Bộ Tài chính triển khai hiệu quả cải cách thủ tục hành chính
Trong năm 2024, Bộ Tài chính đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt nổi bật trên các mặt như: Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; Triển khai cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC; Cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Thực thi phương án phân cấp trong giải quyết TTHC...
Kết quả tích cực từ cải cách thủ tục hành chính
Bộ Tài chính cho biết, để rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, Bộ đã triển khai có hiệu quả Quyết định số 137/QĐ-BTC ngày 19/01/2024 về Kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát TTHC năm 2024. Trong năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện đánh giá tác động đối với 64 TTHC tại 10 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc lĩnh vực giá, tài chính ngân hàng, bảo hiểm chứng khoán, thuế, công sản theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/02/2022 của Bộ Tư pháp.
Trên cơ sở các văn bản QPPL quy định về TTHC, Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 21 quyết định công bố: Bãi bỏ 68 TTHC, sửa đổi, bổ sung, thay thế 54 TTHC, công bố mới 22 TTHC. Đến ngày 27/12/2024, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 747 TTHC (giảm 27 TTHC so với cùng kỳ năm 2023, cùng kỳ năm 2023 là 774 TTHC). Trong đó: lĩnh vực thuế là 235 TTHC; lĩnh vực hải quan là 225 TTHC; lĩnh vực kho bạc nhà nước là 11 TTHC; lĩnh vực dự trữ là 7 TTHC; lĩnh vực chứng khoán là 104 TTHC; lĩnh vực tài chính chung là 165 TTHC.
Bộ Tài chính cũng tiếp tục vận hành mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan Bộ đảm bảo ổn định và hiệu quả. Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 27/12/2024, Bộ phận Một cửa đã tiếp nhận và giải quyết 1609 hồ sơ TTHC thuộc các lĩnh vực: bảo hiểm; kế toán, kiểm toán; tin học và giá. Đồng thời, Bộ phận Một cửa Bộ Tài chính đã thực hiện số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ.
Triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 14/5/2024 phê duyệt 42 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính giai đoạn 2024 - 2025. Đến ngày 27/12/2024, Bộ Tài chính đã thực thi được 11/42 phương án đã được phê duyệt tại Quyết định này.
Bộ Tài chính đã công bố 106 TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước và thực thi phương án đơn giản hóa đối với 11/18 phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ trong lĩnh vực công sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính tại Quyết định số 277/QĐ-TTg ngày 04/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính đã thực thi 13/46 phương án phân cấp trong giải quyết TTHC tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết TTHC. Đối với các phương án chưa thực thi, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng văn bản QPPL để thực thi các phương án.
Về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1487/QĐ-BTC ngày 27/6/2024 về Kế hoạch sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL thuộc trách nhiệm chủ trì của Bộ để thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Đến nay, Bộ Tài chính đã thực thi 32/71 phương án tại Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ.
Phấn đấu mức độ hài lòng về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%
Theo Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 vừa được Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 3042/QĐ-BTC ngày 24/12/2024, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, đặc biệt là những TTHC liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp (DN). Phấn đấu có tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử; tối thiểu 80% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên.
Bên cạnh đó, số hóa 100% kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ; 90% TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công bố, công khai và cập nhật kịp thời; mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%. Đồng thời, hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tinh đến hết ngày 31/5/2020.
Để đạt được các mục tiêu trên, trong năm 2025, Bộ Tài chính sẽ thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kiểm soát TTHC; đánh giá tác động của TTHC ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản QPPL; thẩm định chặt chẽ việc quy định TTHC tại dự thảo văn bản QPPL đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC.
Bộ Tài chính cũng sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC trong quá trình thực hiện; tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC rườm rà, chồng chéo gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có; xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm theo quy định tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ.
Thực hiện thống kê, công bố, cập nhật và công khai TTHC thuộc lĩnh vực quản lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính đảm bảo đúng quy định, kịp thời, chính xác và thống nhất. Tiếp tục thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ và Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức triển khai, vận hành hoạt động Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính và Bộ phận Một cửa tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính đảm bảo ổn định, hiệu quả; nâng cao mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính ngành Tài chính. Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ trong cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
Tiếp tục thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh tại Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 14/5/2024; phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ; phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng và chứng khoán tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 11/6/2024; phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ tại Quyết định số 277/QĐ-TTg ngày 04/4/2024.
Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, các giải pháp nhằm giảm thời gian và chi phí thực hiện các TTHC lĩnh vực tài chính thông qua tăng cường đối thoại, lấy ý kiến người dân, DN, trọng tâm là các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến hoạt động của DN như thuế, hải quan, chứng khoán, bảo hiểm...
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả và đo lường sự hài lòng đối với việc giải quyết TTHC cho người dân và DN; Triển khai áp dụng bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử...
Đến ngày 27/12/2024, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 747 TTHC (giảm 27 TTHC so với cùng kỳ năm 2023, cùng kỳ năm 2023 là 774 TTHC). Trong đó: lĩnh vực thuế là 235 TTHC; lĩnh vực hải quan là 225 TTHC; lĩnh vực kho bạc nhà nước là 11 TTHC; lĩnh vực dự trữ là 7 TTHC; lĩnh vực chứng khoán là 104 TTHC; lĩnh vực tài chính chung là 165 TTHC.