Mô hình Hợp tác xã tiêu dùng - Xu hướng phát triển

HTX Hưng Thùy (Yên Bái) đã thổi luồng sinh khí mới vào nông nghiệp Trạm Tấu, nâng cao giá trị nông sản và cải thiện thu nhập cho nông dân. ...

Lịch sử và sự phát triển của hợp tác xã tiêu dùng (HTXTD) trên thế giới có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu và thói quen tiêu dùng của con người cũng như sự phát triển của nền kinh tế xã hội; phản ánh sự phát triển của xã hội và nền kinh tế. HTXTD không chỉ là một hình thức tổ chức kinh tế mà còn là một phong trào xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thông qua sự hợp tác và đồng lòng. 

Từ cuộc Cách mạng Công nghiệp đến Xu thế toàn cầu

Hành trình từ cửa hàng nhỏ ở Rochdale, Anh, đến những HTX tiêu dùng khổng lồ tại Hàn Quốc và Nhật Bản là minh chứng cho sức mạnh hợp tác và tầm ảnh hưởng toàn cầu của mô hình này.

Trong những năm đầu thế kỷ 19, khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu bùng nổ, người lao động phải đối mặt với những điều kiện làm việc khắc nghiệt và mức sống thấp. Nhiều người đã cảm thấy bị áp bức và không có quyền lực trong tay. Họ cần tìm kiếm một cách để cải thiện tình hình của mình. Chính từ nhu cầu đó, những ý tưởng về sự hợp tác đã bắt đầu nảy sinh. Những người lao động nhận thấy nếu họ cùng nhau tổ chức, họ có thể tạo ra sức mạnh tập thể để thương lượng với các nhà sản xuất và nhà cung cấp. 

Mô hình hợp tác đầu tiên Rochdale, được thành lập vào năm 1844 ở Rochdale, Anh, bởi một nhóm những người thợ dệt; họ đã quyết định tạo ra một cửa hàng bán lẻ nhằm cung cấp hàng hóa chất lượng cao với giá cả hợp lý cho chính mình và cộng đồng. Họ đã áp dụng các nguyên tắc như bình đẳng trong quyền bầu cử và quản lý, chia sẻ lợi nhuận theo mức độ đóng góp và tự nguyện tham gia. Hợp tác xã Rochdale không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống của các thành viên mà còn trở thành mẫu hình cho nhiều hợp tác xã tiêu dùng khác trên toàn thế giới.

Sau sự ra đời của hợp tác xã Rochdale, phong trào HTXTD nhanh chóng lan rộng ra khắp châu Âu và Bắc Mỹ; được thành lập tại nhiều quốc gia khác nhau, phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở Đức, các HTXTD đã được thành lập để cung cấp hàng hóa nông sản và thực phẩm chất lượng cao. Tại Pháp, các HTXTD tương tự cũng ra đời để đáp ứng nhu cầu của nông dân và người tiêu dùng. Mô hình này nhanh chóng trở thành một phong trào rộng lớn, không chỉ tại châu Âu mà sau đó còn lan ra toàn cầu: Canada, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippin, Indonexia, Thái Lan,… 

Những HTXTD có quy mô lớn và hoạt động hiệu quả như iCOOP, Hansalim, Dure Consumer Cooperative và Happy Coop (Hàn Quốc); Liên hiệp HTX tiêu dùng (JCCU) là tổ chức cấp cao của khu vực HTX ở Nhật Bản; Liên đoàn HTX cung tiêu toàn Trung Quốc (ACFSMC) với một hệ thống HTX cung tiêu thống nhất trên toàn quốc.

Sự phát triển của HTXTD diễn ra qua nhiều giai đoạn quan trọng, phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng cũng như các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường: (1) sự hình thành và phát triển đầu tiên (1844-1900); (2) mở rộng ra toàn cầu (1900-1950); (3) sự tham gia của người tiêu dùng và đổi mới (1950-2000); (4) hướng đến bền vững và công nghệ thông tin (2000-nay). 

HTXTD do các thành viên là người tiêu dùng thành lập, quản lý dân chủ, đáp ứng nhu cầu của các thành viên; thường dưới hình thức các cửa hàng bán lẻ mua bán hàng tiêu dùng, thực phẩm phục vụ sản xuất đời sống, y tế, bảo hiểm, nhà ở, điện nước, tín dụng… Theo Euro Coop: “Hợp tác xã tiêu dùng là các hợp tác xã do người tiêu dùng thành lập và quản lý một cách dân chủ, nhằm mục đích thực hiện nhu cầu và nguyện vọng của các thành viên của chúng”.

HTXTD thực hiện 7 nguyên tắc chung của mô hình hợp tác xã, đó là thành viên tự nguyện và mở rộng, kiểm tra dân chủ bởi các thành viên, sự tham gia kinh tế của thành viên HTX, độc lập và tự chủ, giáo dục, đào tạo và thông tin, sự hợp tác giữa các HTX, quan tâm đến cộng đồng. Tuy nhiên, ba nguyên tắc chính trong hoạt động: nguyên tắc tự nguyện hợp tác, nguyên tắc tự quản, nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận. 

Mô hình HTX tiêu dùng tại Đức.

 Mô hình HTX Tiêu dùng định hình tương lai kinh tế

Từ HTX truyền thống đến HTX trực tuyến, mỗi phương thức hoạt động đều mở ra những cơ hội mới, không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Mô hình hợp tác xã tiêu dùng hiện hoạt động với 6 phương thức: Mô hình hợp tác xã tiêu dùng truyền thống, mô hình hợp tác xã tiêu dùng hữu cơ, mô hình hợp tác xã tiêu dùng trực tuyến, mô hình hợp tác xã tiêu dùng cộng đồng, mô hình hợp tác xã tiêu dùng nông nghiệp, mô hình hợp tác xã tiêu dùng toàn cầu.

Mô hình hợp tác xã truyền thống là loại hình hợp tác phổ biến nhất, thường hoạt động theo nguyên tắc tự quản và tự nguyện. Các thành viên của hợp tác xã cùng nhau hợp tác để mua sắm hàng hóa và dịch vụ với giá cả hợp lý hơn so với việc mua từ các nhà bán lẻ truyền thống. Tiêu biểu, hợp tác xã Rochdale và hợp tác xã Co-op Food (Anh), hợp tác xã Evergreen và hợp tác xã Land O'Lakes (Hoa Kỳ), HTX Landwege (Đức),...

Mô hình hợp tác xã hữu cơ được thiết kế để cung cấp các sản phẩm nông sản hữu cơ và bền vững; chú trọng vào việc bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm từ các nguồn cung cấp có trách nhiệm. Tiêu biểu, hợp tác xã Organic Valley (Hoa Kỳ), hợp tác xã La Montanita Co-op (New Mexico), hợp tác xã Food for Thought (San Francisco),… 

Mô hình hợp tác xã trực tuyến ra đời do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và thương mại điện tử; cho phép thành viên mua sắm và giao dịch qua internet, từ đó mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và cải thiện hiệu quả hoạt động. Tiêu biểu, hợp tác xã Cooperative Grocery (Canada), hợp tác xã Coop Marketplace (Hoa Kỳ),… 

Mô hình hợp tác xã cộng đồng tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng; không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà còn tổ chức các sự kiện và chương trình nhằm nâng cao ý thức cộng đồng và tạo ra một không gian để các thành viên tương tác, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Tiêu biểu, hợp tác xã Community Food Co-op (Washington), hợp tác xã Park Slope Food Coop và hợp tác xã North Country Food Co-op (New York), hợp tác xã New Leaf (California),…

Mô hình hợp tác xã tiêu dùng nông nghiệp là một hình thức hợp tác giữa nông dân và người tiêu dùng, trong đó người tiêu dùng đóng góp tài chính cho nông dân để nhận được sản phẩm nông nghiệp theo mùa. Tiêu biểu, hợp tác xã Share the Harvest (New York), hợp tác xã Green Door Gourmet (Tennessee), hợp tác xã Blue Hill Farm (Massachusetts),…

Mô hình hợp tác xã tiêu dùng toàn cầu là sự hợp tác và kết nối giữa các HTXTD ở các quốc gia khác nhau, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và tài nguyên; tạo ra một mạng lưới hợp tác rộng lớn, từ đó nâng cao khả năng thương lượng và sức mạnh của các hợp tác xã. Tiêu biểu, Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (ICA), hợp tác xã Global Village, hợp tác xã CoopCycle, World Cooperative Monitor,….

HTXTD không tồn tại độc lập mà thường có mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức khác như hợp tác xã sản xuất, tổ chức phi lợi nhuận và các doanh nghiệp xã hội. Các tổ chức này thường hợp tác để cung cấp nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 

HTXTD được thành lập với mục đích phục vụ lợi ích của các thành viên, tạo ra một kênh phân phối hàng hóa và dịch vụ có chất lượng, đồng thời tăng cường sức mạnh thương lượng của các thành viên khi mua sắm. HTXTD là một mô hình hợp tác xã, là tổ chức kinh tế trong đó các thành viên hợp tác để mua sắm hàng hóa và dịch vụ với giá cả hợp lý hơn, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà họ tiêu dùng. Mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí cho người tiêu dùng mà còn tạo ra một môi trường mà mọi người có thể tham gia vào quyết định quản lý và điều hành HTX. Các thành viên không chỉ là người tiêu dùng mà còn là những người chủ thực sự của HTX, từ đó tạo ra cảm giác sở hữu và trách nhiệm trong việc phát triển HTX. Điều này góp phần tạo ra sự bền vững và phát triển cộng đồng.

Có thể nhận định, mô hình hợp tác xã tiêu dùng có lịch sử phát triển lâu đời và ở nhiều nước trên thế giới, khẳng định và phát huy bản chất mô hình HTX; vai trò, vị trí đối với hỗ trợ thành viên trong cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả cho HTX, thành viên hướng tới sự phát triển bền vững. Mô hình hợp tác xã tiêu dùng khẳng định sự thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa lợi ích của người sản xuất, người lao động và người tiêu dùng và khẳng định đây là ba nhóm thành viên chính mà HTX chú trọng hướng tới trong suốt quá trình thành lập, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mô hình HTX tiêu dùng ở Hàn Quốc

HTX Tiêu Dùng tại Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

Dù chưa phát triển mạnh, mô hình HTXTD ở Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho kinh tế tập thể, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và tạo giá trị gia tăng cho cộng đồng.

Hiện tại, ở Việt Nam chưa thành lập HTX tiêu dùng. Tiếp cận theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023, từ góc độ tiêu dùng, có thể hiểu HTXTD là: “Tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 05 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng (hay thỏa mãn) nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ”. Các thành viên tham gia HTX cùng đặt ra các nhu cầu tiêu dùng chung về kinh tế, văn hóa, xã hội và cùng nhau thực hiện các hoạt động nhằm đáp ứng (thỏa mãn) các nhu cầu tiêu dùng chung đó. Tại Việt Nam, xuất hiện một số HTX với hoạt động như mô hình HTX tiêu dùng các nước như: Hợp tác xã mua bán (1958), liên hiệp HTX Saigon coop (1989), mô hình HTX nhà ở Thụy Điển (thành lập năm 2005), mô hình HTX thương mại dịch vụ, quỹ tín dụng nhân dân,…

Trong thực tế triển khai gắn với điều kiện Việt Nam, mô hình HTXTD phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế tập thể; HTX, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển quy mô HTX; nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu, đạt tiêu chuẩn trong và ngoài nước, đặc biệt các tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ, OCOP, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; chuyển đổi số, tiếp cận thị trường và tiêu thụ bán lẻ và các hợp đồng kinh tế. HTXTD có số thành viên càng đông thì các nhu cầu tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ kinh tế, văn hóa, xã hội càng lớn và càng tạo thuận lợi để các thành viên cùng nhau tổ chức các hoạt động cung ứng (tự sản xuất hoặc mua từ thị trường) các sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng (thỏa mãn) các nhu cầu chung của thành viên đặt ra. Nói cách khác là, tạo niềm tin và thu hút số lượng thành viên ảnh hưởng mạnh tới khả năng đáp ứng (thỏa mãn) các nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên trong mỗi HTX. 

Dự báo, phát triển HTXTD cũng đối mặt với nhiều thách thức. Các vấn đề như cạnh tranh từ các doanh nghiệp lớn, thay đổi trong thói quen tiêu dùng, và tác động của công nghệ đang đặt ra những yêu cầu mới cho các HTXTD. Điều này đòi hỏi sự đổi mới trong cách thức hoạt động và tổ chức của HTX, đồng thời cần có sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức xã hội. Mô hình HTXTD phải đặt mục tiêu tiên phong trong phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng cho thành viên. HTX cần đặt trách nhiệm xã hội, vì nhu cầu và yêu cầu từ cộng đồng người tiêu dùng là trọng tâm trong trong chiến lược phát triển của HTX, lấy trung tâm là vì thành viên HTX. Mô hình HTXTD thành công cần có sự minh bạch thông tin, làm tốt công tác truyền thông với tất cả các thành viên để có sự kết nối, hiểu mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể giữa các bên. HTX cần có những quy định đặc thù trong điều lệ để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của thành viên sản xuất, là đối tượng quan trọng trong chiến lược phát triển của HTX. Ban Kiếm soát đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát nội bộ, đảm bảo tính minh bạch trong HTX.

Phát triển HTX Tiêu Dùng: Bài học từ quốc tế và lối đi cho Việt Nam

Từ mô hình iCOOP của Hàn Quốc đến Liên minh HTX Quốc tế, các bài học thành công toàn cầu là kim chỉ nam để Việt Nam phát triển mô hình HTXTD hiệu quả và bền vững.

Hội thảo chuyên gia về giải pháp phát triển HTX tiêu dùng tại Việt Nam, tổ chức tại Liên minh HTX Việt Nam, năm 2024

Một số giải pháp trong phát triển mô hình HTXTD: Một là, nâng cao năng lực tổ chức, hoạt động của HTX, xây dựng mô hình HTX tiêu dùng và tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết giữa các HTXTD; liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên; Hai là, phải tôn trọng bản chất, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã. Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế, pháp nhân thương mại, hoạt động bình đẳng trên thị trường nhằm mang lại lợi ích cho thành viên, góp rất quan trọng vào giảm nghèo, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của số đông thành viên, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh chung của toàn nền kinh tế; tăng cường đoàn kết giữa các thành viên và ngày càng lan tỏa ra xã hội; nâng cao vị thế chính trị, xã hội của đông đảo thành viên và người lao động với tư cách là những người làm chủ. Ba là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật hỗ trợ kinh tế hợp tác, HTXTD phát triển. Triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã 2023, tăng quy định về tỷ lệ vốn góp, quỹ chung không chia, tỷ lệ cung ứng dịch vụ hàng hoá nội bộ và ra thị trường, kiểm toán nội bộ, chế tài xử lý vi phạm pháp luật,.. cho phù hợp với xu thế phát triển hợp tác xã quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. 

Phát triển HTX tiêu dùng, HTX thương mại, dịch vụ theo yêu cầu thực tế về kinh tế - xã hội, trình độ phát triển và nhu cầu của thị trường; chú trọng nhu cầu của người tiêu dùng, của các hộ buôn bán kinh doanh nhỏ, không lệ thuộc vào địa giới hành chính, có thể ở phạm vi thôn, xã hoặc liên thôn, liên xã, liên bản làng, huyện, thành phố. Vùng nông thôn chủ yếu là phát triển các HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh thương mại, bao gồm dịch vụ “đầu vào, đầu ra” cho hộ nông dân và cung ứng hàng tiêu dùng cho dân cư nông thôn. Ở những thị trấn, thị tứ có chợ gồm nhiều hộ buôn bán nhỏ có thể hướng dẫn thành lập HTX thương mại để giúp đỡ nhau về thông tin giá cả, tạo nguồn hàng và giải quyết những rủi ro trong quá trình kinh doanh. Trên địa bàn thành phố, thị xã hướng dẫn phát triển các HTXTD nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của dân cư từng cụm. Phát triển các HTX gồm các hộ kinh doanh quầy sạp và các hộ buôn bán lẻ ở khu vực các chợ. Từng bước hình thành các HTX siêu thị có quy mô cửa hàng lớn hiện đại với phương thức bán hàng văn minh, tiên tiến. Hỗ trợ phát triển HTX nhà ở, HTXTD trong các trường đại học, các khu công nghiệp, tín dụng vi mô… Ở miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể hình thành các HTX mua bán liên thôn, liên bản, kinh doanh tổng hợp các loại mặt hàng, sản phẩm theo nhu cầu của dân cư địa phương và làm đại lý cho các doanh nghiệp quốc doanh phân phối những mặt hàng thuộc diện chính sách đến đồng bào các dân tộc. Ở những nơi chưa có điều kiện thành lập HTX thì có thể thành lập các tổ hợp tác mua bán giản đơn một hoặc một vài mặt hàng nào đó ở địa phương.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng, HTXTD đã trở thành một mô hình kinh doanh quan trọng, không chỉ trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ mà còn trong việc tạo dựng sự kết nối giữa các thành viên trong cộng đồng; đã phát triển thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế của nhiều quốc gia. Phát triển HTX tiêu dùng là một xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam nên cần thúc đẩy mạnh mẽ nhằm hướng tới mục tiêu tăng nhanh số lượng HTX, đa dạng hóa HTX và hướng hoạt động của HTX Việt Nam ngày càng tiệm cận hơn với tư tưởng, nguyên tắc của HTX quốc tế.

Phạm Thị Tố Oanh - Trưởng ban Chính sách Liên minh HTX Việt Nam
 
Lượt xem: 11
Tác giả: Ý kiến bạn đọc