Bộ Tư pháp công bố hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ chủ chốt trong hệ thống thi hành án dân sự

Sáng nay (ngày 4/7) Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ công bố các quyết định về công tác tổ chức cán bộ hệ thống thi hành án dân sự (THADS). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh chủ trì buổi lễ cùng với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các đơn vị thuộc ngành Tư pháp, Tòa án, Kiểm sát, Công an và Quốc phòng, cùng đông đảo cán bộ ngành thi hành án dân sự trên cả nước.

Trước đó, ngày 25/6/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1898/QĐ-BTP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Thi hành án dân sự - tổ chức lại toàn diện hệ thống THADS.

z6770251878599_a39b53ef5c9c47d87300973881d62045.jpg

Theo mô hình mới, tại Trung ương, Cục Quản lý THADS gồm 7 đơn vị chuyên môn, tổ chức theo hướng tinh gọn, chuyên sâu và hiện đại.

Tại địa phương, hệ thống THADS được tổ chức một cấp, với 34 cơ quan THADS cấp tỉnh, thành phố, gồm 355 Phòng THADS khu vực (thay thế mô hình cũ có cấp chi cục huyện).

Việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình mới đã tinh gọn một cấp trung gian (cấp huyện), tăng cường tính chuyên môn hóa, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và hiệu quả thi hành án. Cơ quan THADS cấp tỉnh giờ đây đảm nhiệm vai trò chỉ đạo trực tiếp, toàn diện cả về tổ chức nhân sự và nghiệp vụ trên địa bàn, giúp kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là đối với hoạt động của Chấp hành viên.

Đồng thời, mô hình mới phân tách rõ ràng chức năng quản lý hành chính và chuyên môn. Lãnh đạo Phòng THADS khu vực không còn thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản và ban hành quyết định thi hành án, nhờ đó có điều kiện tập trung chỉ đạo nghiệp vụ, giảm thiểu các sai sót do hạn chế trong năng lực quản lý trước đây.

Tổ chức bộ máy theo hướng mới cũng giúp rút ngắn quy trình nghiệp vụ, loại bỏ được cơ chế ủy thác giữa các khu vực trong cùng một tỉnh, qua đó nâng cao tốc độ và hiệu quả thi hành án. Cùng với đó, việc tập trung đầu mối quản lý tài chính, tài sản ở cấp tỉnh không chỉ tăng hiệu lực kiểm tra, giám sát mà còn là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong bối cảnh không còn chính quyền cấp huyện, mô hình mới tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan THADS cấp tỉnh phối hợp trực tiếp, hiệu quả với các cơ quan cấp tỉnh trong công tác cưỡng chế, xác minh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Việc tập trung nguồn lực, biên chế và khối lượng công việc tại cấp tỉnh cũng từng bước nâng cao vị thế của cơ quan THADS, tiệm cận với vai trò, chức năng của các cơ quan ngang cấp Sở, góp phần tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành và thực thi pháp luật tại địa phương.

Đồng thời, với việc tổ chức bộ máy theo mô hình 1 cấp tại địa phương, lược bỏ cấp trung gian, Hệ thống THADS cũng tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn, thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục THADS.

Tại Lễ công bố, Bộ Tư pháp cũng chính thức công bố các Quyết định quan trọng về tổ chức cán bộ, bao gồm: Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục quản lý thi hành án dân sự; Quyết định thành lập cơ quan THADS tại các tỉnh, thành phố; Quyết định bổ nhiệm các vị trí chủ chốt gồm: Lãnh đạo Cục Quản lý THADS: Trưởng, Phó các Ban thuộc Cục 34 Trưởng THADS các tỉnh, thành phố; các Quyết định nghỉ hưu đối với nguyên Cục trưởng, quyền Cục trưởng và các cán bộ chủ chốt khác.