HTX hữu cơ đau đầu tìm đơn vị chứng nhận để ‘chọn mặt gửi vàng’
Vụ việc Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO (Việt Nam) bị xử phạt vì những sai phạm trong hoạt động chứng nhận và kiểm nghiệm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng và sự minh bạch của thị trường dịch vụ này. Đặc biệt, đối với các hợp tác xã (HTX) và nông dân đang nỗ lực theo đuổi nông nghiệp hữu cơ, vụ việc này càng làm tăng thêm mối lo ngại về việc tìm kiếm một đơn vị chứng nhận uy tín, đáng tin cậy.
Ông N.V.T, Giám đốc một HTX nông nghiệp ở Hòa Bình (nay là Phú Thọ), chia sẻ: HTX đã đầu tư rất nhiều để chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Và muốn có thương hiệu, thuyết phục được khách hàng, HTX cần có chứng nhận. Vấn đề là hiện nay có quá nhiều đơn vị quảng cáo dịch vụ chứng nhận hữu cơ, từ các công ty lớn đến các tổ chức nhỏ lẻ. HTX không biết đơn vị nào thực sự có đủ năng lực và uy tín để cấp chứng nhận đúng quy định.
HTX băn khoăn về sự minh bạch
Đặc biệt, vụ FAO Việt Nam bị xử phạt càng khiến thành viên HTX hoang mang hơn. Nếu chứng nhận mà không đúng chuẩn, không đúng thực tế, thì công sức của nông dân, thành viên HTX đổ ra coi như vô ích, niềm tin của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vụ việc của Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO (Việt Nam) đã phơi bày nhiều góc khuất đáng lo ngại trong hoạt động chứng nhận và kiểm nghiệm tại Việt Nam.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất được bà Từ Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, chỉ ra là việc công ty này sử dụng tên "FAO". Bà Nhung bày tỏ sự "giật mình" ban đầu khi nghe tên, bởi FAO (Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc) là một tổ chức quốc tế uy tín hàng đầu. Bà Nhung cho rằng, công ty bị xử phạt không sai khi đăng ký tên này tại Việt Nam, nhưng chính cái tên này lại tạo một cảm giác lẫn lộn cho mọi người nhầm tưởng tổ chức uy tín là Lương Nông thế giới vẫn hay gọi là FAO.
Điều này đặt ra vấn đề về việc quản lý tên gọi doanh nghiệp, đặc biệt là với những cái tên dễ gây nhầm lẫn với các tổ chức quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn. Mặc dù việc đăng ký tên có thể hợp pháp về mặt hành chính, nhưng nếu việc sử dụng tên đó gây hiểu lầm cho khách hàng hoặc đối tác, HTX, nó có thể trở thành một hình thức "gian lận danh xưng" để tạo dựng lòng tin giả mạo.
Một khía cạnh khác được không ít nhà chuyên môn nhấn mạnh từ vụ việc này là việc Công ty FAO Việt Nam không được các tổ chức quốc tế có thẩm quyền như IFOAM, Nhật Bản (tiêu chuẩn JAS), USDA (Hoa Kỳ) và Canada ủy quyền đánh giá. Vì tên của doanh nghiệp này không có trong danh sách các đơn vị được ủy quyền đánh giá theo tiêu chuẩn của các nước trên.
Điều này có nghĩa là, ngay cả khi các sản phẩm được Công ty FAO Việt Nam chứng nhận đạt chuẩn, chúng cũng sẽ gặp rào cản lớn khi muốn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế đòi hỏi các chứng nhận được công nhận bởi các tổ chức có thẩm quyền toàn cầu. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho HTX, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của công ty này mà còn ảnh hưởng đến uy tín chung của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Các tổ chức chứng nhận và kiểm nghiệm hoạt động đúng chuẩn mực, HTX, người tiêu dùng mới yên tâm về chất lượng sản phẩm. |
Hiện có rất nhiều tổ chức trong và ngoài nước đang tham gia cấp chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam, tuy nhiên chưa có một danh sách minh bạch, thống nhất được công khai cho người tiêu dùng, HTX, nông dân và cả doanh nghiệp tra cứu.
Thực tế hiện nay, nhiều HTX sản xuất hữu cơ, có chứng nhận hữu cơ chân chính ở Việt Nam rất đau đầu với vấn đề gian lận, giả mạo chứng nhận hữu cơ. Như HTX Lương Sơn (Phú Thọ hiện nay) đang trồng rau hữu cơ và có chứng nhận hữu cơ PGS nhưng cũng có thời điểm phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh từ những đơn vị cũng quảng bá có chứng nhận hữu cơ tương tự tại những cửa hàng bán nông sản hữu cơ.
Theo khảo sát năm 2024 của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách nông nghiệp, có hơn 60% người tiêu dùng nghi ngờ về độ tin cậy của nhãn hữu cơ đang bán trên thị trường.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Hữu cơ Phúc Hưng (Lâm Đồng), bà Nguyễn Thị Hạnh, cho biết HTX đã nỗ lực không ngừng từ việc cải tạo đất đến tập huấn nông dân, để đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và đạt được chứng nhận hữu cơ theo chuẩn EU. Tuy nhiên, tình trạng tràn lan các sản phẩm gắn mác "organic" trên thị trường khiến người tiêu dùng hoài nghi, thậm chí còn đặt câu hỏi về tính xác thực của các chứng nhận mà Phúc Hưng đã dày công gây dựng. Điều này gây ra không ít tổn thương cho những người làm nông nghiệp hữu cơ chân chính.
Nguy cơ "tiền mất tật mang"?
Theo chuẩn thế giới, phòng kiểm nghiệm muốn làm dịch vụ kiểm nghiệm phải được chứng nhận phương pháp kiểm nghiệm từng chỉ tiêu đạt TC ISO17025. Cơ quan chứng nhận là Văn phòng Công nhận Chất lượng quốc gia (BoA), nằm trong hệ thống BoA quốc tế. Ở Việt Nam này thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Và muốn được kiểm nghiệm các chỉ tiêu phục vụ quản lý nhà nước thuộc bộ nào lại phải được bộ ấy ủy quyền bằng văn bản. Nếu chấm dứt ủy quyền, không được gia hạn ủy quyền mà vẫn cấp báo cáo kiểm nghiệm thì gọi là 'cấp gian' hoặc 'cấp khống.
Vụ việc FAO Việt Nam một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc siết chặt quản lý hoạt động chứng nhận và kiểm nghiệm để bảo vệ quyền lợi của nông dân, HTX, người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Việc có nhiều đơn vị chứng nhận hữu cơ, bên cạnh mặt tích cực là tạo ra sự cạnh tranh và đa dạng lựa chọn thì cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề gây rối loạn cho nông dân và HTX. Bởi theo đại diện của các HTX, khó khăn đầu tiền là việc làm sao có thể lựa chọn được đơn vị chứng nhận uy tín để hợp tác. Như vụ FAO Việt Nam cho thấy, không phải đơn vị nào cũng hoạt động đúng chuẩn mực. Nông dân, HTX thường thiếu thông tin và kinh nghiệm để đánh giá năng lực, uy tín thực sự của một đơn vị chứng nhận. Việc một số công ty lợi dụng tên tuổi các tổ chức quốc tế (như "FAO") càng làm tăng sự nhầm lẫn.
Đi liền với đó, mỗi đơn vị có thể có quy trình, chi phí và thời gian cấp chứng nhận khác nhau. Chất lượng đánh giá, kiểm nghiệm cũng không phải lúc nào cũng được đảm bảo, dẫn đến tình trạng chứng nhận "hình thức" hoặc không phản ánh đúng thực tế khiến HTX đã khó lại càng khó hơn.
Trong khi quy trình chứng nhận hữu cơ thường tốn kém, bao gồm chi phí kiểm tra, đánh giá, phí cấp chứng nhận và các chi phí duy trì hàng năm. Việc phải tìm hiểu, so sánh giữa nhiều đơn vị để tìm ra mức giá hợp lý và dịch vụ chất lượng là một gánh nặng không nhỏ cho nông dân, HTX có nguồn lực hạn chế.
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, có nhiều tiêu chuẩn hữu cơ khác nhau (USDA Organic, EU Organic, JAS...). Mỗi tiêu chuẩn lại có yêu cầu riêng biệt và giá trị trên thị trường khác nhau. Nông dân, HTX cần được tư vấn rõ ràng về tiêu chuẩn nào phù hợp với mục tiêu sản xuất và thị trường tiêu thụ. Do đó, nếu lựa chọn phải đơn vị chứng nhận không uy tín hoặc gian lận, nông dân, HTX có thể mất tiền, mất thời gian, thậm chí mất đi uy tín sản phẩm khi bị phát hiện không đạt chuẩn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.
Để giảm bớt sự rối loạn này, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội… để nâng cao nhận thức, minh bạch thông tin và siết chặt quản lý hoạt động chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam.
Huyền Trang