Các nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế hơn 8.000 tỷ đồng trong 11 tháng

Lũy kế 11 tháng năm nay, tổng số thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là trên 8.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1372 gửi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, yêu cầu tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Công điện được ban hành trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2023 giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngành thuế hiện đang triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách. Trong khi thu một số sắc thuế giảm do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, thu thuế đối với thương mại điện tử ngày càng khởi sắc. Lũy kế từ đầu năm tới 30/11, tổng số thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là trên 8.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.

-5826-1703037290.jpg

Từ tháng 3/2022, các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp khoảng 12.000 tỷ đồng tiền thuế.

Trong tổng số hơn 8.000 tỷ đồng các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp, có 6.820 tỷ đồng được kê khai, nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay. Số nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai và nộp thuế tăng thêm 17 đơn vị so với cuối tháng 6/2023. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang rà soát dữ liệu lớn để tiếp tục quản lý chặt chẽ loại hình thuế này.

Năm ngoái, các nhà cung cấp nước ngoài nộp gần 3.480 tỷ đồng qua cổng thông tin điện tử. Như vậy, từ tháng 3/2022 - khi cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài được vận hành, các doanh nghiệp này đã nộp khoảng 12.000 tỷ đồng tiền thuế.

Ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết: "Trong trường hợp phát hiện các nhà cung cấp nước ngoài có doanh thu ở Việt Nam, chúng tôi sẽ lập tức liên hệ, phối hợp tuyên truyền, yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký để đảm bảo nghĩa vụ của mình. Trường hợp phát hiện các nhà cung cấp nước ngoài có doanh thu nhưng cố tình chây ỳ không đăng ký thì chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp nghiệp vụ cứng rắn để đảm bảo tuân thủ pháp luật của Việt Nam".

Việc quản lý thuế đối với các cá nhân kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử cũng dần được siết chặt. Đến nay, 375 sàn thương mại điện tử đã gửi dữ liệu cung cấp thông tin người kinh doanh cho cơ quan thuế.

Theo quy định, cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh thương mại điện tử có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế. Nếu có phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, các cá nhân kinh doanh đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, "trên cơ sở thông tin do sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp trên Cổng thông tin thương mại điện tử, cơ quan thuế khai thác thông tin về hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và thực hiện rà soát đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế hoặc điều chỉnh doanh thu nếu chưa phù hợp", đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử cũng gặp khó khăn. Bởi, thực tế một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch thương mại điện tử, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội.

Việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Về giải pháp, Bộ Tài chính cho rằng ngoài việc tăng tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, sẽ hoàn thiện quy định pháp luật về thuế, để tăng trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong kê khai, nộp thuế thay cho người bán hàng.

Nhằm chống thất thu thuế thương mại điện tử, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục thuế tập trung thực hiện rà soát tình hình kê khai, nộp thuế, phân loại, phân công cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo yêu cầu người nộp thuế giải trình đến cơ quan thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định, đưa vào diện quản lý rủi ro.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Cục thuế các tỉnh, thành phố cần phối hợp với Sở công thương để yêu cầu các sàn cập nhật đầy đủ thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn theo quy định, trong trường hợp cần phối hợp liên ngành để kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật thuế.

Thanh Hoa

Lượt xem: 7
Tin liên quan