Suy thoái khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ không làm giảm lạm phát?
Một nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra cảnh báo, một cuộc suy thoái ở khu vực đồng Euro sẽ không làm giảm lạm phát, đồng thời tuyên bố ECB nên lựa chọn một đợt tăng lãi suất lớn nữa vào tháng tới.
ECB đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng 7 từ mức 0 và một động thái tương tự đang được xem xét cho cuộc họp bàn về lãi suất tiếp theo vào ngày 8/9. Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu nói về mức tăng thậm chí còn lớn như thế hơn khi triển vọng đang xấu đi.
Nhà hoạch định chính sách Martins Kazaks của ECB cho biết, cần xem xét các đợt tăng lãi suất nữa. Ông Kazaks, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Latvia, cho biết: “Việc tăng lãi suất cao ngay từ đầu là một lựa chọn chính sách hợp lý. Chúng ta nên cởi mở để thảo luận về cả việc tăng lãi suất thêm 50 và 75 điểm cơ bản như những động thái có thể."
Khi phát biểu bên lề Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông nói thêm: "Từ quan điểm hiện tại, ít nhất phải là 50 điểm".
Phải thắt chặt chính sách ngay cả khi rơi vào tình trạng suy thoái
Phát biểu tại Hội nghị của Fed tại Jackson Hole, bà Isabel Schnabel, thành viên HĐQT ECB cho rằng, ngân hàng trung ương trên khắp thế giới có nguy cơ mất lòng tin của công chúng và phải hành động mạnh mẽ để chống lại lạm phát, ngay cả khi điều đó kéo nền kinh tế của họ rơi vào suy thoái.
“Ngay cả khi chúng ta bước vào một cuộc suy thoái, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục con đường bình thường hóa. Nếu kỳ vọng lạm phát giảm nhẹ, tác động lên nền kinh tế sẽ thậm chí còn tồi tệ hơn."
Bà cũng cảnh báo các ngân hàng trung ương không nên tạm dừng khi có dấu hiệu đầu tiên cho thấy áp lực lạm phát tiềm ẩn chuyển hướng. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách nên cho thấy "quyết tâm mạnh mẽ" của họ trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu một cách nhanh chóng.
Bà Schnabel nói thêm: “Nếu công chúng mong đợi các ngân hàng trung ương hạ thấp cảnh giác khi đối mặt với rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế - tức là nếu họ từ bỏ cuộc chiến chống lạm phát - thì chúng ta có nguy cơ chứng kiến một sự điều chỉnh rõ ràng hơn nhiều”.
Bà cho rằng, rủi ro đang gia tăng khi kỳ vọng lạm phát dài hạn vượt quá mục tiêu của ngân hàng, và các cuộc khảo sát hiện cho thấy lạm phát đang làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với các ngân hàng trung ương.
Bà Schnabel nói: “Cả khả năng và cái giá phải trả cho việc lạm phát cao trở nên cố thủ trong kỳ vọng đều cao một cách khó chịu”. "Trong môi trường này, các ngân hàng trung ương cần phải hành động một cách mạnh mẽ."