Cơ quan thuế đã truy vết được hơn 53.000 cá nhân bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này đã nắm thông tin của hơn 53.000 cá nhân và 14.800 tổ chức bán hàng trên Shopee, Lazada, Sendo... để có cơ sở thu thuế.

Cụ thể, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 6/2/2023, đã có 258 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin trên Cổng thông tin thương mại điện tử (TMĐT), với thông tin chi tiết về 14.883 tổ chức và 53.212 cá nhân đăng ký bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT.

Về nội dung các sàn cần phải cung cấp thông tin, theo Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa hộ cá nhân (Tổng cục Thuế), chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng hạn các thông tin chung của thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, bao gồm: Tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc.

-2203-1676263820.jpg

258 sàn thương mại điện tử đã cung cấp thông tin 68.000 người bán hàng cho cơ quan thuế.

Riêng đối với sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến thì ngoài các thông tin chung nêu trên còn phải cung cấp thông tin về doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn thương mại điện tử.

Đối với trường hợp sàn giao dịch TMĐT không lưu giữ đầy đủ các thông tin chung nêu trên, phải thực hiện việc cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, đúng hạn theo đúng thực tế thông tin lưu giữ tại sàn giao dịch thương mại điện tử.

Theo nhận định của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), từ năm 2016, TMĐT Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với nét nổi bật là tốc độ phát triển nhanh và ổn định ở mức 2 con số. Giai đoạn này có thể kéo dài từ năm 2016 tới năm 2025.

Cụ thể, sau khi đạt mức tăng trưởng 16% trong năm 2021 với doanh thu 13,7 tỷ USD, TMĐT Việt Nam vẫn duy trì mức tăng khoảng 15% trong năm 2022.

Còn theo dữ liệu khai thác từ cổng thông tin thương mại điện tử vào cuối 2022 cho thấy, có 14.875 tổ chức trong nước và 8 từ nước ngoài đăng ký bán hàng trên các sàn. Hơn 14,5 triệu lượt giao dịch với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng đã diễn ra thông qua các sàn. Theo đại diện Tổng cục Thuế, giao dịch thực tế vẫn cao hơn nhiều so với thống kê, ngành sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá rủi ro để có giải pháp quản lý thuế hiệu quả hơn.

Theo báo cáo Metric về ngành thương mại điện tử năm 2022, Shopee hiện đang là sàn thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam khi chiếm đến gần 73% tổng doanh số 4 sàn, tương ứng với khoảng 91 nghìn tỷ. Lazada đứng thứ 2, chiếm 20% với doanh thu 26,5 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, Tiktok Shop vừa ra mắt vào cuối tháng 4/2022, nhưng đã vượt cả “ông lớn” Tiki, vươn lên top 3 bảng xếp hạng trong năm 2022 với Total Score đạt 13,56. Cũng theo báo cáo của Metric, mức doanh thu trong 1 tháng của TikTok Shop hiện tại đã tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki.

Để siết chặt quản lý thuế TMĐT, chống thất thu thuế, Tổng cục Thuế cho biết, dự kiến tiếp tục triển khai một cổng thông tin để các sàn TMĐT kê khai, có thể nộp thay các hộ kinh doanh.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế cũng đã triển khai Ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho các cá nhân có thu nhập từ thương mại điện tử có thể chủ động kê khai, nộp thuế.

Việt Nam có khoảng 100 sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, 139 đơn vị sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong số này có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ, 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn thương mại điện tử khoảng 3,5 triệu lượt/ngày.

Thanh Hoa

Lượt xem: 24
Tin liên quan