Bến Tre đẩy mạnh hỗ trợ cho vay vốn tín dụng chính sách đi lao động ở nước có thời hạn

Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình Khởi nghiệp thoát nghèo bền vững qua con đường đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng đã được tỉnh Bến Tre được quan tâm thúc đẩy. Hộ gia đình và người lao động đủ điều kiện sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bến Tre hỗ trợ cho vay vốn tín dụng chính sách đi lao động ở nước có thời hạn.

Bến Tre có nguồn lực lao động dồi dào, trẻ. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp đều có kỹ năng, tay nghề, đáp ứng được yêu cầu của công việc, có kinh nghiệm làm việc và có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật tốt. Tính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 5.269 người đã trúng tuyển tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (trước đây gọi là đi xuất khẩu lao động), trong đó thị trường Nhật Bản chiếm chủ yếu, với 5.003 người.

Đáng chú ý, công tác đưa người lao động của Bến Tre đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 để phấn đấu thực hiện.

Tính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 5.269 người đã trúng tuyển tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 52,69% chỉ tiêu nghị quyết (Nghị quyết số 10 ngàn lao động/nhiệm kỳ; 2 ngàn lao động/năm), trong đó thị trường Nhật Bản 5.003 người. Địa phương có số lượng người lao động tham gia nhiều nhất là huyện Ba Tri. với 1.576 người; huyện Giồng Trôm 1.125 người. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, có 950 người trúng tuyển tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó thị trường Nhật Bản 923 người.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-tuandiep-2022-09-16-_cac-cong-nhan-di-xuat-khau-lao-dong-.jpg

Hình minh họa. Nguồn: Internet

Ngành nghề người lao động của tỉnh tham gia là sản xuất chế tạo, xây dựng, thủy sản, điều dưỡng và nông nghiệp... Thu nhập bình quân của người lao động khoảng từ 25 - 30 triệu đồng/người/tháng. Sau khi đã trừ các khoản chi phí thì người lao động có thể tích lũy được khoảng từ 70 - 75% thu nhập để gửi về gia đình. Trong đó, tỉnh Ehime có 20 lao động của tỉnh Bến Tre sang làm việc, thông qua Công ty TNHH Esuhai là 12 lao động và Công ty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch (Newtatco) là 8 lao động, chủ yếu làm các ngành nghề chế biến thực phẩm, may mặc, hàn, đóng sách...

Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội cho biết, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp đến tuyên truyền, tư vấn cho người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có khoảng 10 doanh nghiệp thường xuyên kết nối với các huyện, thành phố của tỉnh để tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho người lao động. Các doanh nghiệp này có những chính sách ưu đãi riêng.

Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp thành lập Văn phòng đại diện, gồm: Công ty TNHH Tập đoàn quốc tế Sài Gòn, Công ty Cổ phần nhân lực Mekong, Công ty TNHH Akanen và có 3 doanh nghiệp tổ chức đào tạo tiếng Nhật tại tỉnh (Công ty TNHH Esuhai liên kết với Trường Trung cấp công nghệ Bến Tre để đào tạo tiếng Nhật, Công ty TNHH Nhân lực Mirai và Công ty cổ phần Nhân lực Trasesco có thành lập cơ sở đào tạo tiếng Nhật). Các đơn vị này đã mở được 29 lớp, với 248 học viên tham gia học tiếng Nhật trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có Công ty TNHH Esuhai mở nhiều nhất, với 19 lớp.

Ông Hùng cho biết thêm, các chính sách hỗ trợ người lao động của tỉnh được quan tâm. Trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì người lao động được hỗ trợ vay vốn từ NHCSXH tỉnh và Agribank Bến Tre theo hình thức tín chấp, với lãi suất ưu đãi bằng với lãi suất cho vay đối với hộ nghèo 0,55%/tháng; 6,6%/năm, thời gian vay bằng với thời gian tham gia đi làm việc ở nước ngoài được ghi trên hợp đồng giữa 2 bên đã ký kết.

Sau khi về nước đúng hạn, người lao động được hỗ trợ kết nối tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo nghề khi người lao động có nhu cầu học nghề để tao việc làm mới; được tham gia chương trình khởi nghiệp của các tổ chức hội, đoàn thể khởi nghiệp; hỗ trợ vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm để tạo việc làm tại chỗ hoặc để chuyển đổi nghề nghiệp.

Theo báo cáo từ NHCSXH tỉnh Bến Tre, trong 5 năm giai đoạn 2019 - 2024, NHCSXH tỉnh đã cho 1.211 người lao động vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng với tổng số tiền 88,28 tỷ đồng, mức vay cho vay bình quân 72,9 triệu đồng cho mỗi lao động. Trong đó, NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho 99 người lao động thuộc diện hộ nghèo; 205 người lao động hộ cận nghèo và 24 người lao động là thân nhân người có công với cách mạng theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre, NHCSXH tỉnh cũng đã giải ngân cho 93 lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; 2 lao động thuộc diện mồ côi tại các địa phương hoặc đang sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội và 788 người lao động tham gia chương trình khởi nghiệp thoát nghèo thông qua đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bà Trần Lam Thùy Dương, Giám đốc NHCSXH tỉnh Bến Tre cho biết, tổng dư nợ của chương trình đến ngày 31/5/2024 là 44,79 tỷ đồng, với 709 khách hàng còn dư nợ; chiếm 1,06% tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn. Nợ quá hạn là 344,11 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,7% dư nợ của chương trình. Trong đó, dư nợ cho vay bằng nguồn vốn ủy thác địa phương là 39,78 tỷ đồng, với 616 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn cho vay phát huy hiệu quả tích cực, người vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có việc làm và thu nhập khá cao so với làm việc tại địa phương và giúp giải quyết việc làm cho người dân, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Để quyết tâm thực hiện đạt chỉ tiêu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra, các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở các địa phương, thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện/thị/thành trong tỉnh để tạo cầu nối giữa người lao động với các doanh nghiệp.

Phối hợp với các hội, đoàn thể ở địa phương để lồng ghép trong các chương trình truyền thông, tư vấn nhằm phổ biến cho hội viên ở cơ sở hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, vận động người lao động và thân nhân của người lao động mạnh dạn đăng ký tham gia và hướng tới mỗi hội viên là một tuyên truyền viên về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở cấp cơ sở.

NHCSXH tỉnh triển khai và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian tới. Tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách tín dụng đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi có nhu cầu vay vốn. Chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu, đề xuất UBND cấp tỉnh, cấp huyện bổ sung nguồn vốn ủy thác để cho vay các đối tượng đặc thù theo quy định của địa phương.

Đề nghị các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Kịp thời cập nhật và ký kết hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động theo đúng quy định để làm thủ tục vay vốn.

Năm 2024, NHCSXH tỉnh Bến Tre được tạm giao chỉ tiêu cho vay 56,212 tỷ đồng. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo 29,273 tỷ đồng, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 20,725 tỷ đồng; cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 6,050 tỷ đồng; cho vay thương nhân vùng khó khăn 165 triệu đồng.

Bên cạnh nguồn vốn được Trung ương phân bổ, ngay từ những ngày đầu năm 2024, UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã ủy thác nguồn vốn bổ sung cho NHCSXH tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác 77 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 60 tỷ đồng, ngân sách huyện 17 tỷ đồng).

Để tiếp cận được các nguồn vốn nêu trên, tổ viên trong tổ nhân dân tự quản đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn chủ động liên hệ với trưởng ấp, Tổ tiết kiệm và vay vốn tại nơi cư trú để được bình xét cho vay, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn và nhận tiền vay tại điểm giao dịch xã.

 
Tin liên quan