Bộ Tài chính: Năm 2023 dự toán tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.620,7 nghìn tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa công khai “Báo cáo ngân sách dành cho công dân - Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 Quốc hội quyết định”. Theo đó, Bộ này cho biết, năm 2023 dự toán tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với ước tính thực hiện năm 2022.

Cụ thể, Báo cáo cung cấp thông tin về một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la Mỹ, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0-6,0%, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%.

-4301-1672372732.jpg

Dự toán thu NSNN năm 2023. Nguồn Bộ Tài chính

Báo cáo cũng cung cấp bức tranh tổng thể về NSNN năm 2023 với dự toán tổng số thu NSNN là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với ước tính thực hiện năm 2022; tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3%GDP. Cụ thể, thu nội địa 1.334,2 nghìn tỷ đồng; thu từ dầu thô (trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước gần 8 triệu tấn, giá dầu bình quân khoảng 70 USD/thùng) là 42 nghìn tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 239 nghìn tỷ đồng; thu viện trợ 5,5 nghìn tỷ đồng. Dự toán tổng số thu ngân sách trung ương năm 2023 là 863,5 nghìn tỷ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 757,2 nghìn tỷ đồng.

Dự toán tổng số chi NSNN là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với dự toán chi NSNN năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển 726,7 nghìn tỷ đồng; chi thường xuyên là 1.172,3 nghìn tỷ đồng; chi trả nợ lãi 102,9 nghìn tỷ đồng; chi cải cách tiền lương, lương hưu, điều chỉnh một số chế độ trợ cấp, phụ cấp và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở 12,5 nghìn tỷ đồng; các khoản chi còn lại khác 61,8 nghìn tỷ đồng. Báo cáo cũng cung cấp số liệu về dự toán chi ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2023 chi tiết theo lĩnh vực.

Theo Báo cáo, bội chi NSNN năm 2023 là 455,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,42%GDP. Trong đó, bội chi ngân sách trung ương 430,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,18%GDP; bội chi ngân sách địa phương 25,0 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,24%GDP.

-5107-1672372332.jpg

Dự toán chi NSNN năm 2023. Nguồn Bộ Tài chính

Bên cạnh đó, Báo cáo còn cung cấp thông tin về việc thực hiện tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Từ 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/ TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, Báo cáo cũng đưa ra một số giải pháp chủ yếu điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023. Cụ thể, tập trung điều hành chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả, kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, bảo đảm mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên.

Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ; Chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Hà Lê

Lượt xem: 65
Tin liên quan