Ba động lực tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm tạo áp lực thực hiện mục tiêu GDP 6,5%

Theo chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm nay là ngoài tầm tay, chỉ nên coi đó là mục tiêu để phấn đấu hơn là mục tiêu cần phải đạt được. Bởi ba động lực của nền kinh tế là tiêu dùng - đầu tư - xuất khẩu đều tăng trưởng hoặc phục hồi rất chậm.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, GDP quý III ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ cùng kỳ các năm 2020, 2021, thời điểm đáy vì dịch bệnh, nhưng được nhìn nhận là xu hướng tích cực. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 4,24%.

Tốc độ tăng trưởng 4,24% của 9 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đặt áp lực lên việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay.

Giảm phụ thuộc vào vốn ngân hàng, trông chờ nhiều hơn vào chính sách tài khoá

Trao đổi với Vnbusiness, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển dựa chủ yếu vào trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần, cổ tức của các doanh nghiệp để tăng vốn và phát triển sản xuất kinh doanh, đây là vốn chủ sở hữu cũng như vốn dài hạn, trung hạn của doanh nghiệp. Ngân hàng chủ yếu chỉ đáp ứng vốn ngắn hạn cho các doanh nghiệp này.

“Tuy nhiên, thị trường trái phiếu của nước ta chưa phát triển. Lúc mới đầu, trái phiếu doanh nghiệp phát triển rất mạnh nhưng sau nhiều biến cố đã có sự chững lại. Vậy nên, các doanh nghiệp mới cần phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng để tăng trưởng, bù đắp vào dòng vốn mà doanh nghiệp đang thiếu hụt”, ông Thịnh phân tích.

Vậy nên, vị chuyên gia cho rằng, chúng ta dần phải đi theo kinh tế thị trường và giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng.

-6568-1696417417.jpg

Vấn đề quan trọng nhất là giải ngân nhanh cho đầu tư công để có sức lan tỏa ngay trong năm nay, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh chung của nền kinh tế phát triển.

PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, năm tới chính sách tiền tệ khó có thể nới lỏng như năm nay bởi áp lực từ vấn đề tỷ giá và lạm phát. Vì vậy, nền kinh tế chỉ có thể trông chờ nhiều hơn vào chính sách tài khoá. Đồng thời, kinh tế thế giới năm tới cũng sẽ dần tốt lên, đây là yếu tố tích cực để thúc đẩy thị trường trong nước.

Về các động lực của nền kinh tế trong những tháng cuối năm, ba động lực của nền kinh tế là tiêu dùng - đầu tư - xuất khẩu đều tăng trưởng hoặc phục hồi rất chậm.

Đối với tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng đang giảm qua các quý. Kinh tế Việt Nam đã trải qua mấy năm COVID-19, năm ngoái lại trải qua cú sốc về tài chính tiền tệ. Do đó, thu nhập của người dân giảm sút rất mạnh, các nguồn tiết kiệm dần cạn kiệt, kể cả khối tư nhân hay khối doanh nghiệp.

Vì vậy, không thể kỳ vọng tiêu dùng sẽ tăng mạnh trong các tháng cuối năm. Hiện tiêu dùng được “đỡ” rất nhiều bởi lĩnh vực du lịch, nhất là du lịch quốc tế, tiêu dùng trong nước chưa có sự khởi sắc trở lại. Do vậy, các tháng cuối năm đà tăng trưởng tiêu dùng vẫn sẽ chậm lại chưa có sự đột biến.

Với động lực từ đầu tư năm nay chủ yếu đến từ đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công hiện đã đạt trên 50% kế hoạch. Tuy nhiên, các thành phần đầu tư tư nhân và đầu tư của khu vực FDI đều chưa đột phá.

Trong các tháng gần đây, đầu tư FDI có sự tăng trưởng cho thấy những nỗ lực của Chính phủ đã ít nhiều tác động, tạo kỳ vọng cho khu vực này. Tuy nhiên, cần thời gian để hiện thực hoá các kỳ vọng này và chưa thể hiện được ngay trong giai đoạn trước mắt.

“Đầu tư tư nhân năm nay rất yếu do sức khoẻ của doanh nghiệp giảm sút, lãi suất đi vay tương đối cao, các điều kiện ràng buộc tín dụng chặt chẽ và đặc biệt là tính bi quan của doanh nghiệp khi họ chưa nhìn thấy được triển vọng tốt của nền kinh tế thế giới và trong nước. Ba thành phần đầu tư chủ yếu dựa vào đầu tư công nhưng không thể có nguồn lực để tăng mãi được”, ông Thế Anh nhấn mạnh.

Động lực cuối cùng là xuất khẩu cũng sẽ tiếp tục khó khăn khi kinh tế thế giới còn được dự báo là tiếp tục ở môi trường lãi suất cao và gần đây những bất lợi còn đến từ việc giá nhiên liệu tăng cao và thời tiết khiến giá lương thực cũng tăng.

Vì vậy, ông Thế Anh dự báo, mục tiêu tăng trưởng 6,5% ngoài tầm tay, chỉ nên coi đó là mục tiêu để phấn đấu hơn là mục tiêu cần phải đạt được. Bởi để đạt mục tiêu đó, quý IV phải tăng trưởng hai con số, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, điều này là không khả thi. Điều này hàm ý rằng các chính sách đi kèm cũng đang hướng tới hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Giải ngân nhanh cho đầu tư công để có sức lan tỏa ngay

Theo đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị, từ nay đến cuối năm cần sự đồng hành của Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cung tiền, qua đó đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, cần có nhiều giải pháp khuyến khích xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư, bởi nếu không có đơn hàng hay xuất khẩu sụt giảm thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại được. Ngoài ra, nếu tiêu dùng tiếp tục chậm như những tháng đầu năm, rõ ràng hàng hóa sẽ khó có thể tiêu thụ, đồng nghĩa với việc hàng tồn kho tăng lên, vốn hay vòng quay tiền sẽ nằm đọng ở đó.

Đặc biệt, vị chuyên gia này nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất là giải ngân nhanh cho đầu tư công để có sức lan tỏa ngay trong năm nay. Từ đó giúp cho các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nền kinh tế cũng như thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh chung của nền kinh tế phát triển.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cũng nhận định, đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

“Việc tăng tốc chi tiêu của Chính phủ là sự kích cầu được mong đợi trong các tháng còn lại của năm. Chính phủ cam kết giải ngân khoảng 30 tỷ USD trong năm nay. Trong những tháng gần đây, hoạt động giải ngân được cải thiện đáng kể, mặc dù vẫn còn những hạn chế về mặt pháp lý”, ông phân tích.

TS. Võ Văn Lợi, Học viện Chính trị khu vực III cũng khuyến nghị, ngoài việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu thì cần tìm kiếm các động lực mới như kinh tế số, nâng cao năng suất lao động đi kèm với gia tăng chất lượng hàng hoá dịch vụ, thúc đẩy kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế, thúc đẩy kinh tế xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, quyết tâm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu…

"Đây là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và trong thời gian sắp tới", TS. Võ Văn Lợi nhấn mạnh.

Thanh Hồng

Lượt xem: 4
Tác giả: Giảm phụ thuộc vào vốn ngân hàng, trông chờ nhiều hơn vào chính sách tài khoá
Tin liên quan