Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh
Có những quy định đã phát sinh bất cập từ lâu nhưng vẫn tồn tại suốt hơn một thập kỷ, gây ra hệ lụy lớn cho hoạt động đầu tư và vận hành doanh nghiệp. Do đó, một môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và khả thi sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Đây là một trong những quan điểm được giới chuyên môn đề cập đến tại hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay (ngày 14/7) tại Hà Nội. Tại hội thảo, những vấn đề thể chế pháp lý gây cản trở năng lực sản xuất được nhìn nhận một cách sâu sắc từ cả góc độ quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp.
Quang cảnh hội thảo
Chồng chéo quy định, nhà đầu tư đắn đo
Phát biểu khai mạc, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng cải cách pháp luật kinh doanh cần được đẩy nhanh và toàn diện, vì hiện nhiều quy định đang chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. “Có những quy định đã phát sinh bất cập từ lâu nhưng vẫn tồn tại suốt hơn một thập kỷ, gây ra hệ lụy lớn cho hoạt động đầu tư và vận hành doanh nghiệp", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Cũng theo Phó Tổng thư ký VCCI, đã có nhiều đợt rà soát nhằm xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, qua đó giúp giảm quy trình, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng: hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nay vẫn còn phức tạp, thiếu minh bạch, thiếu đồng bộ và còn nhiều điểm chưa phù hợp thực tế.
Nhiều vướng mắc doanh nghiệp phản ánh đã được cơ quan quản lý lắng nghe và điều chỉnh. Ví dụ, một số rào cản trong quy định pháp luật liên quan đến đầu tư có sử dụng đất đã được tháo gỡ, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là những dự án hạ tầng quan trọng. Nhưng VCCI cũng đã nhận được nhiều phản ánh từ doanh nghiệp về các quy định gây khó khăn, nằm rải rác trong nhiều văn bản và lĩnh vực khác nhau.
Có những quy định đã tồn tại gần 20 năm nhưng không còn phù hợp. Có những quy định mới ban hành trong năm nay nhưng đã phát sinh bất cập trong quá trình áp dụng.
Một ví dụ điển hình là thủ tục liên quan đến các dự án sử dụng đất. Sự giao thoa giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Nhà ở khiến doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước thẩm định lặp lại nhưng không tạo thêm giá trị pháp lý. Hệ quả là quá trình triển khai dự án kéo dài, tạo chi phí cơ hội lớn và làm giảm sức hút của môi trường đầu tư.
Ngay cả trong những lĩnh vực được khuyến khích như năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ… các quy định hiện hành vẫn còn gây khó khăn, khiến nhà đầu tư phải cân nhắc rất kỹ.
Quy định không liên thông, nặng gánh tuân thủ năng lực cạnh tranh giảm
Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) chia sẻ góc nhìn từ thực tế tư vấn doanh nghiệp cho biết: “Các nhà đầu tư vẫn đang đối mặt với không ít vướng mắc về mặt pháp lý. Những thách thức này không chỉ làm phát sinh chi phí, kéo dài thời gian, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động, kế hoạch kinh doanh và niềm tin của nhà đầu tư”.
Chính hệ thống văn bản pháp luật hiện hành “không có sự liên thông” đang gây nhiều vướng mắc khiến doanh nghiệp mất thời gian tra cứu, chuẩn bị và xử lý hồ sơ.
“Một doanh nghiệp mới gia nhập thị trường có thể cần tới gần mười bộ hồ sơ riêng biệt cho từng quy trình, trong đó phần lớn thông tin bị trùng lặp,” ông Chung cho biết. Vấn đề sẽ được giải quyết nếu có một nền tảng pháp lý số, cho phép doanh nghiệp tra cứu toàn bộ quy định theo ngành nghề, loại hình và mục tiêu đầu tư.
Việc xây dựng một hệ thống “một cửa pháp lý” sẽ là điều kiện cần để cải cách từ quy trình đến cơ chế. Theo ông Chung, nếu các bước cấp phép được số hóa và tích hợp, sẽ tạo ra quy trình minh bạch, giảm chi phí thủ tục và thúc đẩy niềm tin đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh sự chồng chéo về luật và thủ tục, các chi phí tuân thủ đang gây ra áp lực lớn đối với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư kýHiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu lên hàng loạt rào cản từ các quy định thuế, kiểm tra chuyên ngành, đến nhãn mác và truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Hoài Nam dẫn chứng: “Cùng một loại phế phẩm từ thủy sản, nhưng nếu được tách ra từ dây chuyền chế biến sâu thì bị áp thuế GTGT 10%, còn nếu từ dây chuyền sơ chế thì không phải chịu thuế. Điều này khiến doanh nghiệp phải chia tách hóa đơn và phân loại lô hàng theo cách không phản ánh bản chất sản phẩm”.
Ngoài ra, nhiều quy định kiểm tra chuyên ngành chưa có hướng dẫn đầy đủ đang gây ách tắc. Quy định cấm trộn lẫn nguyên liệu thủy sản nhập khẩu và nội địa trong cùng một lô hàng xuất khẩu đã khiến doanh nghiệp buộc phải chia container theo nguồn gốc, làm tăng chi phí logistics và nguy cơ mất hợp đồng. Quy định này hoàn toàn có thể hủy bỏ, đồng thời ban hành văn bản rõ ràng về sản phẩm chế biến để áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Để doanh nghiệp không “tự bơi” giữa ma trận luật lệ
Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã yêu cầu năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những điểm nghẽn do quy định pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật phải gắn với thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”.
Giới doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề vẫn thể hiện sự nóng ruột trước thực trạng chồng chéo và thiếu nhất quán giữa các luật, thời gian xử lý thủ tục kéo dài và thiếu minh bạch, nhiều quy định không rõ ràng, không có quy định hướng dẫn.
Được biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật đang tiến hành rà soát, thu thập các khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất các phương án xử lý. Đây là cơ hội để sửa đổi, hoàn thiện pháp luật một cách thiết thực nhất.
Sự quyết tâm và đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong cải cách thể chế, đặc biệt là hệ thống pháp luật kinh doanh đã thể hiện rất rõ. Mục tiêu là xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, ổn định và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Vấn đề bây giờ là thực thi. Là khẩn trương rà soát và tháo gỡ khó khăn do quy định pháp luật gây ra.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Chung, cần có một cơ chế tiếp nhận phản ánh thể chế và phản hồi định kỳ từ các cơ quan quản lý để tránh tình trạng doanh nghiệp “tự bơi” giữa ma trận luật lệ. Việc tổ chức các hội thảo chuyên sâu này chính là bước đi cần thiết để thúc đẩy đối thoại, đồng hành và cập nhật pháp luật theo thực tiễn.
Việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý là nhu cầu cấp thiết nhưng cũng là thách thức lớn. Khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và phải tìm được điểm cân bằng giữa yêu cầu quản lý chặt chẽ và nhu cầu thông thoáng của doanh nghiệp.
“Một môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và khả thi sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”, Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.