Cùng 'ông Vinh bền vững' bàn chuyện phát triển bền vững
Để trụ vững và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, buộc các doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm và cả quy trình sản xuất "xanh" của mình. Đặc biệt, khi đã được coi là một miếng ghép trong bức tranh phát triển bền vững (PTBV) của thế giới, các doanh nghiệp Việt buộc phải đáp ứng được tiêu chuẩn mà thế giới đặt ra cho câu chuyện này.
1. Một ngày cuối năm, tôi có dịp ngồi trò chuyện cùng ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam. Ông Vinh vẫn thường được cánh báo chí chúng tôi gọi với biệt danh là "ông Vinh bền vững", bởi gần 30 năm làm việc ở VCCI thì có đến 20 năm ông gắn liền với công tác phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam. |
Khi tôi đặt vấn đề về phát triển bền vững trong các doanh nghiệp Việt Nam, dường như chạm đúng “mạch”, ông Vinh bền vững kể rất say sưa. Ông bảo: Khoảng 20 năm về trước ở Việt Nam, khi mà người ta còn đang mải miết tìm tòi định hình cách thức sản xuất, kinh doanh, hội nhập, dường như chả mấy ai quan tâm tới câu chuyện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) hay phát triển bền vững, họ chỉ quan tâm đến chuyện làm thế nào để có đơn hàng, có tiền để trả lương cho công nhân…
Ông Vinh bảo, ở vào thời điểm đó có lẽ cũng không trách được họ, là bởi khi đó khái niệm PTBV vẫn còn xa lạ và người ta chỉ chú trọng đến các vấn đề môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường… Nhưng từ khoảng chục năm trở lại đây, PTBV được nhìn nhận là phát triển bao trùm, trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống từ kinh tế, xã hội, môi trường.
Đặc biệt năm 2015, khi 193 nguyên thủ thế giới trong đó có Việt Nam thông qua Chương trình nghị sự 2030, với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm không để ai bị bỏ lại phía sau, phát triển bền vững đã trở thành nền tảng cốt lõi trong các hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt là những doanh nghiệp thức thời, muốn đi xa bằng kinh doanh nhân văn và vì xã hội.
17 mục tiêu phát triển bền vững cho thế giới giai đoạn 2015-2030. |
2. Tại Hội nghị về môi trường hồi tháng 8/2022, Nestlé Việt Nam đã giới thiệu 2 sáng kiến trong nhóm 4 hoạt động trọng tâm nhằm hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của tập đoàn cũng như của Nestlé Việt Nam, gồm mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê và việc tiên phong thay thế 100% ống hút nhựa bằng ống hút giấy đối với các sản phẩm uống liền có sử dụng ống hút.
Riêng với mô hình sản xuất cà phê tuần hoàn, Nestlé góp phần giảm thiểu phát thải trung bình 12.679 tấn CO2/năm và sử dụng 100% năng lượng sinh khối từ bã cà phê thay thế cho 74.4% nguồn nhiêu liệu từ dầu DO làm chất đốt để vận hành lò hơi. Bên cạnh đó, với sáng kiến sử dụng bao bì bền vững, riêng việc chuyển đổi 100% ống hút nhựa sang ống hút giấy có chứng chỉ FSC đã giúp giảm khoảng 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm.
Mô hình kinh tế tuần hoàn trong SX cà phê của Nestle Việt Nam. |
Nhằm tạo thói quen tiêu dùng có trách nhiệm, đặc biệt là trong giới trẻ, Nestlé còn tích cực hợp tác với các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện chiến dịch "Nói không với ống hút nhựa", giúp kêu gọi hàng triệu người Việt Nam chung tay hành động vì một sân chơi Việt Nam xanh.
Một ví dụ khác được nhiều người nhắc đến gần đây và ví như là một điển hình của kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp Việt Nam là tại các trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp của TH, thay vì thải bỏ, các tài nguyên được "tuần hoàn" để tiếp tục tạo ra các giá trị mới.
Quy trình khép kín, tuần hoàn từ khâu cung cấp nước sạch và thức ăn đầu vào tới xử lý chất thải đầu ra đã được áp dụng tại Trang trại TH nhiều năm qua. Mỗi cụm trang trại có một nhà máy sản xuất nước uống cho bò với công suất xử lý 3.000-5.000 m3/ngày. Tổng công suất 3 nhà máy là 11.000 m3/ngày, sử dụng công nghệ của Amiad-Israel.
Nhất quán mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cho tất cả các đơn vị thành viên, TH đẩy mạnh các sáng kiến bảo vệ môi trường và đạt được nhiều thành quả xanh ở các lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên đất, xử lý chất thải và nước thải, các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa…
3. Vấn đề phát triển bền vững được đưa vào chiến lược kinh doanh như của 2 doanh nghiệp trên hiện nay không còn là "của hiếm" như thời gian trước, nhưng rõ ràng phần lớn mới chỉ được thực hiện ở những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đa quốc gia… Vẫn còn đó các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, các HTX dường như vẫn còn thờ ơ, xa vời.
Nói đến vai trò của doanh nghiệp, HTX và phát triển bền vững có thể hình dung đó là mối quan hệ hữu cơ với nhau. Để phát triển bền vững, không thể thiếu tiếng nói, hành động, sự chung tay của doanh nghiệp, HTX. Ngược lại, doanh nghiệp, HTX cũng sẽ thu được những lợi ích chưa từng có khi coi phát triển bền vững là “máu” là “thịt” của mình thay vì chỉ là vấn đề chung chung.
Theo một báo cáo của Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững thế giới, khi hoàn thành các Mục tiêu toàn cầu sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 12 nghìn tỷ đô, và hơn 380 triệu việc làm mới vào năm 2030. Hay triển khai các mô hình kinh doanh mới theo định hướng kinh tế tuần hoàn – một nền kinh tế phi phát thải sẽ tạo ra cho doanh nghiệp cơ hội kinh doanh lên đến 4,5 nghìn tỷ USD.
4. Kể lan man những câu chuyện trên để thấy rằng, PTBV giờ đây không còn là khẩu hiệu mà nó là những cơ hội thực sự thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp, HTX. Và có lẽ, chưa bao giờ PTBV lại được quan tâm và được nhắc nhiều như hiện nay. Cụ thể hơn, ở thời kỳ CMCN 4.0 này, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đã thay đổi khi kinh doanh theo kiểu truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu. Vai trò đó giờ đây không chỉ là động lực phát triển kinh tế, doanh nghiệp cũng không chỉ được đánh giá qua những con số của doanh thu hay lợi nhuận mà còn ở việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường như thế nào, thực hiện trách nhiệm xã hội, tạo công ăn việc làm, sinh kế bền vững ra sao?
"Có thể dùng hình tượng kiềng ba chân để nói về việc một DN chỉ có thể phát triển bền vững khi làm tốt cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường".
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI
Giờ đây, khi hai chữ "bền vững" trở nên thời thượng để nói về sự phát triển của doanh nghiệp và lớn hơn là nền kinh tế, thì ông Vinh lại có nỗi lo, làm sao để bền vững đi vào thực chất thay vì lớp vỏ chữ nghĩa làm sang bên ngoài. Bởi, ông nhấn mạnh, hiện nay vai trò của DN, doanh nhân đã thay đổi, DN không chỉ được đánh giá qua việc doanh thu, lợi nhuận hàng năm được bao nhiêu... Giờ đây, có những thang chuẩn khác mà DN không thể bỏ qua.
Tôi hiểu, "thang chuẩn" mà ông Vinh nhắc tới chính là những cam kết quốc tế của Việt Nam về PTBV, cũng như việc VCCI triển khai bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI). Sau 6 năm triển khai CSI, việc thực hiện PTBV trong DN đã có những chuyển biến rõ nét. CSI giống như một công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững, giúp doanh nghiệp có thể tự đánh giá, tự soi “sức khỏe” trên các khía cạnh kinh tế - xã hội – môi trường.
“Có thể dùng hình tượng kiềng ba chân để nói về việc một DN chỉ có thể phát triển bền vững khi làm tốt cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Nói sức ép cũng đúng, nhưng tôi nhìn nhận, đó là những điều kiện tiên quyết để phát triển. Nếu anh muốn mạnh, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì anh phải đầu tư cho PTBV, còn không thì buộc lòng anh phải bị đào thải”, ông Vinh nói.
Những "cảnh báo" của ông Vinh cho thấy rằng, có lẽ đã không thể chậm trễ hơn được nữa, đã đến lúc các doanh nghiệp, HTX cần góp thêm những dấu ấn đậm nét hơn của chính mình trong bức tranh PTBV. Việc làm thế nào để đưa 17 mục tiêu PTBV vào cuộc sống và lựa chọn đưa các mục tiêu phù hợp vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, HTX đang trở thành vấn đề cấp thiết, thậm chí là "sống - còn" trong bối cảnh hiện nay.
Đức Anh