Mỹ - Trung thời Joe Biden (Kỳ I): Thuế quan và Thương mại
Đừng ảo tưởng Mỹ - Trung sẽ trở nên thân thiện dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Không nhiều hy vọng quan hệ Mỹ - Trung sẽ "ấm" lên dưới thời Tổng thống Joe Biden
Ông Joe Biden tiếp quản ghế Tổng thống Mỹ trong bối cảnh quốc tế đầy rẫy những biến động, bên cạnh dịch bệnh COVID-19 chưa biết khi nào kết thúc là mối quan hệ đa phương trên phạm vi toàn cầu đã rạn vỡ trầm trọng.
Trong đó, mối quan hệ rường cột Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu “ấm lên” mặc dù J. Biden được đánh giá là người ôn hòa, đảng Dân chủ có xu hướng gần gũi hơn với mô hình Trung Quốc.
Vài tuần sau ngày nhậm chức, ông Biden đã ký hơn 40 sắc lệnh đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm D. Trump. Tuy nhiên, các gói thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc từ cuối năm 2018 đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Không một dấu hiệu nào cho thấy Nhà trắng sẽ chủ động dỡ bỏ chiến tranh thương mại với Bắc Kinh. Trái lại, Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục dùng thuế quan như một mồi nhử để giữ thế cân bằng với cường quốc châu Á.
Điều này xem ra rất khả dĩ, bởi so về kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn Mỹ, tại vùng chiến địa châu Á - Thái Bình Dương, ông Tập Cận Bình đã có những nước đi chuẩn xác nhằm củng cố thế thượng phong trước Washington.
Nội các mới của J. Biden cũng chưa có động thái nào cụ thể trong chính sách ngoại giao ngoài những thông điệp chung chung. Hơn nữa, Washington đang phải mất thời gian ít nhất 12 tháng để ổn định nội bộ.
Trong bối cảnh này, thuế quan mà ông Trump dựng lên có tác dụng như tấm khiên chắn bảo vệ nền kinh tế Mỹ khi việc làm chưa trở lại, đà phục hồi tăng trưởng còn chậm.
Thực ra, thế giới vẫn sống dưới các quả bom nổ chậm mang tên “thương chiến”. Hàng trăm tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc bị đánh thuế sẽ làm nghẽn trục thương mại lớn nhất thế giới, điều này tạo ra ảnh hưởng tiêu cực kép đến kinh tế toàn cầu.
Chuỗi cung ứng chưa được nối lại, hàng loạt doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc chưa thể tiếp cận trở lại thị trường của nhau, cộng hưởng với đại dịch COVID-19 tạo ra viễn cảnh không mấy sáng sủa cho năm 2021.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đang tỏ ra là tay chơi già rơ, trong mấy tháng cuối năm 2020 họ đã có những bước đi đạt được nhiều mục đích. Việc chủ trì ký kết RCEP sau 9 năm đàm phán sẽ mang lại cho Bắc Kinh thị trường khổng lồ ở Đông Nam Á, Đông Á - đủ sức thay thế thị trường Mỹ.
Khi có thị trường mới, được cam kết chặt chẽ, Trung Quốc sẽ giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ trong việc xuất khẩu hàng hóa cũng như mua nguyên vật liệu. Sức mạnh thuế quan của Washington giảm đi đáng kể.
Tân Ngoại trưởng Antony Blinken cũng lên tiếng ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc. Còn cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược.
Các gói thuế sẽ không dễ dàng gỡ bỏ!
Suốt 2 năm 2018 và 2019, Bắc Kinh sử dụng chiến lược phòng thủ phản công trong chiến tranh thương mại, một mặt đó là “biết mình biết ta”, mặt khác - có lẽ Bắc Kinh kiên nhẫn chờ đợi D. Trump bị thay thế!
Đến bây giờ chiến lược này phần nào phát huy tác dụng. Tuy nhiên, sẽ rất sai lầm nếu như cho rằng nước Mỹ dưới thời Joe Biden dễ dàng để Trung Quốc đè đầu cưỡi cổ!?
Cho dù Tổng thống và đảng Dân chủ Mỹ mang đặc điểm “chủ nghĩa xã hội hiện đại” thì hai hệ thống kinh tế, chính trị Mỹ - Trung đã tồn tại mâu thuẫn hệ thống về quan điểm chính trị, phương pháp điều hành, phong cách quản trị nền kinh tế, thái độ với kinh tế thị trường,…
Các mặt đối lập này tự nhiên sẽ va chạm vào nhau, gây xung khắc kể cả khi hai bên cố tình hòa hợp. Ví dụ, trong vấn đề trợ cấp thương mại, phía Mỹ luôn cho rằng chính phủ Trung Quốc “dài tay” trong việc giúp doanh nghiệp của họ ăn cắp công nghệ Mỹ.
Bao trùm tất cả trong quan hệ Trung - Mỹ chính là tranh giành ngôi vị lãnh đạo toàn cầu. Bất cứ là ai nếu tiệm cận vị trí của Mỹ đều bị chặn lại, trường hợp của Nhật Bản hồi thập niên 70 của thế kỷ 20 là một ví dụ.