Cơ hội cho HTX khi gia nhập ngành làm đẹp, chăm sóc sức khỏe

Đầu tư, mở rộng cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, làm đẹp đang là hướng đi của nhiều HTX. Từ đây những cơ hội trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên được mở rộng.

HTX Tâm Ngọc (Sóc Sơn, Hà Nội), ngoài đầu tư trồng và chế biến dược liệu còn phát triển thêm mảng chăm sóc sức khỏe, làm đẹp. Chị Trần Thị Thuần, Giám đốc HTX Tâm Ngọc, cho biết ngành nghề này đang rất phát triển những năm gần đây. Việc đầu tư sang lĩnh vực này còn phù hợp với sức khỏe của nhiều chị em thành viên trong HTX.

Hướng đi phù hợp

“Hầu hết các phương pháp chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của HTX xuất phát từ đông y. Điều này cũng là lợi thế khi HTX tận dụng được các sản phẩm dược liệu sẵn có do thành viên tự sản xuất được ”, Giám đốc HTX Tâm Ngọc chia sẻ.

Cũng đầu tư cho lĩnh vực này, HTX Tâm Vĩnh Phát (TP.HCM) đang phát triển các hệ thống spa mini. Định hướng đến năm 2030, HTX sẽ phát triển khoảng 500 cơ sở spa mini, từ đó tạo việc làm cho 1.000 lao động với mức thu nhập từ 6-15 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ trực tiếp đầu tư vào ngành chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp bằng việc mở các cửa hàng spa, nhiều HTX còn tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú từ nông sản, đầu tư máy móc để chế biến các sản phẩm cung ứng cho ngành hàng này.

Tiêu biểu là HTX nông nghiệp thị xã Việt Yên (Bắc Giang) đã lựa chọn cây gấc để phát triển thành vùng nguyên liệu rộng lớn. HTX cũng đầu tư máy móc chế biến gấc thành các sản phẩm như tinh dầu màng gấc, bột gấc để phục vụ thị trường chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.

-6313-1722502395.jpg

HTX cộng đồng Dao Đỏ (Lào Cai) sản xuất và chế biến nhiều sản phẩm phục vụ ngành chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.

Còn HTX Nông nghiệp thành công xã Cư Elang (Đăk Lăk) lại sản xuất tinh dầu từ cam sành, quýt đường, bưởi da xanh bằng công nghệ hiện đại và quy trình khép kín. Các sản phẩm của HTX đang phục vụ điều trị tóc bạc, trị cảm lạnh, ho, muỗi đốt, ngứa do kiến đốt, xông hơi da mặt… Hay HTX Dược liệu Trường Sơn (Quảng Trị) đã liên kết với các trường, viện để nghiên cứu và đầu tư công nghệ tách chiết enzyme chế biến dầu bơ. Sản phẩm này của HTX được sử dụng làm mỹ phẩm rất hiệu quả.

Có thể thấy, khu vực kinh tế tập thể, HTX đang đầu tư, tham gia từ trực tiếp đến gián tiếp vào ngành làm đẹp, chăm sóc sức khỏe. Điều này để thể hiện sự nhạy bén của mô hình HTX trước sự phát triển không ngừng của thị trường.

Khảo sát của Statista vào tháng 7/2024 đã dự báo đến cuối năm 2024, doanh thu của thị trường làm đẹp tại Việt Nam sẽ đạt 2,66 tỷ USD. Ngoài ra, dân số Việt Nam đang có xu hướng già hóa. Đến năm 2050, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 11,9 triệu lên 29 triệu người, chiếm gần 1/3 tổng dân số. Cùng với đó, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, đời sống người dân được cải thiện đáng kể khiến nhu cầu chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp gia tăng.

Việc các HTX chú trọng vào mảng này chính là hướng đi thích hợp khi tận dụng được những tiềm năng sẵn có về nguồn lao động, nguồn nông lâm sản, dược liệu phong phú đã được chế biến sẵn thành các sản phẩm đạt chuẩn có thể phục vụ trực tiếp cho lĩnh vực làm đẹp. Ngay như HTX cộng đồng Dao đỏ, xã Tả Phìn (Lào Cai) đang sản xuất ra những bộ sản phẩm như thuốc tắm; thuốc ngâm chân. Bộ sản phẩm gội đầu: dầu gội đầu, xà phòng dược liệu. Bộ sản phẩm xoa bóp tinh dầu, cao xoa bóp ngải cứu, rượu xoa bóp xương khớp… đang đáp ứng tốt nhu cầu làm đẹp, chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt, những HTX đầu tư sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị nông sản hàng hóa đã có các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp được đánh giá đảm bảo theo tiêu chí an toàn, bền vững nên rất phù hợp với nhu cầu thị trường.

Khảo sát của Rakuten Insight năm 2023, cho thấy 84% người Việt Nam từ 25- 44 tuổi sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe bền vững. Số liệu này đã chứng minh được hướng đi bài bản, chú trọng những sản phẩm an toàn, sản xuất xanh của các HTX là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn.

Theo các chuyên gia, ngày càng nhiều người Việt Nam quan tâm đến sản phẩm mỹ phẩm, dược liệu được sản xuất từ nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Và đây chính là thế mạnh của khu vực kinh tế tập thể, HTX khi đang đầu tư mạnh vào sản xuất, chế biến các nguyên liệu tự nhiên, hữu cơ thành các sản phẩm an toàn.

Ngoài ra, việc HTX đầu tư trong lĩnh vực này còn đang mở ra cơ hội trong tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Anh Lê Thanh Huệ, Giám đốc HTX dược liệu Trường Sơn, cho biết bơ là cây trồng phổ biến tại nhiều địa phương nhưng khi vào vụ thu hoạch rất nhanh bị hỏng, mất giá làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế người trồng. Việc đầu tư chế biến dầu bơ bằng công nghệ hiện đại đã giải quyết bài toán được mùa mất giá, nâng giá trị cho loại nông sản này. Mỗi lít dầu bơ đang được bán trên thị trường với giá dao động từ 20 triệu đồng.

Vượt thách thức

Dù đang đi đúng hướng nhưng thực tế cho thấy, không ít HTX vẫn gặp những thách thức trong đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.

Hiện, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 đơn vị kinh doanh spa, thẩm mỹ viện được thành lập. Điều này cho thấy, HTX đang tham gia tích cực vào thị trường làm đẹp, chăm sóc sức khỏe nhưng cũng cho thấy tính cạnh tranh rất khốc liệt.

Trong khi theo chị Trần Thị Thuần, việc đào tạo bài bản chỉ được diễn ra với một số thành viên, còn lại người lao động làm việc trong lĩnh vực này chủ yếu mới dừng ở việc học việc đơn thuần. Thực trạng này cũng giảm sức cạnh tranh và phát triển của HTX trên thị trường.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên để chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp ngày càng cao nhưng không ít HTX đang gặp khó khăn trong việc đầu tư chế biến các loại dược liệu nông sản thành các sản phẩm mỹ phẩm cao cấp, có tính chuyên biệt cao. Đa số các HTX hiện mới chỉ sản xuất ra những sản phẩm cơ bản như các loại tinh dầu, cao, dầu gội dược liệu, dược liệu sấy khô, bột đắp mặt từ dược liệu…

Chủ tịch Liên minh HTX Yên Bái, ông Đỗ Nhân Đạo, cho biết cả nước đang có 1.274 HTX sản xuất chế biến hiệu quả từ cây dược liệu. Các loại dược liệu và sản phẩm chế biến từ dược liệu đang phục vụ đắc lực cho ngành chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Tuy nhiên, nhiều thành viên HTX cũng chính là những ông lang, bà mế. họ có kinh nghiệm trồng và chế biến dược liệu nhưng chủ yếu theo phương pháp thủ công, truyền thống nên sản phẩm chưa đa dạng, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cao của ngành nghề này.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam, cho biết các đơn vị sản xuất mỹ phẩm của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 30-40% số lượng sản phẩm mỹ phẩm được công bố trên thị trường nên chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu ở phân khúc làm đẹp, chăm sóc sức khỏe cơ bản.

Có thể thấy, ngành chăm sóc sức khỏe và làm đẹp ở Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho người lao động, HTX ở các tỉnh thành. Cơ hội đối với các tổ hợp tác, HTX cung cấp nguyên liệu, sản phẩm cho ngành này cũng rộng mở.

Tuy nhiên, cơ hội cũng sẽ đi kèm với những thách thức. Do đó, các chuyên gia, cho rằng trong đào tạo nghề cho người lao động, HTX hiện nay nên chú trọng đến đào tạo nghề ở lĩnh vực này. Đi liền với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX ở ngành này tiếp cận máy móc, thiết bị chuyên ngành một cách phù hợp.

Bởi hiện nay, muốn phát triển ngành làm đẹp, chăm sóc sức khỏe theo hướng chuyên nghiệp, các HTX cũng cần phải đầu tư máy móc hiện đại với nguồn vốn đầu tư lớn. Trong khi phần lớn những loại máy móc này vẫn phải nhập khẩu làm gia tăng chi phí cho các HTX.

Huyền Trang

Lượt xem: 3
Tác giả: Hướng đi phù hợp