Dạy thêm, học thêm: Ranh giới đạo đức và kinh tế?
Có nên cấm dạy thêm với cấp Tiểu học? Có nên cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình? Dự thảo chưa phân định được dạy thêm bên trong và bên ngoài nhà trường… đó là ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý và phụ huynh khi bàn về Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT.
Không được ép buộc học sinh học thêm
Quy định giáo viên được dạy thêm nhưng không ép buộc học sinh học thêm đang khiến dư luận băn khoăn, bởi người ngoài rất khó để nhận định được hành vi này.
Tại Dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT quy định, việc dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT quy định, việc dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện học thêm |
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định, nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam...
Đặc biệt, giáo viên không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh…
Về dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh...
Với việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, giáo viên đang làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục thường xuyên công lập tham gia phải báo cáo Hiệu trưởng. Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi Hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm…
Theo anh Phạm Hải Lương (quận Cầu Giấy) có 2 con học lớp 12 và lớp 7: Học thêm với những lớp cuối cấp thực sự cần thiết để đáp ứng các kỳ thi hiện nay. Lấy ví dụ kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội mà con tôi vừa trải qua 2 năm trước, cháu sẽ không thể đỗ nếu không đi học thêm 3 môn Toán, Văn, Anh. Năm nay con tôi vào lớp 12, đối diện với nhiều kỳ thi để xét tuyển vào đại học. Để chuẩn bị, gia đình đã cho cháu học thêm Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh từ lớp 10. Các cô dạy trên lớp vẫn đảm bảo chương trình sách giáo khoa nhưng để con hiểu kỹ hơn, sâu hơn thì trên lớp không đủ thời gian. |
Có nên cấm dạy thêm với cấp tiểu học?
Theo Nhà giáo ưu tú, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ưu điểm của Dự thảo này là nói rõ quan điểm về dạy thêm, học thêm, quyền giáo viên được dạy thêm, tạo cho họ sự yên tâm để tham gia.
Các chuyên gia cho rằng, nên dạy học sinh năng lực giải quyết vấn đề, tư duy |
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, Dự thảo này vẫn chưa rõ mấy điểm như: Giải thích làm sao cho phụ huynh, học sinh, giáo viên và nhà trường thấy được, tác hại của việc dạy thêm vô tổ chức; dạy thêm vì những lý do không chính đáng; có biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.
“Quan niệm giáo dục của chúng ta đang lạc hậu, học vì điểm, học vì thi. Trong khi chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã chỉ rõ, học để phát triển năng lực, phẩm chất cho người học là chính chứ không phải nồi nhét kiến thức. Như vậy bây giờ học thêm cái gì, không phải chúng ta cấm học thêm nhưng học gì, học như thế nào là bài toán phải giải, những chỗ nào cần cấm thì chúng ta phải cấm.
Quan điểm của tôi là học sinh tiểu học, tuyệt đối không được dạy thêm trong và ngoài trường. Phụ huynh cũng không nên cho con học thêm tràn lan như hiện nay, bởi vì đi học thêm, người ta chỉ dạy kiến thức, kỹ năng giải bài toán thì không có ý nghĩa gì cả. Nên giáo dục học sinh năng lực giải quyết vấn đề, tư duy chứ không phải xem đề thi người ta ra như thế nào để dạy học sinh.
Dự thảo cần đưa ra những giải pháp dứt điểm về dạy thêm, học thêm và những loại hình nào nên cấm tuyệt đối, ví dụ như học thêm văn hoá thì cấp tiểu học và THCS nên cấm. Còn học sinh yếu kém, trách nhiệm thuộc về nhà trường, giáo viên phải có phương pháp để giúp các em.”, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến.
Có thể nói, Dự thảo này vẫn tiếp nối Thông tư 17 (2018). Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, Dự thảo mới quy định, giáo viên chỉ có mỗi điều kiện là “dựa vào lương tâm” để không ép học sinh nhưng tiêu chí nào để phân định giữa ép và tự nguyện?.
Khó để phân định được như thế nào là ép buộc học sinh đi học thêm |
“Con chung, con riêng” trong lớp học
Có chuyên gia nêu ý kiến: “Không được cắt xén chương trình, không được ép buộc học sinh nhưng tiêu chuẩn nào nhận biết được là không ép buộc thì rất khó nhận biết, vì vậy Dự thảo này rất cảm tính.
Bây giờ giáo viên chỉ cần tỏ thái độ không hài lòng khi có 3/4 số học sinh trong lớp đi học thêm cô, còn 1/4 không đi học, có thể cô cứ mang câu chuyện ở lớp học thêm ra lớp học chính, cô kể hôm nay tổ chức sinh nhật cho bạn này ở lớp học thêm nhưng các bạn không học thêm thì không được tổ chức sinh nhật… Như thế, học sinh không đi học thêm lúc nào cũng bị tâm trạng căng thẳng, lo lắng, trong khi cô vẫn nói “tôi có làm gì đâu”…
Vì thế, nếu không phân định rõ tiêu chí thì sẽ có tình trạng “con chung, con riêng” trong lớp học chính”. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ, nếu không có sự thay đổi và phân định rõ ràng thì Dự thảo này nếu ban hành cũng chỉ là “bình mới rượu cũ” và hợp thức hoá việc dạy thêm, học thêm, không kiểm soát được hành vi đúng đắn trong vấn đề này.
Một nhà quản lý giáo dục cấp quận tại Hà Nội đề xuất giải pháp, về cơ bản, ngoài việc vẫn đề cao thái độ, sự tự giác của giáo viên, vai trò quản lý, giám sát của Ban Giám hiệu, Phòng, Sở GD&ĐT và dư luận thì vẫn cần đưa vào Thông tư điều khoản: giáo viên không được dạy học sinh của mình trừ gia sư, phụ đạo miễn phí. Bởi không chỉ giáo viên mới hiểu học sinh mình dạy mà phụ huynh cho con đi học, thầy, cô đi dạy thêm, họ sẽ biết con cần cái gì để bù đắp. Còn làm thế nào để giám sát giáo viên thì qua việc học sinh có quyền phản ánh, đoàn kiểm tra, đồng thời qua chính sự tự giác của giáo viên.
Có 3 con đã từng qua cấp tiểu học, chị Nguyễn Thị Cúc (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng: Không nhất thiết phải cho con học thêm, nếu gia đình không có định hướng cho con thi vào các trường chuyên, trường chất lượng cao. Tôi không cho con học thêm trong suốt những năm học tiểu học. Con vẫn đáp ứng được các yêu cầu của chương trình học và học tốt khi lên THCS. |