Hợp tác kinh tế 5 tỉnh, thành của Việt Nam - Trung Quốc

Những năm qua, 5 tỉnh, TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) đã khai thác hiệu quả về vị trí địa lý, phát huy lợi thế nối giao thông, thế mạnh của từng địa phương để cùng tăng cường liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển.

Hợp tác hiệu quả, đi vào chiều sâu

Ngày 13-14/11 tới đây, Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10 sẽ diễn ra tại TP Hà Nội.

Được sáng lập từ năm 2004, trải qua gần 20 năm phát triển với 9 lần hội nghị, hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) đã khẳng định tính hiệu quả để thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh thành viên trên các lĩnh vực giao lưu hữu nghị, kết nối giao thông, thương mại, du lịch, văn hóa nghệ thuật…

Sự hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và không ngừng được nâng cao, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Nhiều chương trình dự án kinh tế quan trọng được triển khai, giao lưu qua các cửa khẩu, các khu kinh tế - thương mại trên biên giới ngày càng nhộn nhịp; kim ngạch thương mại không ngừng tăng lên.

Tăng cường liên kết, hợp tác giữa Hà Nội và Vân Nam (Trung Quốc)

Khởi động tuyến du lịch vàng "Hai quốc gia - Sáu điểm đến" Trung Quốc - Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị tường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.

Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 (sau Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc và Hồng Kông - Trung Quốc) trong tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Trung Quốc; đồng thời trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 103,92 tỷ USD. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 11,7 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Về hợp tác đầu tư, Trung Quốc nằm trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Các dự án của doanh nghiệp Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành và chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước. Dòng vốn đa dạng ngành nghề và lĩnh vực từ dịch vụ nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng đến dệt may, da giày, xơ sợi dệt, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp.

Riêng tỉnh Vân Nam có vai trò rất lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, đồng thời cũng là cửa ngõ giao thương quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Với vị trí thuận lợi, tỉnh Vân Nam là cầu nối hữu hiệu cho hàng hóa của Việt Nam có thể tiến sâu, vươn xa đến các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam của Trung Quốc và là cửa ngõ quan trọng đưa các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Trung Quốc thông qua Việt Nam đến với thị trường khu vực ASEAN giàu tiềm năng.

Tăng cường liên kết, hợp tác giữa Hà Nội và Vân Nam (Trung Quốc)

Hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) ngày càng sôi động, hiệu quả

Tăng cường giao lưu văn hóa, phát triển du lịch

Các tỉnh, TP thành viên đã khai thác hiệu quả về vị trí địa lý, phát huy lợi thế nối giao thông, thế mạnh của từng địa phương để cùng tăng cường liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển; đặc biệt là hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch.

Điểm nhấn gần nhất thể hiện tình hữu nghị, gắn kết hợp tác giữa các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được thể hiện, đó là tour du lịch vàng, kiểu mẫu “Hai quốc gia, Sáu điểm đến” do Sở Du lịch Hà Nội và Sở Du lịch các tỉnh, TP: Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng với châu Hồng Hà - tỉnh Vân Nam triển khai từ tháng 3/2023.

“Hai quốc gia, Sáu điểm đến” gồm Côn Minh - Châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm của du khách mỗi bên. Đây cũng là sản phẩm du lịch góp phần minh chứng cho mối quan hệ hợp tác có trách nhiệm, bền chặt, mở ra triển vọng mới cho quan hệ hợp tác ngành du lịch giữa các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ, Hà Nội luôn xác định Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm hàng đầu, đồng thời du khách Trung Quốc rất yêu thích các điểm đến của Việt Nam như Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các điểm đến tham quan du lịch giàu bản sắc văn hóa khác.

Do vậy, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cấp điểm đến, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, môi trường du lịch... làm nền tảng phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế, trong đó có khách du lịch Trung Quốc theo tuyến du lịch: Côn Minh - châu Hồng Hà - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh hướng đến mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội.

Hợp tác, liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển

Khách du lịch Trung Quốc tham quan Văn Miếu

Cụ thể, Hà Nội sẽ tăng cường kết nối và phát triển các sản phẩm du lịch dựa vào khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của Thủ đô phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách du lịch Trung Quốc như: Tour Hoàng thành Thăng Long, tour Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hoàng thành Thăng Long và nghỉ dưỡng tại Khu du lịch đô thị sinh thái Tuần Châu - Hà Nội, tour du lịch văn hóa kết hợp chăm sóc sức khỏe ở Ba Vì, Sóc Sơn…

Bên cạnh đó, Thủ đô còn tổ chức chuỗi các hoạt động, sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch mang đậm bản sắc văn hóa và thương hiệu du lịch Thủ đô để tạo thành sản phẩm thu hút khách du lịch. Ngoài ra, Hà Nội chủ động, tích cực tham gia vào các chương trình quảng bá du lịch đối ứng với Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), với hành lang kinh tế 5 tỉnh/thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Liên minh hợp tác các thành phố du lịch Mê Kông - Lan Thương và các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế khác; tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch tại các thị trường trọng điểm trong đó có tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Được biết nhiều năm nay, Thủ đô Hà Nội và tỉnh Vân Nam đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về du lịch, thể hiện qua các chương trình giao lưu, làm việc thường xuyên và hiệu quả. Hà Nội và Vân Nam đã thúc đẩy quan hệ trao đổi khách du lịch hai chiều, giúp đỡ nhau tổ chức xúc tiến du lịch, khảo sát du lịch tại mỗi bên. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến hai nước nói chung và Hà Nội - Vân Nam nói riêng ngày càng gia tăng.

Đồng thời, Sở Du lịch Hà Nội và Cục Du lịch Vân Nam, Trung Quốc đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác du lịch qua nhiều hoạt động cụ thể, chuyên sâu trong nhiều năm qua. Đó là hoạt động trao đổi kinh nghiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch, đào tạo lực lượng cán bộ điều hành, hướng dẫn viên phục vụ cho thị truờng khách Trung Quốc và Việt Nam, phối hợp xúc tiến du lịch hai địa phương tại các thị trường khách quốc tế lớn trong châu lục và thế giới.

Lượt xem: 7
Tác giả: Lan Chi
Tin liên quan