Lạm phát, tỷ giá có thể làm đảo chiều chính sách tiền tệ năm 2024?

Theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ năm 2024 chỉ nên duy trì ở trạng thái như hiện tại, không nới lỏng nhưng cũng không thắt chặt thêm. Ở những thời điểm khi áp lực lạm phát và tỷ giá quá lớn thì có thể cân nhắc việc hút bớt tiền về nhưng với một lượng vừa đủ để không gây ra các xáo trộn hoặc cú sốc cho nền kinh tế... Tuy nhiên, nếu xuất hiện sức ép từ tỷ giá và lạm phát thì chính sách tiền tệ có thể đảo chiều để thích ứng.

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 tổ chức chiều 9/11, các chuyên gia dự báo, với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nếu không xuất hiện biến số, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục duy trì như năm 2023.

Lãi suất khó giảm thêm

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng lãi suất hiện đã “chạm đáy” nhưng nếu duy trì được trong cả năm 2024 sẽ là tín hiệu tích cực.

Theo thống kê cũng như đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới đã giảm khoảng 2 - 2,2%, tức là vượt hơn kỳ vọng và mong muốn từ đầu năm từ 1 - 1,5%/năm.

Đến nay, 4 ngân hàng thương mại nhà nước với vai trò chủ lực đã tiên phong trong giảm lãi suất. Như tại Vietcombank, mức lãi suất cho vay trung bình hiện nay của tất cả các khoản cho vay ngắn, trung, dài hạn cả cũ và mới chỉ là 5,94%, so với cuối năm 2022 đã giảm 1,75% và so với cùng kỳ năm 2022 đã giảm 0,29%. Tại BIDV, mức lãi cho vay trung bình là 6,46%, so với cuối năm ngoái giảm 2,59% và so cùng kỳ giảm 0,15%.

-2718-1699525531.jpg

Với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nếu không xuất hiện biến số, chính sách tiền tệ năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì như năm 2023.

Các ngân hàng thương mại (NHTM) tư nhân cũng đang dồn dập tung ra các gói tín dụng lãi suất ưu đãi, đồng thời giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho rằng hiện tại không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất: "Người dân, mọi người hay suy nghĩ lãi suất thực dương, thì chiếu theo lạm phát dưới 4%, và Quốc hội đang hướng lạm phát có thể nâng lên 4,5%, thì việc giảm lãi suất nữa là khó".

Phó Tổng Giám đốc HDBank phân tích, lãi suất cho vay có độ trễ hơn so với tiền gửi do các ngân hàng có thời kỳ nâng lãi suất tiền gửi vào cuối năm 2022, đầu 2023. Khoản tiền gửi lãi suất cao giảm xuống, chi phí vốn giảm xuống thì lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm có thể sẽ giảm nhưng không nhiều, đặc biệt khi room tín dụng mở rộng cho NHTM và nhu cầu tín dụng tích cực hơn.

“Tôi cho rằng lãi suất cho vay sẽ giảm dần từ nay đến quý I năm sau, sau đó phụ thuộc tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới nhưng khó giảm thêm", ông Nam nói.

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức mới đây, các doanh nghiệp bày tỏ lãi suất hiện nay đã giảm, vấn đề doanh nghiệp mong muốn đó là ngành ngân hàng có chính sách ổn định lâu dài, lãi suất hiện tại cần duy trì trong trung và dài hạn.

“Sự không ổn định là điều doanh nghiệp rất sợ, nhất là lãi suất”, một doanh nghiệp cho hay.

Chính sách tiền tệ sẽ ra sao?

Về chính sách tiền tệ thời gian tới, ông Thành cho rằng định hướng chính sách của nhà điều hành luôn muốn duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng, bởi áp lực cho giai đoạn 2024 - 2025 là lấy lại đà tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ. Các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, NHNN có duy trì được chính sách tiền tệ nới lỏng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện, tất cả ngân hàng trung ương đều điều hành chính sách theo hướng “dò đường” với tự tin rất thấp, khả năng mắc sai lầm rất cao, kể cả Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ông Thành nhận định: “Năm nay, tín dụng có thể tăng 11% so với mục tiêu 14%, mục tiêu của năm sau là tăng 14 - 15% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trở lên. Việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng phải duy trì nhưng hoàn toàn có thể đảo chiều khi chịu áp lực từ hai yếu tố là tỷ giá và lạm phát.

Trong điều kiện bình thường, NHNN sẽ cố gắng để không tăng lãi suất điều hành nhưng nếu xuất hiện sức ép thì buộc phải thay đổi để thích ứng. Điều này phải quan sát từng tháng năm 2024 thì mới có thể phán đoán được”.

Đồng tình, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam, cũng cho rằng lãi suất khó hạ nhiều hơn nữa do thế giới phải sống chung với lạm phát cao nhiều năm nữa. Có khá nhiều lý do khiến nền kinh tế toàn cầu chịu áp lực mới như chuỗi cung ứng bị nghẽn làm hiệu quả sản xuất bị mất đi, khó khăn đình trệ; chưa kể những vấn đề địa chính trị ảnh hưởng đến những mặt hàng sống còn như dầu thô...

“Chúng ta hy vọng "độ nhiệt" đã ở sau lưng, nhưng hy vọng giảm hơn nữa là không có", Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam chia sẻ.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng việc NHNN đã hạ lãi suất 4 lần liên tiếp vào quý I và quý II giúp khơi thông dòng tiền chảy ra nền kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách đều có độ trễ nhất định, dù hạ lãi suất điều hành từ đầu năm nhưng phải quý III, quý IV thì dòng tiền mới thực sự thẩm thấu.

Dự kiến cuối năm nay, tăng trưởng tín dụng sẽ bắt đầu tăng, đương nhiên không thể đạt mục tiêu 14-15% nhưng đâu đó sẽ xoay quanh 9-10% vào cuối năm và tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm thường cũng cao gấp đôi đầu năm.

Việc dòng tiền chảy vào nền kinh tế cũng là một trong những yếu tố tác động lên lạm phát. "Khả năng cao là khi lạm phát quay lại vào cuối năm nay, đầu năm sau sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ", ông Huân nói.

Dự báo, NHNN sẽ cố gắng duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cuối năm nay và cả năm sau, bởi nếu không giữ chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện tại thì rất khó để đạt mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn.

Tuy nhiên, ông Huân nhấn mạnh, chính sách tiền tệ chỉ nên duy trì ở trạng thái như hiện tại, không nới lỏng nhưng cũng không thắt chặt thêm. Ở những thời điểm khi áp lực lạm phát và tỷ giá quá lớn thì có thể cân nhắc việc hút bớt tiền về nhưng với một lượng vừa đủ để không gây ra các xáo trộn hoặc cú sốc cho nền kinh tế.

Huyền Anh

Tin liên quan