Quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc đối mặt với trở ngại mới
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 10, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa thể phục hồi trở lại.
Ngày 31/10, Cục Thống kê Quốc gia cho biết, chỉ số quản lý mua hàng (PMI), thước đo quan trọng về hoạt động sản xuất, đã giảm xuống 49,5 trong tháng 10, từ mức 50,2 của tháng 9. Chỉ số PMI phi sản xuất cũng giảm từ 51,7 trong tháng 9 xuống còn 50,6 ở tháng 10. PMI tổng hợp chính thức, bao gồm cả sản xuất và dịch vụ, giảm xuống 50,7 từ mức 52 trong tháng 9.
Trong chỉ số PMI sản xuất chính thức, chỉ số phụ về đơn hàng mới giảm xuống 49,5, từ mức 50,5 của một tháng trước đó, trong khi chỉ số phụ về đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm xuống 46,8 từ mức 47,8 trong tháng 9.
Đối với PMI phi sản xuất, chỉ số phụ xây dựng, một phần bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài sản đang diễn ra, ở mức 53,5, giảm so với mức 56,2 trong tháng 9.
Chỉ số PMI thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường. Trước đó, các nhà kinh tế Trung Quốc đã dự đoán chỉ số PMI sẽ giảm nhẹ xuống còn 50,1 trong tháng 10. Chỉ số PMI cao hơn 50 cho thấy hoạt động sản xuất đang được mở rộng trong khi chỉ số dưới 50 biểu thị hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã bị thu hẹp.
Ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết: “Sự sụt giảm bất ngờ của chỉ số PMI cho thấy quá trình phục hồi kinh tế ở Trung Quốc vẫn đang là một con đường gập ghềnh khi nhu cầu trong nước vẫn còn khá yếu”.
Ông cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tăng thâm hụt tài chính vào năm tới, hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế bền vững. Trong khi đó, các chính sách trong lĩnh vực bất động sản cần phải được điều chỉnh để tránh gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế.
Trong khi đó, ông Zhao Qinghe, chuyên gia kinh tế cấp cao của cục thống kê, sự sụt giảm chỉ số PMI sản xuất trong tháng 10 là do kỳ nghỉ “tuần lễ vàng” kéo dài vào đầu tháng 10.
Sau khi tăng trưởng kinh tế quý III tốt hơn mong đợt, đạt 4,9%, các nhà kinh tế dự đoán rằng Trung Quốc có thể sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm 5% đã đề ra trước đó. Cơ quan thống kê cho biết Trung Quốc chỉ cần tăng trưởng kinh tế 4,4% trong quý IV so với cùng kỳ năm trước để đạt được mục tiêu hàng năm, điều này được coi là tương đối dễ dàng.
Các nhà kinh tế cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của họ sau khi Bắc Kinh tung ra 1.000 tỷ NDT (137 tỷ USD) trái phiếu kho bạc vào tuần trước.
Các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy những điểm yếu vẫn còn tồn tại ở khắp mọi ngóc ngách của nền kinh tế. Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những cơn gió ngược khi niềm tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng vẫn còn yếu cả trong và ngoài nước.
Thị trường bất động sản cũng vẫn là lực cản lớn đối với nền kinh tế, trong khi những khó khăn tài chính ngày càng xấu đi, gây rủi ro cho sự ổn định tài chính của Trung Quốc.