Hà Lan lo ngại khí đốt sẽ chuyển hướng sang châu Á nếu EU áp giá trần

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte lo ngại việc áp giá trần sẽ khiến khí đốt thay vì được xuất khẩu tới châu Âu lại chuyển hướng sang châu Á, trong bối cảnh châu lục này đang loay hoay với bài toán khủng hoảng năng lượng.

Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp giữa Đức và Hà Lan về các vấn đề khí hậu mới đây, bình luận về việc miễn cưỡng ủng hộ áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu, Thủ tướng Hà Lan Rutte cho biết ông lo ngại rằng nếu áp dụng mức giá trần này thì các sản phẩm năng lượng sẽ không còn được chuyển đến châu Âu nữa.

"Chúng ta cần phải thực dụng. Tôi e ngại rằng nếu áp giá trần cho khí đốt thì khi đó sẽ phát sinh tình huống là khí đốt không được cung cấp cho chúng ta, mà gửi sang châu Á chẳng hạn. Như thế khí đốt sẽ không còn được cung cấp cho châu Âu. Đó sẽ là vấn đề hóc búa. Cần tiếp cận vấn đề này một cách khôn ngoan", ông Rutte nhấn mạnh.

Phát biểu tại một sự kiện hồi cuối tháng 9, ông Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự đoán rằng thị trường khí đốt nói chung và khí hoá lỏng (LNG) nói riêng vào năm 2023 có thể thắt chặt hơn năm nay do nhu cầu có thể tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác của châu Á.

Cảnh báo của ông Birol được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cung cấp năng lượng lớn vào mùa đông này, với việc dòng khí đốt của Nga đã không còn chảy tới châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream). Điều đó khiến giá khí đốt tự nhiên vốn đã cao lại còn tăng cao hơn nữa, gây căng thẳng lớn cho thị trường châu Âu và toàn cầu

Nga cung cấp khoảng 40% tổng lượng khí đốt tiêu thụ cho EU vào năm 2021. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất lợi thời gian gần  đây, khối này đã quyết định sẽ ngừng phụ thuộc vào khí đốt của Nga sớm nhất có thể. EU cũng đã giảm khối lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga từ mức 41% xuống 9%, dù có nước tình nguyện và có nước miễn cưỡng thực hiện chính sách này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phần lớn các quốc gia châu Âu sẽ phải đối mặt với mùa đông 2022 và có thể các mùa đông tiếp theo nữa, rất lạnh giá vì không có bất kỳ đường ống khí đốt nào từ Nga.

Trước đó, đề cập tới khả năng phương Tây áp giá trần với năng lượng Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng: “Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì, khí đốt, dầu mỏ, than đá hay dầu sưởi ấm nếu nó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi”.

Chủ tịch Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin cũng cảnh báo rằng kế hoạch áp dụng giá trần với dầu và khí đốt của Nga của các nước phương Tây sẽ thất bại và mức giá trần có thể thành giá sàn.

Xem thêm >> Mua khí đốt Nga, Hungary được hoãn thanh toán 3 năm

Lượt xem: 66
Tác giả: Thanh Tú
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật