Xuất khẩu rau quả năm 2023 liệu có cửa sáng?

Sầu riêng, bưởi cùng nhiều loại trái cây chủ lực khác được kỳ vọng giúp cho XK rau quả có nhiều cửa sáng khi bước sang năm 2023 từ việc xuất khẩu trái cây chính ngạch rộng mở. Tuy nhiên, cửa sáng hay không vẫn cần sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp trong việc đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, đặc biệt là trước xu hướng xuất khẩu xanh như hiện nay.

Trong những ngày cuối cùng của tháng 12/2022, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra trực tuyến 6 mã số vùng trồng sầu riêng (giống R6, Monthong) với diện tích gần 167ha ở xã Mỹ Hiệp và xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) để xem xét cấp mã số xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc.

Bước vào giai đoạn tăng tốc

Đây là điều kiện cần và đủ để trái sầu riêng được XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây cũng là tiêu chuẩn quan trọng để được hưởng những ưu đãi về thuế suất từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, giúp nông dân tiêu thụ số lượng nông sản lớn khi đến mùa vụ, tránh rủi ro.

-1964-1672217303.jpg

Năm 2023 được dự báo có nhiều cửa sáng, là năm “bùng nổ” cho XK rau quả của Việt Nam với mức tăng trưởng vào khoảng 20 - 30%, có khả năng đạt kim ngạch 4 tỷ USD.

Tính đến nay, đã có 113 mã số vùng trồng trong cả nước được chấp thuận, đủ đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng XK từ Việt Nam sang Trung Quốc, và được phép XK sầu riêng dạng quả tươi sang Trung Quốc.

Ở góc nhìn của một doanh nghiệp (DN) XK trái cây hàng đầu của Việt Nam, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Xuất – Nhập khẩu Chánh Thu, nhận định năm 2023 sẽ là giai đoạn tăng tốc cho XK sầu riêng vào thị trường Trung Quốc.

Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, XK rau quả trong năm 2023 đang dành sự kỳ vọng cho quả sầu riêng khi mà Việt Nam đã ký nghị định thư XK chính ngạch sang Trung Quốc (mỗi năm nước này nhập sản lượng lớn sầu riêng từ các nước với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD). 

Trao đổi với VnBusiness, ông Tùng cho rằng sầu riêng của Việt Nam có lợi thế nhất định về vận chuyển sang Trung Quốc so với đối thủ cạnh tranh là Thái Lan nên hy vọng sẽ mang lại lợi nhuận và doanh số lớn cho ngành rau quả trong thời gian tới.

Ngoài sầu riêng, không thể không kể đến triển vọng lớn về XK bưởi trong năm 2023 khi mà loại quả này đã được phép XK chính ngạch vào Mỹ và New Zealand trong năm 2022.

Vị Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, trong khi một số loại trái cây XK đã nhận những “bàn thua” thì bưởi sẽ là loại trái XK có “cửa thắng” khi vào Mỹ. Bởi vì bưởi Việt Nam có chất lượng vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, lại có quanh năm, công nghệ bảo quản trái bưởi của Việt Nam đã được thời gian tới 90 ngày. Việc mở cửa cho sản phẩm bưởi tươi đến thị trường Mỹ cũng sẽ tạo cơ hội cho các sản phẩm chế biến từ bưởi.

Bên cạnh sầu riêng và bưởi, giới chuyên gia dự báo năm 2023 có nhiều cửa sáng, là năm “bùng nổ” cho XK rau quả với mức tăng trưởng vào khoảng 20 - 30%, có khả năng đạt kim ngạch 4 tỷ USD.

Trong đó, hy vọng lớn vẫn nằm ở thị trường chủ lực là Trung Quốc đang có những động thái dần gỡ bỏ chính sách “Zero Covid”. Với thị trường này, Việt Nam có 4 mặt hàng có nghị định thư (sầu riêng, chuối, khoai lang, chanh dây mới xuất thí điểm). Năm 2023 dự kiến sẽ đàm phán 8 mặt hàng (thanh long, dưa hấu, xoài…) từ xuất chính ngạch sang xuất theo nghị định thư đi Trung Quốc.

Không lơ là xu hướng xuất khẩu xanh

Ngoài ra, trong năm 2023 thị trường các nước cũng chú trọng sử dụng những sản phẩm tươi, bổ sung vitamin, phù hợp cho sức khoẻ, mà điều này lại có rất nhiều ở trái cây Việt Nam vốn được trồng quanh năm, nên lợi thế rất lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh cửa sáng thì vẫn còn không ít băn khoăn trên con đường tăng kim ngạch cho XK vào năm 2023. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn là mối lo trong nhiều năm nay. Các DN khi XK phải có sự am hiểu rõ ràng luật chơi của từng thị trường. Chẳng hạn như thị trường Mỹ cấm 7 hoạt chất thì chúng ta tuyệt đối không được vi phạm. Hoặc như EU cũng cấm nhiều loại hoạt chất và đòi hỏi những chứng nhận rất mới về môi trường, xã hội…

“Những DN khi XK rau quả phải hiểu được việc đó. Nếu không, một khi hàng hoá của DN xuất qua mà có vấn đề gì thì người ta đánh giá cả ngành rau quả của Việt Nam chứ không chỉ đánh giá một vài loại trái của DN xuất đi, điều đó sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành, rất là nguy hại đến hình ảnh, thương hiệu và loại trái cây đến thị trường đó sẽ bị giảm sút rất nhiều”, ông Tùng lưu ý.

Mặt khác, trong xu hướng XK xanh gần như là yêu cầu bắt buộc các DN XK rau quả phải thay đổi rất nhiều trong năm 2023. Liên hệ đến DN của mình, vị Tổng giám đốc Vina T&T Group cho rằng, khi vào thị trường EU thì công ty phải xây dựng chứng chỉ về môi trường và xã hội. Cụ thể, về xã hội là không sử dụng lao động vị thành niên, không quá giờ, người lao động không bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Về môi trường là những chất thải không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

“Sắp tới chúng tôi cũng sẽ liên kết với hợp tác xã để sử dụng phân thuốc theo liều lượng đúng, không sử dụng quá mức để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và nguồn nước. Dần dần chúng tôi sẽ loại bỏ những loại thuốc hay phân bón và chuyển về hướng tự nhiên, hữu cơ hơn. Các DN trong ngành rau quả cũng cần đồng hành với nhau cho xu hướng XK xanh này”, ông Tùng chia sẻ.

Có thể nói, để XK rau quả có được cửa sáng trong thời gian tới thì các DN trong ngành không thể lơ là trong thực hiện chiến lược “chuyển đổi xanh”. Nhất là khi các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường rau quả thế giới đang nhanh chân đáp ứng được tiêu chuẩn xanh để khai thác cơ hội thị trường. Một khi các DN Việt trong ngành rau quả chậm chân trong chiến lược “xanh hoá” XK thì việc mất đơn hàng về tay đối thủ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thế Vinh

Lượt xem: 14
Tác giả: Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan