Những nữ chiến binh "blouse trắng" nơi tâm dịch

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, nhiều nữ chiến sĩ áo trắng đã âm thầm, lặng lẽ dấn thân, cống hiến, gác lại những công việc riêng tư để mang lại cuộc sống bình an cho người bệnh.

Gạt nước mắt gác lại chuyện gia đình

Xa con cái, xa người thân yêu, bỏ lại sau lưng bố mẹ già yếu ốm đau, không thể kề bên chào tạm biệt lần cuối... Những hy sinh lớn lao ấy của những nữ chiến sĩ áo trắng thật khó có gì đo đếm được.

"Buổi sáng, tôi nhận được tin mẹ của một đồng nghiệp, một người em tại bệnh viện vừa qua đời đêm qua. Hiện, hai vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng bỗng trĩu nặng.

Lúc đó, lại nhận được tin có bệnh nhân COVID-19 có diễn biến mới, cần thăm khám luôn, tôi vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân…". Đây là những lời tâm sự nhói lòng của chị Đặng Thanh, cán bộ phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Khoa Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh
Khoa Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh

Không ít những câu chuyện không cầm nổi nước mắt đó là mẹ của một bác sĩ mất, rồi bác sĩ khác có một người em qua đời nhưng họ đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho mẹ hay gặp mặt người em lần cuối được.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 vốn được xem là "thành trì" trước đại dịch COVID-19 - nơi điều trị cho bệnh nhân COVID-19, nhất là với những bệnh nhân nặng.

Tất bật, vất vả chạy ngược xuôi trong bộ đồ bảo hộ ngột ngạt, kín mít với các thao tác can thiệp khẩn trương nhưng vô cùng tỉ mỉ, chuẩn xác... đó là hình ảnh các nữ chiến sĩ áo trắng đã cả nhiều đêm để giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 từ tay tử thần.

Do trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, nhiều nữ bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh phải cách ly với gia đình hàng tháng trời.

Nhớ chồng thương con và chỉ có một mong muốn duy nhất là được ôm con vào lòng song họ phải tạm gác lại niềm hạnh phúc riêng tư để thực hiện sứ mệnh cao cả chữa bệnh cứu người của người thầy thuốc.

Có thể thấy, trong trận chiến chống dịch đầy khốc liệt này, chắc chắn có những hy sinh, mất mát, những nỗi đau khó diễn tả thành lời nhưng vượt qua tất cả.

"Căng mình" chống dịch

TS.BS Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tâm sự: “Ngay từ đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, với vai trò là thành viên Tiểu Ban điều trị COVID-19 của bệnh viện, tôi đã cùng các thành viên trong nhóm tích cực xây dựng phác đồ điều trị ca bệnh nặng, nguy kịch tại đơn vị; Đồng thời, tham gia đào tạo trực tiếp và trực tuyến hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới điều trị để hạn chế việc bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, nâng tầng…

Khối lượng công việc lớn và áp lực, bởi vậy tôi luôn phải sắp xếp thời gian và công việc khoa học để có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đơn cử, trước một ca trực với nhiều bệnh nhân nặng, nguy cơ diễn biến xấu đi bất cứ lúc nào; Rồi có thể phải tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng cùng một lúc vừa phải tham gia hội chẩn cấp cứu… thì người thầy thuốc từ lúc nhận ca đã phải biết sắp xếp công việc hợp lý, quán xuyến và đảm bảo guồng công việc diễn ra trôi chảy".

Những nữ chiến binh
Bác sĩ Trần Thị Oanh đang thăm, khám cho bệnh nhân tại bệnh viện

Với hơn 25 năm trong nghề y và gần 20 năm làm hồi sức cấp cứu, bác sĩ Oanh luôn phải giữ bình tĩnh và kinh nghiệm để xử lý mọi tình huống có thể diễn ra. Chính nghề nghiệp tạo cho bản thân thói quen sắp xếp công việc khoa học và cố gắng tìm giải pháp phù hợp để hoàn thành công việc tốt nhất.

Theo bác sĩ Oanh, những ngày cuối năm 2021, dịch diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Số ca bệnh tăng cao dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống bệnh viện nếu không có sự phân luồng bệnh nhân phù hợp.

Bởi vậy, tổ chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tích cực xây dựng công cụ chuyên môn, phối hợp với công ty phần mềm xây dựng hệ thống quản lý F0 tại nhà, giúp phân loại nhanh chóng mức độ nặng của bệnh nhân và quản lý người bệnh bị nhiễm.

90% các bệnh nhân nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ hoặc không triệu chứng được quản lý tại nhà; Được hướng dẫn tự khai báo theo dõi sức khỏe hàng ngày, được theo dõi và kết thúc cách ly; Khi người bệnh có nguy cơ chuyển nặng sẽ được y tế cơ sở tiếp cận sớm nhất, liên hệ chuyển viện phù hợp.

"Nhiều đêm, y, bác sĩ căng mình làm việc. Số ca F0 mỗi ngày tăng liên tục. Tôi cùng đồng đội trong bộ đồ bảo hộ trắng lao vào nhận bệnh nhân, tất bật bố trí chỗ ăn ở, nghỉ ngơi và thăm khám cho họ. Những ca bệnh trở nặng cũng tăng dần theo số lượng bệnh nhân F0 nhập viện. Chúng tôi đã tích cực giúp bệnh nhân thở oxy và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Nghề y là nghề đặc thù và người làm nghề y làm việc trong môi trường đặc thù. Gác lại những vất vả của bản thân, tôi cùng các đồng nghiệp trong bệnh viện đều cảm thấy mọi vất vả, hy sinh của nhân viên y tế như được bù đắp vì đã tích cực điều trị các bệnh nhân nặng, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch, hạn chế số ca tử vong do COVID-19 trên địa bàn thành phố. Những vất vả, hy sinh đó đã được người thân, bạn bè và toàn xã hội cảm nhận rõ hơn, dành cho nhiều sự chia sẻ và tôn trọng", bác sĩ Oanh sự tâm sự

Trong cuộc chiến đầy cam go này, có thể nói, chiến sĩ áo trắng là những người đi trước về sau. Cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 còn kéo dài và chưa có ngày kết thúc... những những nữ chiến sĩ áo trắng vẫn âm thầm, lặng lẽ dấn thân, cống hiến vì sức khỏe Nhân dân.

Lượt xem: 261
Tác giả: Phương Thu
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan