Dịch vụ làm đẹp thất thu vì dịch bệnh

Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Thông thường, đây sẽ là “mùa bội thu” của các cơ sở làm đẹp. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến khách hàng e ngại đến trực tiếp các điểm làm đẹp.

Với tâm lý cả năm mới có một dịp Tết nên thông thường vào những ngày cuối năm, nhu cầu làm đẹp (làm tóc, nail, spa…) của người dân thường tăng cao. Nhưng năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng khách hàng đi làm đẹp giảm đáng kể.

Lượng khách giảm 50%

Chị Nguyễn Thị Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết mọi năm khi gần đến Tết, chị đều thu xếp công việc để đi làm tóc, nail với mong muốn “tút” lại nhan sắc. Nhưng năm nay, dù có thể sắp xếp thời gian nhưng chị vẫn quyết định không làm các dịch vụ này để bảo đảm phòng chống dịch, an toàn cho sức khỏe.

“Biết là không làm tóc, làm nail thì sẽ không được "lung linh" trong dịp Tết nhưng năm nay sức khỏe bản thân và gia đình vẫn được đặt lên hàng đầu”, chị Huyền chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Uyên, chủ một hiệu tóc ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) kể, những năm trước từ Tết dương lịch trở đi là cửa hàng lúc nào cũng nhộn nhịp khách. Thế nhưng năm nay lại khác, đến hiện nay cũng đã có khách đến làm tóc nhưng số lượng chỉ chiếm khoảng 30-50% so với những năm chưa có dịch bệnh xảy ra. Nguyên nhân là do tâm lý sợ lây nhiễm dịch bệnh của khách hàng và một phần chị thực hiện xếp lịch để tránh tụ tập đông người.

1994-hair-salon-min-1-8843-1642674042.jp

Nhiều tiệm tóc ít khách vì người dân e ngại đi làm đẹp trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thực chất, nhu cầu làm đẹp của người dân trong những năm gần đây đã tăng cao do đời sống được nâng lên. Theo thống kê sơ bộ tại Việt Nam, 7,5% người được hỏi muốn thay đổi làn da của mình, 64% người cảm thấy không hài lòng với các đặc điểm trên khuôn mặt... Đây là một trong nguyên nhân khiến các dịch vụ làm đẹp này càng phát triển.

Cùng với đó là việc cắt giảm thuế đối với các mặt hàng liên quan đến ngành làm đẹp theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, nên Việt Nam luôn được đánh giá là mảnh đất màu mỡ để phát triển các dịch vụ làm đẹp. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có thêm khoảng 2.000 đơn vị kinh doanh spa, thẩm mỹ viện, cửa hàng làm và chăm sóc tóc mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu làm đẹp, từ đó mang lại việc làm và thu nhập cho nhiều người, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 20-35.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các spa, cửa hàng chăm sóc sắc đẹp. Vì được xếp loại vào nhóm các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao nên ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, lây lan trên diện rộng, nhiều tỉnh, thành đã từng yêu cầu các thẩm mỹ viện, spa, cửa hàng làm tóc… phải đóng cửa ngừng hoạt động.

Chẳng hạn như tại TP HCM, chỉ đến thời điểm gần đây khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thành phố từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế thì các dịch vụ làm đẹp mới được hoạt động trở lại. Còn tại Hà Nội cũng đang thực hiện phát triển sản xuất kinh doanh linh hoạt, tùy vào tình hình dịch bệnh nhưng do dịch diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng đến tâm lý làm đẹp của không ít người.

Nhiều người xác định năm nay sẽ đón Tết cùng gia đình tại nhà thay vì đi du lịch hay du xuân. Một phần nữa cũng do kinh tế bị ảnh hưởng nên việc chi tiêu cũng được người dân cân nhắc, trong đó nhiều người không sẵn sàng chi cho dịch vụ làm đẹp. Điều này khiến không ít các cửa hàng làm tóc, nail, spa ế ẩm hoặc thưa khách.

Theo chia sẻ của các chủ tiệm tóc, với chi phí dịch vụ từ 500.000 – 1,5 triệu đồng và với lượng khách lấp đầy từ 8h đến 12h đêm, một tiệm tóc trung bình có thể thu về 20-30 triệu đồng/ngày, tiệm lớn và có mặt bằng đẹp có thể thu về 50-100 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, lượng khách giảm 40-50% nên thu nhập của các cửa hàng này cũng giảm theo. Nhiều cơ sở nhỏ, chưa có tệp khách hàng lâu năm càng khó trụ vững, thậm chí phải đóng tiệm trước dịp Tết do không đủ khả năng để duy trì.

Thích nghi trong tình hình dịch bệnh

Lý do chính cho bức tranh ảm đạm này là tâm lý sợ lây lan dịch bệnh Covid-19 của người dân. Để khắc phục, nhiều cơ sở làm đẹp đã thay đổi mô hình kinh doanh để phù hợp với nhu cầu làm đẹp cũng như bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng chống dịch.

Thay vì đóng cửa hoàn toàn, nhiều chủ cửa hàng đã lựa chọn mở dịch vụ đến tận nhà khách hàng kết hợp với quảng cáo trên mạng xã hội. Hình thức này giúp chủ tiệm nail, spa, làm tóc… chủ động trong vấn đề thời gian cũng như kiểm soát được lượng khách hàng. Trong khoảng thời gian không có các lịch hẹn, các chủ cửa hàng cũng có thể làm được các công việc khác nhau để kiếm thêm thu nhập.

Anh Trần Văn Cường, chủ một tiệm cắt tóc trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) cho biết anh bắt đầu dịch vụ cắt tóc tại nhà cho khách khoảng 4 tháng nay nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. “Ban đầu, chỉ người quen làm nhưng thấy nhu cầu lớn, tôi thực hiện quảng cáo trên Facebook, Zalo và thực hiện đặt lịch để bảo đảm chất lượng. Thông thường cắt tóc là 50-70 nghìn đồng, còn các dịch vụ sử dụng hóa chất sẽ được tính theo từng đối tượng”, anh Cường thông tin.

anh-dung-cat-toc-7431-1642674043.jpg

Dịch vụ cắt tóc tại nhà được nhiều người lựa chọn.

Chị Nguyễn Thị Thùy (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết chị chuyển sang làm nail tại nhà và thấy khá phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. “Giá một bộ nail dao động từ 100.000 - 350.000 đồng tùy theo mẫu mà khách lựa chọn. Về cơ bản, giá các dịch vụ không có nhiều biến động trước và sau Tết”, chị Thùy nói.

Dịch vụ làm đẹp tại nhà trước nay không hiếm, nhưng trong tình hình dịch bệnh hiện nay được ưa chuộng hơn bao giờ hết bởi tính tiện dụng và việc có thể hạn chế tiếp xúc.

Tuy nhiên, việc đến nhà để thực hiện các dịch vụ làm đẹp cho khách cũng có điểm bất tiện như chỉ làm được những dịch vụ cơ bản, còn những dịch vụ chuyên sâu yêu cầu nhiều máy móc chuyên dụng cồng kềnh thì không thể. Bên cạnh đó, các chung cư có quy định khá chặt chẽ đối với người lạ về phòng chống dịch nhưng theo các chủ tiệm, thủ tục có phần rườm rà khi nhận khách ở các chung cư lại giúp họ an tâm hơn.

Dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng việc lựa chọn đi phục vụ khách hàng tại nhà và đẩy mạnh quảng cáo trên mạng xã hội cũng là cách giúp các chủ cửa hàng, thợ cắt tóc hay làm móng có thêm thu nhập để ổn định đời sống trong mùa dịch.

Lượt xem: 269
Tác giả: Lượng khách giảm 50%
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan