Liên kết sản xuất giúp kinh tế tập thể ở Can Lộc đang đi qua những ngày nắng

Ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thời gian qua đang nổi lên những mô hình liên kết sản xuất, mang lại giá trị kinh tế từ chính những sản vật của địa phương. Điều này một lần nữa cho thấy, mô hình kinh tế tập thể không những phù hợp với sự phát triển của mảnh đất này, mà còn là hướng đi bền vững cho người nông dân trong câu chuyện thoát nghèo.

Đến xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc), hỏi ai cũng biết đến HTX Trà Sơn, bởi HTX đang giúp nhiều hộ thành viên trên địa bàn cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển trồng cam, một sản phẩm vốn nổi tiếng ở địa phương nhưng chưa tận dụng được hết tiềm năng, thế mạnh nên đời sống người dân vẫn chưa thoát được khó khăn…

Nâng tầm nông sản địa phương

Ấy là chuyện của thời gian trước, khi mà các mô hình KTTT nơi đây chưa phát triển, người dân trồng cam theo lối manh mún, không tập trung, mạnh ai lấy làm nên giá trị của quả cam Thượng Lộc chưa được khai thác triệt để. Nay thì trái cam Thượng Lộc đã thực sự “ngọt ngào” như chính những gì mà người dân và khu vực KTTT nơi đây gặt hái được thời gian qua.

7 năm xây dựng và phát triển, HTX Trà Sơn xã Thượng Lộc đã góp phần không nhỏ trong quá trình bảo tồn, gìn giữ và quảng bá thương hiệu cho quả cam Thượng Lộc đến với thị trường trong cả nước. Qua quá trình phát triển, từ 07 thành viên ban đầu, đến nay HTX Trà Sơn, xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đã có 12 thành viên chính thức với 15ha cam và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho 69 hộ dân thuộc các xã trên vùng Trà Sơn với trên 100ha đất sản xuất cam. HTX đang trở thành một điển hình trong liên kết sản xuất, tạo giá trị thương hiệu cam Thượng Lộc trên thị trường.

10-enternews-1639217428.jpg

Cam Thượng Lộc dần có chỗ đứng trên thị trường, trở thành thương hiệu và niềm tự hào của người dân địa phương.

Đặc biệt, những trái cam vàng óng, mang đậm hương vị ngọt ngào của núi rừng và công sức bền bỉ của những nông dân vùng Trà Sơn đã được đền đáp khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Cam Thượng Lộc”. Đây là sự khẳng định con đường đúng đắn mà HTX và các thành  viên đã lựa chọn, tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, nâng tầm quả cam bản địa.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trâm – Giám đốc HTX cho biết, HTX phối hợp với huyện Can Lộc tổ chức xây dựng và dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm cam. Nhờ đó, khách hàng có thể tìm hiểu các thông tin về nơi sản xuất, cách thức liên hệ, quy trình chăm bón…

“Với 'tấm vé' thông hành này, sản phẩm cam Thượng Lộc của chúng tôi dần có chỗ đứng trên thị trường, chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để duy trì và bảo vệ thương hiệu còn non trẻ “vươn xa” trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều vùng trồng cam “có tiếng”, chúng tôi cần phải tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao hơn nữa và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, chị Trâm nói.

Ngoài cam Thượng Lộc, nói đến những sản vật ở Can Lộc cũng không thể không nhắc tới gạo sạch Hạ Vàng của HTX Hạ Vàng. Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT HTX Hạ Vàng cho hay: “HTX Hạ Vàng có 150 ha cánh đồng thửa lớn, trong đó có 35 ha sản xuất theo hướng hữu cơ với hai loại giống chất lượng cao là Hạt Ngọc 9 và ĐH 12. Được sự quan tâm hỗ trợ về giống và các quy trình kỹ thuật từ Công ty Apollo Việt Nam nên vụ Xuân năm nay tiếp tục khẳng định sự thành công từ mô hình sản xuất lúa tập trung của HTX”.

Kể từ năm 2020, HTX là đơn vị đi đầu trong thực hiện phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn và tích tụ ruộng đất với diện tích 30ha. Từ vụ xuân 2021, HTX đã liên kết với doanh nghiệp ở tỉnh Nam Định trong việc bao tiêu sản phẩm. HTX còn lắp đặt hệ thống camera giám sát từ đồng ruộng và đăng ký mã QR để thuận lợi trong quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu... Đây là những bước đi khởi động, thí điểm cho chuyển đổi số của HTX cũng như trên đồng ruộng Can Lộc.

Liên kết tạo sức mạnh lan tỏa sản phẩm

Thấy rõ được tầm quan trọng của liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, năm ngoái UBND huyện Can Lộc đã “bắt tay” với tập đoàn Quế Lâm, hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn.

Trước đó, sau chuyến tham quan tại Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, UBND huyện Can Lộc đã thành lập tổ triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất hữu cơ với doanh nghiệp; phối hợp tổ chức truyền thông về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã và các hộ có nhu cầu thực hiện mô hình.

z4355493327227-59e6b10381bf240223be12316

Các mô hình liên kết sản xuất, nhất là trong trồng lúa đang đem lại kết quả tốt cho các HTX ở Can Lộc.

UBND huyện đã lựa chọn 6 mô hình để thực hiện liên kết với công ty gồm: Mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả tại 3 hộ ở Thượng Lộc; mô hình lúa hữu cơ thương hiệu gạo Can Lộc tại HTX Hạ Vàng, xã Vượng Lộc và thôn Vân Cửu - xã Khánh Vĩnh Yên; mô hình trồng cà hữu cơ xã Thượng Lộc; mô hình xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại xã Thiên Lộc; mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại xã Tùng Lộc; mô hình lúa hữu cơ kết hợp thả cá tại trại cá Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện.

Dù vẫn còn nhiều thời gian để khẳng định sự thành công, nhưng rõ ràng với sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương, sự dám nghĩ dám làm của các DN, HTX… Tin rằng, những mô hình này sẽ sớm thành công, tạo ra sức mạnh về kinh tế, cũng như lan tỏa được những giá trị, sản phẩm của địa phương này.

Bên cạnh liên kết, sản xuất sản phẩm hữu cơ, Can Lộc cũng là huyện đi đầu của tỉnh Hà Tĩnh trong chuyển đổi, tập trung, tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn giai đoạn 2020-2025. Đến nay, các địa phương đã tập trung được 2.228 ha, trong đó triển khai 1.666 ha mô hình sản xuất lúa tập trung quy mô từ 5ha/vùng. Các mô hình sản xuất lúa tập trung cho năng suất cao, vượt trội, khẳng định hiệu quả cao trong chuyển đổi ruộng đất, giảm chi phí sản xuất, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Để kinh tế tập thể, HTX trở thành 'trụ cột' cho nông dân

Với những chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, các HTX có điều kiện phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các thành viên. Sự phát triển các mô hình HTX góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động.

Đến nay, Can Lộc có 66 HTX với 583 thành viên, trong đó 48 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 16 HTX môi trường; 1 HTX thương mại dịch vụ và 1 quỹ tín dụng nhân dân. Ngoài ra, toàn huyện có 96 tổ hợp tác (THT) gồm 48 THT trồng trọt, 26 THT làm đất và THT gặt đập liên hợp, 22 THT chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Để trở thành một huyện nông thôn mới nâng cao của Hà Tĩnh, thời gian tới huyện Can Lộc đang có nhiều kế hoạch phát triển, trong đó tiếp tục tập trung phát triển các mô hình KTTT, HTX. Đây có thể xem là một trong những nòng cốt phát triển của huyện trong thời gian tới.

Cụ thể, thời gian tới, huyện Can Lộc tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, HTX nông nghiệp sẽ hướng tới gắn với xây dựng NTM và cơ cấu lại nông nghiệp. Nâng cao ứng dụng KHCN, xây dựng và phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm từ nghề truyền thống qua mô hình của HTX kiểu mới để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm, hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.

Thông qua hình thức kinh tế tập thể để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên, thúc đẩy phát triển nhanh, phấn đấu xây dựng Can Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch, dịch vụ.

Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện có 5 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản.

Trà My

Tin liên quan