Bộ Tài chính làm rõ hộ, cá nhân kinh doanh nào bắt buộc phải sử dụng hoá đơn điện tử
Trao đổi tại họp báo thường kỳ quý II/2025 vào chiều ngày 2/7, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết, kể từ khi Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ được ban hành, cơ quan thuế đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ các cá nhân, hộ kinh doanh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế.
Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế. Ảnh: Bộ Tài chính
Theo ông Mai Sơn, ngày 26/6/2025, Cục Thuế đã đăng tải lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, trong đó có nội dung liên quan đến quản lý thuế với hộ kinh doanh nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương tại Nghị quyết 68-NQ/TW.
Qua việc tổng kết ưu, nhược điểm của công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trong thời gian qua, cơ quan thuế đánh giá việc chuyển đổi phương thức quản lý đối với hộ kinh doanh giúp tạo sự minh bạch và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. “Nhiều hộ kinh doanh hoạt động trên nhiều địa bàn, thậm chí trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố, xuyên biên giới nên việc theo dõi, hỗ trợ của cơ quan thuế bằng phương thức điện tử giúp hộ kinh doanh giảm chi phí và thời gian tuân thủ”, ông Mai Sơn cho biết.
Theo ông Mai Sơn, các hộ kinh doanh lớn có doanh thu trên 1 tỷ đồng như kinh doanh chuỗi hàng ăn, vật liệu xây dựng, thực phẩm chức năng, dịch vụ làm đẹp… có thể thực hiện công tác kế toán như doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chia sẻ thêm về quy định hộ kinh doanh tại dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, ông Mai Sơn cho biết dự thảo Luật chia hộ, cá nhân kinh doanh làm 4 nhóm để áp dụng phương pháp quản lý: Nhóm 1 có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm; nhóm 2 có doanh thu từ từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm; nhóm 3 có doanh thu từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/năm (kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng) và doanh thu từ 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng/năm (kinh doanh trong lĩnh vực thương mại dịch vụ); nhóm 4 có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm.
Trong đó, nhóm 3 và nhóm 4 bắt buộc phải dùng hóa đơn điện tử; nhóm 1 và nhóm 2 thì khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, cơ quan thuế đề xuất tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân lên mức tối thiểu là 400 triệu đồng/năm. Cơ sở đưa ra ngưỡng này đã được liên thông với dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân, giữa người làm công ăn lương với cá nhân kinh doanh.
Cơ quan thuế sẽ tiếp thu các ý kiến tham gia để hoàn thiện dự thảo, với mong muốn để khi hoàn thành dự thảo Luật sẽ có sự đóng góp lớn trong thúc đẩy các hoạt động của hộ, cá nhân kinh doanh.
Cơ quan thuế cũng đang phối hợp cùng Cục Phát triển Kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) nghiên cứu quy định về khái niệm “hộ kinh doanh” để đảm bảo phù hợp thực tế và thông lệ quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu để hộ kinh doanh thực hiện khai thuế ngay trên thiết bị điện thoại thông minh để tạo sự thuận tiện hơn nữa trong quá trình triển khai.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, ông Mai Sơn cho biết, ngay sau khi Nghị định 70/2025/NĐ-CP được ban hành, tháng 3/2025, cơ quan thuế đã triển khai, tuyên truyền hỗ trợ với các nhóm hộ kinh doanh bắt buộc phải triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Trước đó năm 2022, cơ quan thuế cũng triển khai nội dung này nhưng mới chỉ ở góc độ khuyến khích các hộ kinh doanh theo hình thức kê khai trong các lĩnh vực bán lẻ, ăn uống, thuốc, dịch vụ lưu trú, dịch vụ giải trí. Tuy nhiên, trên thực tế, mới chỉ có khoảng 1% trên tổng số 3,6 triệu hộ kinh doanh thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP. Cục Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính có văn bản gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế triển khai nội dung này; đồng thời, có thư gửi các nhà cung cấp giải pháp, các công ty kế toán kiểm toán đề nghị cùng với cơ quan thuế thực hiện nội dung này.
Cơ quan thuế cũng đã phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp, các đơn vị tư vấn thuế, các công ty kế toán dịch vụ tổ chức nhiều hội thảo để làm rõ các vấn đề mà người nộp thuế còn băn khoăn khi thực hiện triển khai Nghị định 70/2025/NĐ-CP.
Theo ông Mai Sơn, ban đầu có hộ kinh doanh còn e ngại khi triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền do việc triển khai của cơ quan thuế vô tình trùng với thời điểm các cơ quan quản lý khác triển khai công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, nhờ có sự nỗ lực của cơ quan thuế, sự đồng hành, hỗ trợ, vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan báo chí nên các hộ kinh doanh đã có cái nhìn đúng, đầy đủ hơn các quy định của pháp luật về hoá đơn điện tử.
“Cơ quan thuế đang tiếp tục triển khai các chiến dịch tuyên truyền, hỗ trợ cho đến khi tất cả các hộ kinh doanh đều thực hiện tốt hóa đơn điện tử”, ông Mai Sơn cho biết và khẳng định đến thời điểm hiện tại cơ quan thuế mới chỉ tập trung hướng dẫn, vận động triển khai mà chưa có bất kỳ xử phạt nào đối với các hộ kinh doanh chưa áp dụng hoá đơn điện tử để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển đổi.