Bão giá, tiền nhàn rỗi nên đổ vào đâu?

Xung đột giữa Nga và Ukraine kéo theo giá nhiên liệu leo thang đã tác động đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát trên toàn cầu cũng như Việt Nam. Trong bối cảnh bão giá xuất hiện, áp lực lạm phát tăng cao, bỏ tiền nhàn rỗi vào kênh nào đang là câu hỏi khó của năm 2022 này?

Gần đây, dòng tiền “đổ” vào thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu chững lại, có vẻ như nhà đầu tư chuyển sang kênh giữ tài sản để dành nhiều hơn như vàng và bất động sản... Trong khi tiết kiệm ngân hàng đang dần lấy lại "chỗ đứng".

Vàng và chứng khoán mất sức hút

Theo ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, chứng khoán là một trong những kênh đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực nhất.

nganhang-jpeg-2611-1647531434.jpg

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư không chịu được rủi ro nên bỏ tiền nhàn rỗi vào kênh tiết kiệm. 

Trên thực tế, thị trường chứng khoán đã đi ngang ở mốc 1.500 điểm suốt gần 5 tháng qua, đặc biệt, trong tuần này cổ phiếu của nhiều ngành đã giảm rất sâu, chỉ một một số ngành như dầu, than, phân đạm, cảng biển, hóa chất… tăng mạnh.

“Triển vọng thị trường chứng khoán trong quý II, quý III không tốt lắm, bởi ngay cả khi chiến tranh kết thúc, thì lạm phát vẫn rất cao, các nước sẽ tăng các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Một khi các nước thắt chặt tiền tệ (như tăng lãi suất, thu hẹp bảng cân đối tài sản…), thì thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam, sẽ bị ảnh hưởng xấu”, ông Khánh nhận định.

Đối với kênh đầu tư vàng thì sao? Nói với VnBusiness, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vàng thường được coi là một tài sản an toàn trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, có thể tạo ra một đợt tăng giá 2.200 USD/ounce nếu tình hình Ukraine xấu đi. Khi đó, giá vàng trong nước là 77 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh những lo ngại hiện hữu về rủi ro lạm phát.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, thời điểm này đầu tư vào vàng phải hết sức thận trọng. “Bất kỳ kênh đầu tư nào cũng có rủi ro nhất định. Đặc biệt, trong thời điểm giá vàng biến động khủng khiếp như vừa rồi, cũng có người chớp được thời cơ thì sẽ hiện thực hóa được lợi nhuận, tức là không tham, cắt lời ngay khi đạt được kỳ vọng. Tuy nhiên, hầu như đa số đều không làm được do mọi người đều kỳ vọng giá sẽ còn tăng hơn nữa, nên cứ gồng lãi, đến khi giá đảo chiều thì trở tay không kịp. Thực sự, sau khi tăng khủng khiếp, giá vàng đã “quay xe”. Cú quay xe này đã khiến nhiều người “ngã ngựa” vì mua vàng lúc đỉnh với kỳ vọng giá lên”, TS Hiếu nói.

Với thị trường bất động sản, các chuyên gia cho rằng, lạm phát, biến động giá vàng thường khiến người dân, giới đầu tư, đầu cơ càng thúc đẩy người có tài chính tốt bám giữ tài sản để dành nhiều hơn, trong đó có bất động sản.

Trong bối cảnh bão giá và lạm phát gia tăng, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy, vay mượn. Bên cạnh đó, cần phải duy trì một lượng tiền mặt nhất định (khoảng 10%) để có thể kịp thời tận dụng các cơ hội cũng như tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC khuyến cáo, rủi ro lạm phát sẽ đào sâu thêm điểm yếu "mua dễ bán khó" đang tồn tại trên thị trường bất động sản, giá bán sẽ được đẩy lên cao, tác động tiêu cực đến thanh khoản của thị trường. Vì vậy, người đầu tư bất động sản chỉ cân nhắc mua khi biết rõ có thể bán được trong 12 tháng tới.

Không chịu được rủi ro, cứ gửi tiết kiệm

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư nên tự động hóa tài chính để tối ưu hiệu quả kinh doanh, hưởng lãi kép. Chẳng hạn, với gửi tiết kiệm, nhà đầu tư có thể tự động gửi online lấy lãi mỗi khi có khoản thu nhập nào đó ở nhiều kỳ hạn và tự động gộp lãi của các khoản với nhau để có thể nhận lãi kép. Hiện nay, trên hệ thống online của nhiều định chế tài chính đã có khá nhiều công cụ đầu tư tự động hóa cho nhà đầu tư lựa chọn.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại, hiện nay lạm phát đang có khả năng tăng cao, lãi suất vẫn ở mức thấp, thì giá trị sinh lời của tiền gửi sẽ không cao, thậm chí âm. Bởi, khi lợi nhuận (lãi suất gửi tiết kiệm) sau khi trừ đi mức lạm phát thì giá trị lợi ích thực thu về sẽ không cao, thậm chí không đủ bù cho mức tăng giá.

Theo ông Lê Tuấn Dũng - chuyên gia tài chính cá nhân, nhiều người cho rằng lạm phát có khả năng tăng cao, nhưng theo tôi, với các chính sách tài chính, tiền tệ thì Chính phủ sẽ không để chỉ số này tăng cao hơn 5%. Hay tỷ giá USD/VND cũng không thể biến động cao hơn 6%/năm. Vì vậy, gửi tiết kiệm là kênh dù thụ động nhưng bảo toàn vốn cho nhiều người dân và lãi suất vẫn thực dương khi so sánh với các chỉ số lạm phát, giá vàng hay tỷ giá ngoại tệ.

Ông Dũng phân tích thêm, trên thực tế so với mức lãi suất huy động cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng từ 0,2% cho các kỳ hạn. Dự báo trong thời gian tới, lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao để bù lạm phát.

Các chuyên gia của SSI Research cho biết, trong tuần qua, lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp đã nhích lên tại một số ngân hàng lớn (MBB và TCB), với mức tăng 20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 6 tháng. "Với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi và lạm phát”, chuyên gia SSI Research nói.

Thanh Hoa

Lượt xem: 164
Tác giả: Vàng và chứng khoán mất sức hút
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan