Áp lực tăng lãi suất cho vay đang lớn dần

Giới phân tích dự báo lãi suất huy động của các ngân hàng năm nay tăng 1,5% nên lãi vay cũng chịu áp lực đi lên nhưng có độ trễ hơn.

Theo báo cáo chiến lược vĩ mô tháng 8 của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), nhóm phân tích cho rằng lãi suất huy động và cho vay có thể tiếp tục tăng do nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh phục hồi sau đại dịch. Mức độ tăng của hai loại lãi suất này phụ thuộc vào độ dồi dào của lượng tiền lưu thông trong thị trường liên ngân hàng.

la-i-sua-t-cho-vay-jpeg-9262-1659952656.

Các chuyên gia cho rằng, mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng.

Theo đánh giá của TPS, với những tín hiệu giảm giá của một số mặt hàng bán lẻ, áp lực lạm phát không còn nhiều nên các nhà điều hành sẽ không mạnh tay trong việc hút tiền khỏi lưu thông trong thời gian tới. Điều này góp phần làm giảm lãi suất liên ngân hàng.

Trước đó, từ tháng 6 lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu đi lên và bắt đầu tăng mạnh từ ngày 18/7 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục thực hiện rút tiền trên thị trường mở bằng cách phát hành tín phiếu và thực hiện các hợp đồng bán USD.

Hiện tại, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đang quay lại bằng mức cao nhất của năm 2019 (tháng 1 là 5,23%/năm và tháng 8 là 5,08%/năm). Từ ngày 27/7, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ khi NHNN đã bơm ra khoảng 58.400 tỷ đồng, bao gồm 46.000 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO) và gần 13.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu đáo hạn. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng vẫn neo ở mức rất cao. Vào thời điểm cuối tháng 7, lãi suất kỳ hạn qua đêm lên tới 4,2%/năm so với 0,96%/năm vào ngày 18/7.

Cũng trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), các chuyên gia dự báo nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nhu cầu huy động của các ngân hàng thương mại có thể đi kèm tăng lãi suất huy động trong thời gian tới.

Mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Theo VCBS, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5 % trong cả năm 2022. Lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, song có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động và có sự phân hóa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

Cũng theo đánh giá của VCBS, định hướng xuyên suốt của NHNN vẫn là giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Mặc dù vậy, với tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định.

Hiện nay hệ thống ngân hàng thương mại đã bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN. Theo đó, giai đoạn này NHNN đang thể hiện quyết tâm thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất hiệu quả hỗ trợ trọng điểm vào một số ngành nghề nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau dịch.

Như vậy định hướng xuyên suốt của NHNN vẫn là giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Song, theo VCBS, mục tiêu giảm lãi suất cho vay đang áp lực nhất định.

Thanh Hoa

Lượt xem: 39
Tác giả: Thanh Hoa
Tin liên quan