Ông Putin: Nga vẫn sống sót sau cuộc ‘chiến tranh kinh tế chớp nhoáng’

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và lạm phát gia tăng, tuy nhiên nước này vẫn sống sót sau cuộc “chiến tranh kinh tế chớp nhoáng” mà phương Tây đã tiến hành thời gian gần đây.

“Những thực tế mới sẽ đòi hỏi nền kinh tế của chúng ta phải thay đổi cơ cấu sâu sắc. Và tôi phải thành thật rằng điều đó sẽ không dễ dàng. Chúng sẽ dẫn đến sự gia tăng tạm thời về lạm phát và thất nghiệp”, ông Putin nói trong cuộc họp ngày 16/3.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin vẫn khẳng định rằng cuộc tấn công kinh tế chống lại Nga đã thất bại, Nga sẽ vượt qua những khó khăn trước mắt này.

“Nền kinh tế Nga chắc chắn sẽ thích ứng với thực tế mới. Chúng tôi sẽ củng cố chủ quyền công nghệ và khoa học của mình, phân bổ thêm nguồn lực để hỗ trợ nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà ở và tiếp tục phát triển quan hệ ngoại thương nhằm hướng tới các thị trường quốc tế đang phát triển nhanh và năng động”, nhà lãnh đạo Nga nêu rõ.

Người đứng đầu Điện Kremlin cho biết “giá cả tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người dân”, vì vậy ông đã yêu cầu các quan chức tăng phúc lợi xã hội bao gồm lương hưu và tăng lương cho nhân viên nhà nước.

Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga hiện có đủ nguồn lực tài chính để đối phó với những thách thức hiện nay và ngân hàng trung ương nước này không cần in thêm tiền.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ là đảm bảo cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu và thuốc men. Do đó, ông đã chỉ thị Cơ quan chống độc quyền liên bang và chính phủ tăng cường kiểm soát giá cả, loại trừ quy định "thủ công" về giá cả.

Theo ông Putin, chi tiêu của người tiêu dùng Nga đã tăng 1 nghìn tỷ rúp (9,7 tỷ USD) khi người dân đổ xô đi tích trữ hàng hóa. Nhưng các nhà sản xuất, nhà cung cấp, công ty vận tải và hậu cần trong nước đã làm mọi cách để tránh tình trạng thiếu hụt quy mô lớn trong các chuỗi bán lẻ.

Phương Tây đã áp đặt loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Những lệnh trừng phạt đã khiến hệ thống tài chính và tiền tệ của Nga gặp khó khăn trên nhiều mặt.

Trong đó, việc loại các ngân hàng lớn nhất Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và đóng băng hàng trăm tỷ euro dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga đã gây ra tác hại đáng kể với Nga.

Trước đó, Ngân hàng trung ương Nga đã thông báo nâng lãi suất chủ chốt từ mức 9,5% lên 20% để đảm bảo tăng lãi suất tiền gửi lên mức cần thiết để bù đắp nguy cơ đồng nội tệ mất giá ngày càng lớn và các rủi ro về lạm phát.

Lượt xem: 257
Tác giả: Minh Đăng
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật