Nhật Bản rơi vào suy thoái, mất danh hiệu nền kinh tế thứ 3 thế giới vào tay Đức
Theo dữ liệu GDP sơ bộ mới nhất, nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục suy giảm trong quý IV/2023, khiến nước này rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật do lạm phát cao làm nhu cầu trong nước yếu hơn.
Dữ liệu tạm thời của chính phủ Nhật Bản cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tạm thời trong quý IV/2023 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, sau mức sụt giảm 3,3% trong quý trước đó. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính trung bình về mức tăng trưởng 1,4% do các chuyên gia kinh tế đưa ra.
Số liệu mới nhất cũng ghi nhận mức giảm hàng quý là 0,1% so với GDP quý III/2033, sau mức giảm 0,8% của quý III so với quý II/2023.
Hai quý sụt giảm liên tiếp có nghĩa là nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật. Thành tích yếu kém đáng ngạc nhiên đã khiến Nhật Bản mất danh hiệu nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào tay Đức.
Mặc dù vậy, theo ông Marcel Thieliant, người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Capital Economics, "việc Nhật Bản có bước vào suy thoái hay không vẫn còn là điều gây tranh cãi”.
“Trong khi số lượng việc làm có sẵn đã giảm, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng là 2,4% trong tháng 12. Hơn nữa, cuộc khảo sát Tankan của Ngân hàng Nhật Bản cho thấy điều kiện kinh doanh trên tất cả các ngành và quy mô doanh nghiệp ở mức mạnh nhất kể từ năm 2018 trong quý IV”, ông Thieliant nói thêm.
Tuy nhiên, ông Thieliant cũng cho rằng Nhật Bản sẽ đối diện với kịch bản tăng trưởng kém trong năm nay do tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình đã chuyển sang mức âm”.
Takuji Aida, nhà kinh tế trưởng tại Credit Agricole, cho biết: “Có nguy cơ nền kinh tế có thể suy giảm một lần nữa trong quý I/2024 do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nhu cầu trong nước yếu và tác động của trận động đất năm mới ở miền tây Nhật Bản”.
Ông Aida nói thêm: “BOJ có thể buộc phải hạ mạnh dự báo GDP lạc quan của mình” cho năm 2024.
Lạm phát cao, nhu cầu trong nước yếu
Tiêu dùng tư nhân giảm 0,2% trong quý IV so với quý trước, trái ngược với ước tính trung bình về mức tăng 0,1%.
Trong khi lạm phát đang dần chậm lại, cái gọi là “lạm phát cốt lõi” – lạm phát trừ đi giá lương thực và năng lượng – đã vượt mục tiêu 2% của BOJ trong 15 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, BOJ vẫn “kiên nhẫn tiếp tục” chế độ lãi suất âm cuối cùng trên thế giới.
Tuy nhiên, số liệu GDP yếu hơn dự kiến sẽ đặt ra câu hỏi về sự ưu tiên của BOJ giữa việc thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước hay giảm lạm phát.
Nhiều người trên thị trường đang kỳ vọng BOJ sẽ từ bỏ chế độ lãi suất âm tại cuộc họp chính sách tháng 4, sau khi các cuộc đàm phán lương mùa xuân hàng năm xác nhận xu hướng tăng lương đáng kể.
Tuy nhiên, báo cáo tăng trưởng yếu hơn dự kiến hôm thứ Năm cho thấy lạm phát cao đang gây tổn hại cho tiêu dùng trong nước bất chấp triển vọng tiền lương cao hơn - và có lẽ sẽ củng cố chính sách nới lỏng tiền tệ của BOJ trong một thời gian dài hơi hơn.