Sau khí đốt, Nga yêu cầu thanh toán ngũ cốc bằng đồng ruble
Ngũ cốc, dầu hướng dương và bột chiết xuất là những mặt hàng tiếp theo có trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu phải thanh toán bằng đồng ruble theo chính sách mới của chính phủ Nga.
Quyết định này đã được thông qua vào ngày 1/7 và được công bố trên cổng thông tin pháp lý chính thức của chính phủ Nga, theo RT.
Bên cạnh đó, chính phủ Nga cũng quyết định gia hạn một năm với các khoản thuế nộp bằng đồng ruble đối với dầu hướng dương và bột hướng dương xuất khẩu, tức đến ngày 31/8/2023.
Là một phần của cơ chế thanh toán mới, giá cơ sở để tính thuế xuất khẩu đối với lúa mì sẽ là 15.000 ruble (hơn 267 USD)/tấn.
Trước đó, phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF) ngày 16/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev nhấn mạnh rằng các sản phẩm nông nghiệp của Nga sẽ có mặt trên thị trường nước ngoài, nhưng chỉ ở “những quốc gia thân thiện”.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga, thu hoạch ngũ cốc của nước này có thể đạt 130 triệu tấn trong năm nay, đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước và đảm bảo cho các kế hoạch xuất khẩu.
Cuộc khủng hoảng ngũ cốc đang diễn ra trên toàn cầu khi giá lúa mì tăng lên mức cao kỷ lục trong 2 tháng qua. Thị trường lương thực toàn cầu, vốn đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết và đại dịch Covid-19, lại tiếp tục bị giáng một đòn mạnh do xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói trên toàn cầu.
Trao đổi với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 29/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga sẵn sàng làm việc cùng Liên hợp quốc để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu đồng thời sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ xuất khẩu lương thực và phân bón của mình.
Mới đây, trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 về an ninh lương thực toàn cầu, các nước thành viên G7 cũng đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến lĩnh vực lương thực và không ngăn chặn việc cung cấp tự do các sản phẩm lương thực, kể cả xuất khẩu từ Nga.
Xem thêm >> Phải nhập khẩu khí đốt với giá đắt đỏ, công ty Đức xin chính phủ giải cứu