Cuộc đua 0 đồng của phí giao dịch ngân hàng

Sự "nhập cuộc" của 4 ngân hàng có vốn nhà nước sẽ khiến cuộc đua miễn phí dịch vụ ngân hàng trở nên sôi động hơn. Dự báo trong năm nay sẽ không còn nhà băng nào thu phí dịch vụ, đồng thời cuộc chơi huy động tiền gửi không kỳ hạn càng thêm sôi động.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, nhiều ngân hàng vào cuộc với chính sách "zero fee" là đóng góp văn minh mang lại lợi ích cho khách hàng, phù hợp với xu thế chuyển đổi số, và cũng giúp tiết giảm được chi phí in ấn lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế.

Đồng loạt miễn phí dịch vụ

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chị Đỗ Quyên (34 tuổi, Hà Nội) đã chuyển hẳn sang thanh toán online, mỗi tháng tốn vài trăm nghìn đồng trả phí dịch vụ ngân hàng.

“Do cơ quan trả lương qua tài khoản của VietinBank, nên tôi đăng ký luôn dịch vụ ngân hàng số VietinBank iPay. Trong năm 2021, nhà băng này tính phí chuyển tiền nhanh 24/7 theo mỗi lần giao dịch và hạn mức chuyển. Trong đó, mức phí phổ biến mà tôi phải trả cho các giao dịch chuyển tiền đi là 7.700 đồng (đã bao gồm VAT). Vì vậy, mỗi tháng tôi vẫn mất cả trăm nghìn đồng phí chuyển tiền mua hàng, thanh toán các dịch vụ”, chị Quyên cho biết.

Vietinbank-2287-1641202867.jpg

Từ ngày 1/1/2022, VietinBank miễn phí giao dịch trên ngân hàng số.

Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất, từ năm 2022, toàn bộ khách hàng cá nhân của VietinBank sẽ không còn mất bất kỳ khoản phí chuyển tiền nào khi giao dịch qua kênh Internet Banking, Mobile Banking của VietinBank. “Như vậy, mỗi tháng tôi sẽ tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng. Trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng như hiện nay, vài trăm nghìn cũng là đáng quý”, chị Quyên tâm sự.

Không chỉ VietinBank, trong những ngày đầu năm 2022, hàng triệu khách hàng của 2 “ông lớn” Vietcombank, BIDV cũng bất ngờ cùng lúc nhận được thông báo về chương trình không thu phí khách hàng giao dịch trên tất các ứng dụng số như: phí chuyển khoản, phí duy trì tài khoản, phí duy trì dịch vụ, biến động số dư hay phí phát hành thẻ, kể từ ngày 1/1/2022.

Trước đó, vào giữa tháng 5/2021, Agribank đã thực hiện miễn phí chuyển tiền trực tuyến và một số loại phí khác cho tất cả khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số của Agribank.

Thực tế, xu hướng miễn phí giao dịch ngân hàng đã có từ nhiều năm trước. Hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ như: VIB, MB, TPBank, VPBank, VietCapitalBank, MSB, HDBank... đã thực hiện miễn phí dịch vụ nhằm khuyến khích khách hàng mở tài khoản giao dịch và thúc đẩy các kênh thanh toán online. 

"Việc các nhà băng đua nhau miễn phí giao dịch là động thái tốt với cả ngân hàng và khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.

Trong đó, việc miễn phí sẽ giúp ngân hàng thu hút thêm khách hàng và tăng tỷ lệ vốn giá rẻ từ CASA. Với mức lãi suất rất thấp chỉ 0,1-0,2%/năm, tỷ lệ CASA đang trở thành chỉ tiêu quan trọng của mỗi ngân hàng".

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

Tuy nhiên, sự nhập cuộc của nhóm các ông lớn quốc doanh chiếm thị phần lớn nhất thị trường, theo đánh giá của giới ngân hàng, có thể khơi mào cho cuộc chiến "zero fee" với mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn. Trong cuộc đua này, người dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho rằng, với động thái mạnh từ nhóm quốc doanh, các ngân hàng khác cũng sẽ thay đổi chứ không thể duy trì chính sách cũ.

Ngân hàng hướng đến mục tiêu lớn 

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, việc không thu phí sẽ giúp người dùng được hưởng lợi, song ngân hàng cũng thu hút được nhiều khách hàng mới, đây là yếu tố rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh của ngân hàng. Theo đó, có được tệp khách hàng lớn sẽ giúp ngân hàng đẩy mạnh bán chéo sản phẩm như bảo hiểm, trái phiếu, dịch vụ ngân hàng khác…

Bên cạnh đó, ngân hàng trả lãi cho số dư nằm trong tài khoản thanh toán là rất thấp, có khi quanh mức 0,1-0,2%/năm giúp giảm chi phí vốn đáng kể, nhờ đó giúp ngân hàng tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi (CASA). Trong bối cảnh hiện nay, tỷ lệ CASA càng cao sẽ càng giúp ngân hàng giảm chi phí hoạt động, tăng lợi thế cạnh tranh, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân tại Hà Nội cho biết, việc có thêm tệp khách hàng có thể giúp ngân hàng gia tăng hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận thay vì mức vài trăm tỷ đồng nếu chỉ trông vào phí giao dịch.

Còn lãnh đạo Vietcombank cho rằng, việc ngừng thu phí chuyển tiền online là một trong những chính sách nhằm đẩy mạnh kênh ngân hàng số và lượng tiền gửi không kỳ hạn, nhằm giúp hạ chi phí vốn.

Theo thông tin từ MB, trên nền tảng phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tỷ lệ CASA tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, quy mô CASA tăng thêm 34.557 tỷ đồng, nâng tỷ lệ CASA lên 37,1% - tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2020.

CASA tăng là một trong những yếu tố quan trọng giúp MB tiết kiệm chi phí huy động vốn, cải thiện hiệu quả hoạt động tín dụng, góp phần vào con số lợi nhuận hơn 11.884 tỷ đồng đạt được trong 9 tháng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, cho dù ngân hàng thực hiện nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Hay như tại ACB, đà tăng trưởng tiền gửi tuy đã chững lại đáng kể trong 9 tháng, chỉ đạt 3,6% so với đầu năm, nhưng điểm tích cực là tỷ lệ CASA đã tăng từ mức 19,5% hồi đầu năm lên mức 23,2% tính đến cuối tháng 9/2021. Nhờ đó, biên lãi ròng (NIM) của ACB trong 3 quý đầu năm 2021 đạt 4,1% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Huyền Anh

Lượt xem: 362
Tác giả: Đồng loạt miễn phí dịch vụ
Tin liên quan