ngay tình, cũng như áp dụng quy định bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 133 Bộ luật dân sự 2015 hiện đang được áp dụng và hướng dẫn tại một số văn bản còn phát sinh một số vấn đề như:
Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã thế chấp: Khi GCNQSDĐ bị hủy do trái pháp luật, Tòa án tuyên hủy mà không xem xét quyền lợi của TCTD – bên nhận thế chấp hợp pháp. Điều này đặt TCTD vào tình thế rủi ro lớn, biến khoản vay có bảo đảm thành không có bảo đảm, dù TCTD không có lỗi trong việc nhận thế chấp.
Hay thế chấp tài sản dựa trên giao dịch vô hiệu: Tòa án có quan điểm Ngân hàng không phải là "người thứ ba ngay tình" khi tài sản thế chấp có nguồn gốc từ giao dịch vô hiệu do giả mạo chữ ký. NHNN cho rằng TCTD không có nghĩa vụ và khả năng xác minh toàn bộ lịch sử pháp lý của tài sản, họ thẩm định dựa trên GCNQSDĐ do Nhà nước cấp và thông tin hiện hành. Việc TCTD nhận thế chấp theo đúng quy trình và đăng ký bảo đảm hợp pháp cần được công nhận và bảo vệ quyền lợi.
Về bảo lãnh ngân hàng. Thời gian qua TCTD có phản ánh việc tòa án trong quá trình xét xử ra phán quyết buộc TCTD hoàn trả cho doanh nghiệp số tiền đã giải ngân để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên thụ hưởng, không phù hợp với quy định của pháp luật ngân hàng. Trong một số trường hợp, Tòa án đã buộc TCTD hoàn trả cho doanh nghiệp số tiền đã giải ngân để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh vô điều kiện, với lý do TCTD chưa xác minh việc doanh nghiệp vi phạm hợp đồng. Theo bà Vũ Ngọc Lan, phán quyết này chưa phản ánh đúng bản chất nghiệp vụ bảo lãnh vô điều kiện, nơi TCTD phải thực hiện nghĩa vụ khi bên thụ hưởng xuất trình chứng từ phù hợp, không yêu cầu xác minh thêm.
Đề Xuất, Kiến Nghị
Để giải quyết những vướng mắc nêu trên và nâng cao hiệu quả công tác xét xử trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng, bà Vũ Ngọc Lan cho biết, Vụ Pháp chế, NHNN đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Thứ nhất, TAND tối cao tiếp tục quan tâm, xem xét các phản ánh, kiến nghị của các TCTD cũng như TAND các cấp để tiếp tục hoàn thiện, xem xét ban hành các hướng dẫn trong việc áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết các vụ án trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng;
Thứ hai, TAND tối cao tiếp tục quan tâm, chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng, huấn, hội nghị, tọa đàm để nâng cao năng lực trao đổi chuyên môn của đội ngũ Thẩm phán trong xét xử các vụ án kinh doanh thương mại, nhất là trong bối cảnh công nghệ và sản phẩm tài chính ngày càng đổi mới, phức tạp, một số cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng được đưa vào triển khai, thực hiện cùng với đó là Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính Quốc tế tại Việt Nam có hiệu lực cũng sẽ phát sinh nhiều nội dung rất mới cần được tổ chức tập huấn và triển khai kịp thời;
Thứ ba, tăng cường các cơ chế trao đổi, đối thoại liên ngành giữa Tòa án nhân dân – Viện kiểm sát nhân dân - Cơ quan thi hành án và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đảm bảo quá trình giải quyết vụ án được nhanh chóng, phù hợp đồng thời quá trình tổ chức thi hành án sau đó được kịp thời, hiệu quả;
Thứ tư, kiến nghị lãnh đạo TAND tối cao, các đồng chí lãnh đạo TAND các cấp, các Bộ, ngành liên quan quan tâm, xem xét chỉ đạo, giải quyết một số nội dung, vụ việc liên quan đến các TCTD được kiểm soát đặc biệt thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến gửi đến các đồng chí, các vụ việc đề cập trong tham luận này cũng như các ý kiến phản ánh, đề xuất phù hợp của các TCTD, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam tại Hội thảo, kịp thời chỉ đạo, xem xét, giải quyết đảm bảo việc xét xử các vụ án, tranh chấp tín dụng ngân hàng được thống nhất, hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD;
Thứ năm, Tòa án nhân dân các cấp quan tâm xem xét việc thụ lý, tiếp nhận và xét xử các vụ án tranh chấp theo khởi kiện của các TCTD, hỗ trợ các TCTD giải quyết kịp thời các vụ án, vụ việc tranh chấp, thu hồi nợ vay;
Thứ sáu, theo quy định của Luật số 96 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng văn bản của Chính phủ quy định điều kiện đáp ứng của tài sản bảo đảm khi thu giữ.
"Ngân hàng Nhà nước mong muốn nhận được sự phối hợp tích cực của TAND tối cao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện tham mưu xây dựng, thẩm định các văn bản trên cũng như các văn bản liên quan khác đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, qua đó góp phần đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật từ giai đoạn cho vay đến giai đoạn giải quyết tranh chấp tại tòa án", bà Vũ Ngọc Lan bày tỏ.