Tín hiệu tích cực cho tăng trưởng tín dụng cuối năm

Cùng với một số gói tín dụng ưu đãi đang được triển khai tích cực và chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản sắp được Quốc hội phê chuẩn trong tháng 10 này, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng sẽ cùng đồng hành với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, kỳ vọng tín dụng sẽ tăng nhanh hơn trong 3 tháng cuối năm.

Lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn chưa phù hợp với doanh nghiệp 

Kết thúc quý III, bức tranh chung của toàn ngành ngân hàng vẫn chưa sáng màu khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 9, tín dụng mới tăng 5,91%.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin, ngành ngân hàng quyết liệt giảm lãi suất cho vay ngay từ đầu năm, đặc biệt là một tháng gần đây, lãi suất đang giảm rất tích cực.

-4738-1696242711.jpg

Đến cuối tháng 9, tín dụng mới tăng 5,91%.

Theo số liệu mới nhất, mức giảm trung bình lãi suất cho vay, nhất là khoản vay mới từ 1-1,3%/năm. Cụ thể, lãi suất bình quân cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn còn 5,5-5,7%, vay trung dài hạn là 5,8-10%. “Lãi suất của những khoản dư nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ và trả lãi thì có độ trễ, do huy động của các ngân hàng thương mại trước đây ở mức rất cao, thậm chí từ 10-12%, nên theo tính toán của chúng tôi vào khoảng từ 9-12%”, ông Tú cho hay.

Cũng nhìn nhận mặt bằng lãi suất cho vay và huy động đã giảm mạnh, thậm chí bằng thời kỳ trước đại dịch Covid-19, song ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) lại cho rằng lãi suất cho vay vẫn còn cao trong bối cảnh hiện nay. Đó cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chỉ đạt gần 6%.

Ông Hòe phân tích, các doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm, để cạnh tranh, các doanh nghiệp còn phải giảm giá sản phẩm, nhưng các chi phí về đầu vào như nguyên vật liệu, xăng dầu lại tăng giá, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng còn cao so với lợi nhuận mà doanh nghiệp có thể đạt được nếu phải vay vốn ngân hàng để kinh doanh.

Đặc biệt, ông Hòe đặt vấn đề: Kể cả khi lãi suất cho vay bình quân ở mức 7 - 8%/năm thì có bao nhiêu doanh nghiệp có thể vay được? Chưa kể so với các nước trong khu vực, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải vay với lãi suất gấp khoảng 2 lần thì hàng hoá sẽ khó cạnh tranh được với các nước.

Vì vậy, chuyên gia này cho rằng cần phải nghiên cứu để hạ lãi suất thực, phù hợp trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và doanh nghiệp hiện nay.

Kỳ vọng vào 3 tháng cuối năm

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, với tín hiệu phục hồi của sản xuất, kinh doanh và tín dụng thường tăng cao vào những tháng cuối năm, tín dụng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Cùng với đó, một số gói tín dụng ưu đãi đang được triển khai tích cực. Ví dụ như gói tín dụng cho lĩnh vực thủy sản 15.000 tỷ đồng triển khai từ giữa tháng 7 đến nay đạt khoảng 5.500 tỷ đồng; Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã có 40 dự án được công bố, tổng nhu cầu vay khoảng 16.000 tỷ đồng và các ngân hàng giải ngân khoảng gần 90 tỷ đồng.

"Nếu trong kỳ họp tháng 10 này, Quốc hội phê chuẩn Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép doanh nghiệp được mua nhà ở cho công nhân thì khả năng nhu cầu vay vốn từ gói này sẽ tăng lên", Thống đốc bày tỏ kỳ vọng.

Kỳ vọng của NHNN về thị trường bất động sản khởi sắc sẽ trở thành động lực cho tăng trưởng tín dụng là hoàn toàn có cơ sở. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính nhận định, thời gian qua, loạt chính sách đang có tác động mạnh tới thị trường nhà đất.

Điển hình như chính sách tiền tệ đang chuyển từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng”. NHNN cũng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất đang giảm dần. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được thực hiện như cơ cấu nợ, đảo nợ…

“Đây là những chính sách chưa từng có đối với tài chính và thị trường bất động sản. Đặc biệt, dòng vốn vào thị trường bất động sản vẫn đang chảy đều. Tín dụng cho BĐS vẫn tăng gần 5%, tương đương với mức tăng cho toàn hệ thống kinh tế, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 18%; tín dụng nhà ở tăng thấp, thậm chí giảm, chứng tỏ nhu cầu thực giảm do thu nhập giảm, người dân thận trọng hơn”, ông khẳng định. Đồng thời nhấn mạnh, các chính sách gỡ vướng được đẩy nhanh sẽ giúp dòng vốn cho thị trường bất động sản và đặc biệt là phân khúc cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thực sẽ “dễ thở” hơn trong thời gian tới.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, với hai gói tín dụng chuyên đề của Chính phủ là gói 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở xã hội và gói 15.000 tỷ đồng cho kinh doanh thủy sản, nếu dùng hết, NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại sẵn sàng cung ứng để giải quyết những khó khăn trước mắt cho 2 lĩnh vực này.

"Với các giải pháp đang triển khai, chúng ta rất mong tín dụng sẽ đạt mức như kỳ vọng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế. Hy vọng trong 3 tháng cuối năm, tín dụng sẽ tăng nhanh. Ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng với sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Huyền Anh

Lượt xem: 7
Tác giả: Lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn chưa phù hợp với doanh nghiệp 
Tin liên quan