Bắt nhịp thị trường, kinh tế tập thể ở Long An trên đà bứt lên

Khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX ở Long An thời gian qua đang ngày càng khẳng định vai trò trụ cột của mình trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo thông qua sự thành công của các mô hình HTX.

Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Long An vừa sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Báo cáo từ hội nghị này cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thành lập mới 12 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn tỉnh lên con số 300 HTX và Quỹ tín dụng nhân dân, với trên 40.000 thành viên.

Chú trọng đội ngũ quản lý

Thực ra, những kết quả trên không gây nhiều sự bất ngờ bởi từ nhiều năm nay, Liên minh HTX tỉnh Long An đã luôn sát cánh cùng với các HTX, giúp khu vực này bắt nhịp nhu cầu thị trường, ngày một phát triển.

Đơn cử, nhận thấy việc hỗ trợ trang bị kiến thức quản trị HTX đang là vấn đề nhiều HTX quan tâm, Liên minh HTX tỉnh Long An đã chú trọng tổ chức các khóa đào tạo cho các đối tượng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc của các HTX trên địa bàn tỉnh.

326-1-1688110979-1688111021.jpg

Tham gia các khóa đào tạo, lãnh đạo các HTX được trang bị kiến thức về Luật HTX như thành lập và đăng ký hoạt động HTX, tổ chức và hoạt động HTX, tài chính trong HTX…

Tham dự tập huấn, các học viên được học tập các chuyên đề: Chuyển đổi số trong HTX; kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng thời đại 4.0; quản trị và điều hành hoạt động của HTX. Ngoài ra, các học viên còn được nghe chia sẻ thực tế mô hình quản lý và tổ chức sản xuất, kinh doanh tại các HTX tiêu biểu, một số giải pháp phát triển HTX. Đặc biệt là tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm tại các HTX trong và ngoài tỉnh…

Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Tâm (xã Bình Tâm, TP.Tân An) - Dương Hoàng Tín là người từng tham gia nhiều khóa đào tạo của Liên minh HTX tỉnh, ông nhận thấy nhiều lợi ích thiết thực, các khóa học đều mang tính chất “cầm tay, chỉ việc” nên có thể về áp dụng vào ngay thực tế.

"Tại các khóa học, tôi được trang bị các kiến thức về chuyển đổi số trong HTX; kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng thời đại 4.0; quản trị và điều hành hoạt động của HTX. Đồng thời, có điều kiện để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm kết nối thị trường gắn với liên kết chuỗi giá trị. Qua đó, tôi có thêm kiến thức, kỹ năng để nâng cao hoạt động của HTX, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường", ông Tín chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Xuân Lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Quới cho biết, thời gian qua, HTX tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia vào HTX để cùng nhau tạo ra những sản phẩm tốt, nâng cao giá trị nông sản của địa phương.

"HTX được hướng dẫn, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, mã vạch, nhãn hàng hóa và tham gia các lớp tập huấn; đăng ký nông nghiệp tiên tiến được Nhà nước hỗ trợ 50% về cơ giới hóa trong sản xuất; tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được Nhà nước hỗ trợ phân bón hữu cơ 250kg/ha...", ông Lập nói

Khởi sắc từ những mô hình

Xác định việc phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX phải bắt đầu từ yếu tố con người nên việc chú trọng, đào tạo, cập nhật các kiến thức, chính sách của Nhà nước cho lãnh đạo các HTX được Liên minh HTX tỉnh luôn đặt trọng tâm trong công tác. Nhờ vậy, thời gian qua ở Long An đã có nhiều mô hình hay, cách làm mới được lan tỏa.

Như ở huyện Thủ Thừa có HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh đã chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, ứng dụng các tiến bộ khoa học để sản xuất ra những sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng.

Theo đó, ngay từ đầu HTX đã xác định sản xuất các loại rau, củ, quả như khổ qua, bầu, bí, dưa leo, đậu bắp, đậu đũa, mướp,... theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh việc bao tiêu nông sản của thành viên, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh còn liên kết với các hộ sản xuất bên ngoài ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nông sản được thu mua phải được trồng từ giống thuần chủng, không biến đổi gen; sử dụng các loại phân hữu cơ sinh học và phải cập nhật nhật ký sản xuất theo quy định.

thanhlong-1688109731.jpg

Kinh tế tập thể, HTX ở Long An đang ngày một bắt nhịp thị trường, sản phẩm ngày càng phong phú, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Nhờ vậy, bình quân mỗi ngày, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh xuất bán khoảng 3 tấn nông sản cho Co.opMart Tân An, TP.HCM, Mỹ Tho, Cai Lậy, Bến Tre, Vĩnh Long,... Đến nay, HTX tạo việc làm cho 15 lao động ở địa phương, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, nhằm ổn định tiêu thụ đầu ra, HTX đang áp dụng chuyển đổi số trong kinh doanh, xây dựng trang web quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm lên 6 sàn thương mại điện tử với sự hỗ trợ của Sở Công Thương.

“HTX đã đăng ký nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc, có tem nhãn riêng cho 37 sản phẩm và mã QR chỉ dẫn địa lý cho trang chủ HTX Mỹ Thạnh. Hiện nay, HTX còn đưa ra thị trường các sản phẩm được sơ chế và chế biến sẵn rất được ưa chuộng, đặc biệt là khổ qua cắt khúc nhồi thịt cấp đông”, ông Cường nói.

Một mô hình khác là HTX Dịch vụ nông nghiệp Dương Xuân (Châu Thành, Long An), đây là một trong những HTX được chọn xây dựng điển hình về trồng cây thanh long. Hiện nay, HTX có hơn 500 thành viên, chia thành 19 tổ hợp tác, sản xuất trên diện tích hơn 350ha. Toàn bộ thành viên đều ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, với gần 20% diện tích đạt chuẩn VietGAP. HTX đang tích cực vận động người trồng thanh long chuyển đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tăng giá trị sản phẩm.

Ngoài ra, khi tham gia HTX Dịch vụ nông nghiệp Dương Xuân, các thành viên được hỗ trợ 30% sản phẩm sinh học để chăm sóc và phòng bệnh cho cây. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ 30% chi phí mua bóng đèn kích thích cây thanh long ra hoa. Đây là những thuận lợi cho các thành viên của HTX để tăng năng suất, tăng thu nhập.

Phát huy sức mạnh của kinh tế tập thể

Mặc dù, thời gian qua khu vực kinh tế tập thể, HTX ở Long An có nhiều khởi sắc, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng cũng phải thẳng thắn, năng lực hoạt động của các HTX không đồng đều, trình độ lao động còn thấp, phát triển thiếu tính bền vững, không ổn định; số lượng HTX hoạt động tốt, khá chưa nhiều; việc xây dựng mô hình mới, mô hình HTX làm ăn hiệu quả nhất là ở các xã xây dựng nông thôn mới còn thấp.

Bởi vậy, để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Long An có khoảng 1.400 tổ hợp tác với 4.000 thành viên; 385 HTX, trong đó, có 300 HTX nông nghiệp; 30% HTX hoạt động được đánh giá tốt theo các văn bản quy định, có ít nhất 50% HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 50% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… chắc chắn khu vực KTTT, HTX Long An còn rất nhiều việc phải làm.

Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Huỳnh Văn Sơn lưu ý các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thành viên HTX, Quỹ tín dụng nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 và triển khai thực hiện tốt Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Long An, ông Trần Hoài Bảo cho rằng, để các HTX ở Long An phát triển nhanh và bền vững, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cán bộ và thành viên HTX.

“ Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, khu vực KTTT, HTX cần từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, lẻ của kinh tế hộ, mạnh dạn góp vốn giúp HTX thay đổi về chất lượng, hiệu quả hoạt động...”, ông Bảo nhấn mạnh.

Trà My

Lượt xem: 6
Tác giả: Trà My
Tin liên quan