Gói hỗ trợ lãi suất: Ngân hàng và doanh nghiệp cùng... 'ngóng' cơ chế

Làm sao để gói hỗ trợ lãi suất sớm đi vào cuộc sống, đến đúng và trúng đối tượng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã và cũng là trăn trở của các ngân hàng, chuyên gia kinh tế...

Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023, trong đó có gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp có khả năng trả nợ, phục hồi.

“Tiếp sức” phục hồi cho doanh nghiệp

Theo ước tính của các chuyên gia, với gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, tổng tín dụng ưu đãi bơm ra nền kinh tế trong 2 năm có thể lên tới 2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 20% tổng

Trong năm nay, dự kiến có khoảng 1 triệu tỷ đồng nguồn vốn giá rẻ được đưa vào nền kinh tế. Khoản tiền này được ví như "cỗ máy" tiếp sức để doanh nghiệp phục hồi.

ho-tro-lai-suat-7157-1642693559.jpg

Nguồn lực cho gói hỗ trợ lãi suất đã sẵn sàng, song việc giải ngân còn chờ hướng dẫn cụ thể.

Ngay khi nền kinh tế mở cửa, các đơn hàng của công ty TNHH xuất khẩu Sving tăng mạnh, doanh nghiệp lên kế hoạch mở rộng nhà máy để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ước tính, chỉ cần giảm 1% lãi suất cho vay, với dư nợ hiện tại, doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí cả tỷ đồng mỗi năm.

Ông Đặng Thanh Phong, Giám đốc Sving cho hay: "Nếu gói hỗ trợ này duy trì được mức lãi suất như vậy trong vòng 1 - 2 năm tới sẽ là động lực giúp cho doanh nghiệp tự tin, nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới để sản xuất, tạo ra sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu".

Giảm lãi vay là trực tiếp giảm gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng mong muốn gói hỗ trợ sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện được giảm. Chính sách phải sớm đến được tay doanh nghiệp mới giúp họ không bỏ lỡ thời điểm khôi phục sản xuất sau dịch bệnh.

Ông Hồ Văn Tín, Giám đốc công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Nha Trang bày tỏ mong muốn cần nhất lúc này là được tiếp cận tài chính dễ dàng theo hình thức tín chấp để có nguồn tiền tái đầu tư. "Tôi hy vọng các ngân hàng sẽ giải ngân sớm, bỏ bớt các thủ tục, không cần ngoại giao hay quan hệ mà chúng tôi vẫn dễ dàng tiếp cận được gói hỗ trợ này của Chính phủ", ông nói.

Mới đây, phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "Về gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chính phủ sẽ có nghị quyết để triển khai gói cho vay hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo thông tư hướng dẫn", ông Tú nói.

Cần có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp siêu nhỏ và Hợp tác xã

Mặc dù chưa có thông tin về điều kiện, đối tượng cho vay hỗ trợ lãi suất, song Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ không hạ chuẩn tín dụng, đồng thời Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận xét: “Ngân hàng Nhà nước giữ quan điểm không hạ điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát cung tín dụng hàng năm, bao gồm cả gói hỗ trợ lãi suất. Tôi cho rằng, đây là giải pháp rất đúng đắn, bởi việc này vừa tránh nợ xấu, vừa kiểm soát được lạm phát”.

Các chuyên gia cũng nhận định, gói hỗ trợ lãi suất có độ phủ rất rộng nhưng để tiếp cận được, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, Hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể cần nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ phía ngân hàng. Bởi, trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, nhóm đối tượng này khó có thể đáp ứng các điều kiện kiểm soát khi thụ hưởng như: Phải có tài sản bảo đảm thế chấp, phải sạch nợ…

Như vậy, để nhóm đối tượng này không bị loại ra khỏi vòng thụ hưởng, các cơ quan quản lý phải có chương trình kiểm soát thực thi chính sách hỗ trợ hay dòng tiền cho vay hoàn toàn khác so với những chương trình trước đây.

Đưa ra giải pháp để các đối tượng trên dễ dàng tiếp cận gói vay, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, nên tái cấu trúc lại hệ thống quỹ tín dụng, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường thêm nhân sự, nguồn vốn để chúng ta mở rộng thực thi vai trò, chức năng bảo lãnh cho doanh nghiệp và khi chúng ta có được sự bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa thì ngân hàng thương mại mới mạnh dạn để cung cấp tín dụng này.

Ngoài ra, để gói hỗ trợ hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần tính toán sức hấp thụ đến đâu, tránh việc tiền chảy vào lĩnh vực đầu cơ hay lợi dụng chính sách.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế - Tài chính với chủ đề “Phát triển bền vững, thích ứng tương lai” mới đây, GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng sẽ tác động đến hơn 20 triệu tỷ đồng tiền vốn của doanh nghiệp.

“Nếu không cẩn thận thì số 20 triệu tỷ đồng này chỉ dồn vào một nhóm những “ông lớn” nào đó, trong khi đó những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể không tiếp cận được (dù số vốn không nhiều) nên không thể phát triển được”, ông Cường lưu ý.

Lượt xem: 225
Tác giả: “Tiếp sức” phục hồi cho doanh nghiệp
Tin liên quan