Châu Âu chuẩn bị đối mặt với suy thoái

Khu vực đồng euro gần như chắc chắn đang bước vào suy thoái, khi các cuộc khảo sát hồi đầu tuần cho thấy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng sâu sắc khiến người tiêu dùng châu Âu phải thắt chặt và thận trọng trong chi tiêu.

Đến sớm hơn dự đoán

Theo Reuters, trong khi áp lực giá cả đã được nới lỏng, các cuộc khảo sát cho thấy, chúng vẫn ở mức cao và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chịu áp lực khi lạm phát đang tăng hơn 4 lần so với mục tiêu 2%, đạt mức kỷ lục 9,1% vào tháng trước.

Châu Âu phải đối mặt với viễn cảnh tăng lãi suất mạnh mẽ ngay khi nền kinh tế bước vào thời kỳ suy thoái. Chi phí đi vay tăng sẽ gây thêm khó khăn cho người tiêu dùng mắc nợ, tuy nhiên trong một cuộc thăm dò khác của Reuters vào tuần trước, gần một nửa số các nhà kinh tế được hỏi cho biết họ chờ đợi một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản chưa từng có từ ECB trong tuần này, trong khi nhiều dự báo cho là tăng 50 điểm cơ bản.

Bất chấp những kỳ vọng trên, đồng euro đã giảm xuống dưới 0,99 USD lần đầu tiên trong 20 năm vào đầu tuần, sau khi Nga cho biết nguồn cung cấp khí đốt từ đường ống chính của họ tới châu Âu sẽ bị đóng cửa vô thời hạn.

Châu Âu chuẩn bị đối mặt với suy thoái - Ảnh 1

 

 

Giá khí đốt trên lục địa già tăng vọt tới 30% vào hôm 5/9, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt, đồng thời củng cố dự báo về một cuộc suy thoái sắp diễn ra và một mùa đông khắc nghiệt khi các doanh nghiệp và hộ gia đình bị vùi dập bởi giá năng lượng cao ngất trời.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) tổng hợp cuối cùng của S&P Global, vốn được coi là chỉ dẫn cho sức khỏe kinh tế, giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng là 48,9 trong tháng 8 mức 49,9. 

Ông Peter Schaffrik tại Ngân hàng Hoàng gia Canada cho biết: “Các cuộc khảo sát PMI báo hiệu rằng, khu vực đồng euro đang bước vào suy thoái sớm hơn chúng ta nghĩ trước đây, dẫn đầu là nền kinh tế lớn nhất - nước Đức”.

“Những thay đổi chủ yếu là do sự tăng giá năng lượng, ngay cả sau khi có giảm chút ít trong những ngày gần đây, vẫn ở mức cao, đồng nghĩa với những tác động đến chi tiêu hộ gia đình sẽ lớn hơn chúng tôi dự đoán cho đến nay”, ông Peter Schaffrik nói.

Một cuộc khảo sát khác cũng cho thấy, viễn cảnh suy thoái đã ảnh hưởng đến tinh thần của nhiều nhà đầu tư trong liên minh tiền tệ, khiến nó giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 9 kể từ tháng 5/2020, trong khi một cuộc khảo sát tương tự được tiến hành.

Theo các số liệu trước đó, nhiều hoạt động dịch vụ ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giảm tháng thứ hai kể từ tháng 8 khi nhu cầu trong nước chịu áp lực từ lạm phát tăng vọt và niềm tin suy giảm. Tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng euro, lĩnh vực dịch vụ mất nhiều động lực hơn và chỉ đạt được mức tăng trưởng khiêm tốn trong bối cảnh các nhà quản lý mua hàng cho rằng triển vọng rất ảm đạm.

Ngành dịch vụ của Italy trở lại mức tăng trưởng khiêm tốn, trong khi ở Tây Ban Nha, các hoạt động mở rộng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng Một, và các công ty lo ngại lạm phát sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ cũng như nhu cầu của khách hàng.

Ở Anh, nền kinh tế tính đến cuối tháng 8 yếu hơn nhiều so với suy đoán trước đây do hoạt động kinh doanh tổng thể thu hẹp lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021 - một dấu hiệu rõ ràng của suy thoái. Chỉ số PMI của xứ sở sương mù cũng cho thấy đều đó. Chính vì thế, tân Thủ tướng Anh Liz Truss sẽ phải đối mặt với thách thức khó khăn khi được giao nhiệm vụ quản lý một nền kinh tế đang trên bờ vực rơi vào suy thoái kéo dài cùng với lạm phát và bất ổn công nghiệp.

Nhiều vòng xoáy luẩn quẩn

Thực sự, áp lực lạm pháp hiện nay ở châu Âu là rất lớn. Theo nhà kinh tế học Christoph Weil của Commerzbank, tỷ lệ lạm phát sẽ tăng vọt vào tháng 9 này, do đó áp lực đối với ECB trong việc tiếp tục tăng lãi suất đáng kể có khả năng vẫn ở mức cao.

Mặc dù giá thực phẩm và năng lượng tăng không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng việc chi phí dịch vụ tăng vọt và lạm phát 5% đối với hàng hóa công nghiệp phi năng lượng rõ ràng sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách của ECB lo lắng. Họ cũng lo ngại về sự gia tăng liên tục của giá cơ bản, điều này cho thấy chi phí cao hiện đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, thông qua cái gọi là hiệu ứng vòng thứ hai.

Việc tránh suy thoái dường như ngày càng khó khăn khi niềm tin kinh tế giảm nhiều hơn dự kiến ​​trong tháng này, làm nổi bật những lo ngại về tăng trưởng. Chi phí năng lượng cao sẽ buộc các hộ gia đình phải dành phần lớn ngân sách cho hóa đơn sưởi ấm, và cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng khác, đặc biệt là dịch vụ.

Ngành công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, với các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng có thể sẽ cắt giảm sản lượng. Đáng buồn là điều này sau đó sẽ tạo ra tắc nghẽn nguồn cung, càng làm tăng thêm lạm phát.

Ông Riccardo Marcelli Fabiani tại Oxford Economics khẳng định: “Lạm phát cao hơn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu, kéo giảm tăng trưởng và đẩy khu vực đồng euro vào suy thoái trong mùa Đông này”.

Mức giới hạn giá năng lượng được EU dự tính có thể giúp ích cho công việc của ECB, nhưng lạm phát đã ở mức cao và kéo dài trong một thời gian, vì vậy các nhà hoạch định chính sách sẽ khó có cơ hội vượt qua cơn bão.

Thị trường lao động cũng là mối quan tâm khác. Với việc làm ở mức cao kỷ lục, tình trạng khan hiếm lao động ngày càng trở nên nhức nhối và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi tiền lương bắt đầu tăng cao, tạo ra một vòng xoáy giá cả khó phá vỡ và ECB rất muốn ngăn chặn điều này.

Lượt xem: 27
Tác giả: Theo Linh Anh/daibieunhandan.vn
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật