Châu Âu ‘vã mồ hôi’ vì giá khí đốt tăng đột biến

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu dường như ngày càng thêm tồi tệ khi giá khí đốt tự nhiên tại thị trường này ghi nhận đà tăng mạnh trong những ngày qua và triển vọng sẽ tiếp tục leo thang trước nguy cơ Nga siết nguồn cung.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Sàn trao đổi ngoại tệ quốc tế (ICE) của London, giá khí đốt tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã tăng tới 6,5% lên mức 322 euro/MWh. Con số này cao gấp 12 lần so với cùng thời điểm này năm ngoái khi khí đốt được giao dịch dưới mức 27 euro/MWh.

Giá khí đốt vào đà tăng mạnh ngay sau khi Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo rằng nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) sẽ bị ngừng hoàn toàn từ ngày 31/8-2/9 để bảo trì thiết bị nén khí còn vận hành duy nhất của hệ thống.

Trong khoảng gần 3 tháng trở lại đây, tập đoàn Gazprom đã liên tục siết khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc tới Đức với lý do hạn chế về các vấn đề kỹ thuật trong công tác bảo trì và do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga.

Theo nhà phân tích Susannah Streeter của Hargreaves Lansdown, giá khí đốt dường như duy trì xu hướng đi lên và điều này sẽ càng khiến cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu thêm tồi tệ.

Ông Igor Yushkov, chuyên gia phân tích chính của Quỹ An ninh Năng lượng quốc gia (FNEB), mới đây cảnh báo trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn trong thời gian dài hơn, thiệt hại có thể trở nên rất đáng kể, giá khí đốt vốn đã cao sẽ tăng vọt lên mức khó lường ngay lập tức.

Theo ông, trong quá trình bảo trì, Gazprom có thể phát hiện ra bất kỳ sự cố nào, do đó có thể sẽ quyết định không tiếp tục nối lại việc bơm khí vào thời gian đã định. Điều này có thể khiến người châu Âu lo lắng dẫn đến giá khí đốt tăng vọt.

“Ngay cả khi tất cả các vấn đề về tuabin hiện nay được giải quyết và Dòng chảy phương Bắc hoạt động hết công suất đi chăng nữa, thì vào mùa đông Gazprom vẫn sẽ bán được rất nhiều khí đốt với giá cao”, ông Igor Yushkov nhận định.

Nếu Nga cắt khí đốt hoàn toàn, đây có thể xem là một đòn chí mạng đối với nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của châu Âu. Cú sốc năng lượng đang đẩy nền kinh tế châu lục này tiến gần hơn đến suy thoái nếu không kịp thời đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để duy trì hoạt động của nền kinh tế.

Xem thêm >> Bloomberg: Nga mời gọi châu Á mua dầu giảm giá 30%

Lượt xem: 45
Tác giả: Minh Đăng
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật